Khởi nghiệp từ mô hình nuôi cá mú
Ngày cập nhật 09/01/2020

Xã Lộc Bình, huyện Phú Lộc thành lập từ tháng 9/1986, được ghép một phần của 02 xã Lộc Trì và xã Vinh Hiền. Xã Lộc Bình là một xã miền núi, bãi ngang đặc biệt khó khăn, có chiều dài 14,5 km với 04 thôn, dân cư sống chủ yếu bằng nghề nông - lâm - ngư, mật độ dân cư thưa thớt sống rải rác trên tuyến đường Quốc lộ 49B. Trong đó ngư nghiệp là một thế mạnh của địa phương, nhiều hộ phát triển kinh tế nhờ nghề ngư trong đó có gia đình chị Huỳnh Thị Kim Ánh thôn Hòa An. Chị Ánh sinh ra và lớn lên ở Quảng Nam, 18 tuổi chị vào Sài Gòn lập nghiệp với nghề may sau đó quen và kết hôn với anh Nguyễn Thanh Long quê ở xã Lộc Bình.

 

Cuộc sống mưu sinh ở Sài Gòn hết sức khó khăn, vất vả nên vợ chồng chị quyết định về quê lập nghiệp với suy nghĩ sẽ làm giàu từ quê hương nên ngay từ khi trở về vợ chồng chị đã đồng lòng nuôi cá lồng vì gia đình của chị cũng thuận lợi khi ở gần sông. Ngỡ rằng việc nuôi cá là đơn giản nhưng khởi đầu gia đình chị đã gặp khó khăn: Vốn không có, kinh nghiệm, kiến thức cũng không, chưa được đào tạo nuôi trồng thuỷ sản, không biết chọn loại cá giống nuôi nào cho năng suất cao và đạt kết quả kinh tế... Đó là nỗi trăn trở nhiều đêm của vợ chồng chị.    

     

 Sau thời gian khảo sát thị trường, bằng tinh thần tiếp thu và học hỏi cao, vợ chồng chị đã chọn nuôi cá Mú, tuy cá Mú khó nuôi nhưng mang lại lợi nhuận cao. Nói là bắt tay vào làm, không vì những khó khăn mà từ bỏ những mong ước thoát nghèo của mình, chị và chồng cùng nhau học hỏi những kinh nghiệm của những chủ nuôi thành công và cả những người thất bại để rút ra bài học cho bản thân. Không những thế chồng chị đã cất công lặn lội vào Nha Trang để học hỏi thêm cách nuôi cá lồng của người dân nơi đây. Anh chị đã mạnh dạn vay ngân hàng, gia đình hai bên cộng với tổng số vốn có của anh chị để đầu tư cho 4 lồng cá với tổng kinh phí 100 triệu đồng. Năm đầu tiên, do mở rộng theo hướng tự phát nên đã tác động không nhỏ đến môi trường nuôi, khiến dịch bệnh xảy ra thường xuyên, gây thiệt hại không nhỏ về kinh tế cho gia đình chị. “Những ngày đó, vợ chồng tôi thức trắng đêm, chạy ngược chạy xuôi tìm cách cứu chữa cũng chỉ cứu được một phần nhưng lại học hỏi được rất nhiều kinh nghiệm quý giá của nghề nuôi cá”, chị Ánh nhớ lại.

Vì chưa có kinh nghiệm nhiều, thêm thời tiết diễn biến phức tạp, những lồng cá vợ chồng chị không đem lại lợi nhuận và bị thua lỗ nặng. Trong thời điểm này việc nuôi cá Mú đang phát triển nên người dân ở xã đua nhau nuôi cá Mú làm cho giá của cá bị hạ xuống thấp. Không vì thua lỗ mà chị từ bỏ, chị bàn và động viên với chồng “thất bại là mẹ của thành công”, vợ chồng cùng cố gắng và tìm ra những sai sót để tiếp tục giấc mơ làm giàu.

Muốn việc nuôi cá Mú đem lại nguồn kinh tế thì điều quan trọng là phải có được những kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc để cá Mú có thể đạt đủ trọng lượng mà giảm thiểu tối đa sự hao hụt. Theo chị, điều quan trọng là phải làm sao có thể giữ ổn định được đàn cá trong khoảng 2 tháng đầu tiên. Đây là thời điểm cá dễ nhiễm bệnh và có tỷ lệ chết cao nhất. Cá Mú thường mắc phải 2 căn bệnh chủ yếu là bệnh ghẻ trên da và bệnh về đường ruột. Do vậy, trong 2 tháng đầu tiên thả nuôi cho cá ăn thực phẩm công nghiệp để ổn định đường ruột và thường xuyên thay nước, xử lý vệ sinh đáy đìa để hạn chế vi khuẩn gây bệnh. Trải qua 2 tháng đầu tiên mà đàn cá ổn định thì coi như đã thành công bước đầu. Lúc này bắt đầu chuyển thức ăn từ thực phẩm công nghiệp sang cá tươi.

Trải qua bao thăng trầm, nghề nuôi cá Mú có lúc tưởng chừng như thất bại, có lúc nếu không nhờ vốn Ngân hàng đáp ứng kịp thời đã bị trắng tay vì số lượng cá Mú nuôi hao hụt quá nhiều do những yếu tố khách quan về môi trường và thời tiết, một phần do  mới bước vào nghề nên kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi chưa có. Không phụ lòng người “Có công mài sắt, có ngày nên kim”, với sự lao động cần cù, tâm huyết và sự nhiệt tình đối với con cá Mú, chị đã vượt qua được những thử thách để đạt kết quả tốt nhất, với phương pháp nuôi sử dụng thức ăn sạch cho cá, nuôi theo phương pháp tự nhiên, tận dụng dòng nước thoáng nên cá của chị ngon và có giá trị sử dụng hơn so với cá của các hộ khác và cá Nha Trang.

 Hiện nay chị đã mở rộng thêm 2 lồng cá mỗi lồng là 200.000 con cá, ngoài ra chị còn nuôi thêm các loại cá khác như: cá Vẩu, cá Hồng... đem lại thu nhập cao cho gia đình chị mỗi năm từ 200 - 300 triệu đồng. Sau thời gian nuôi cá Mú, chị rút ra được kinh nghiệm cá Mú dễ nuôi, chịu rét tốt trong môi trường nước; chi phí thức ăn thấp, thức ăn chủ yếu là cá biển như cá Nục nhỏ và cá Sơn. Theo chị cá Mú là loài cá xuất khẩu loại 1 được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng bởi thịt cá khi chế biến thơm, dai chắc, nhiều chất bổ dưỡng, chế biến được nhiều món ăn hấp dẫn.

Nhờ con cá Mú mà cuộc sống của gia đình chị những hộ gia đình khác trong xã nay đã thay đổi. Tuy nhiên cũng có những hộ gặp rủi ro, cá chết hàng loạt, mất trắng chỉ trong một đêm như hộ chị Mót ở thôn Tân An Hải nói: “Có lúc tôi quá nản lòng tưởng đâu không theo đuổi nghề nuôi cá lồng này nữa. Thế nhưng nhờ có đồng vốn của Ngân hàng đã đầu tư giúp chúng tôi kịp thời phục hồi lại nghề này, đến nay các lồng nuôi cá Mú của tôi đã phát triển tốt, đời sống gia đình tôi cũng được ổn định. Tôi thành thật biết ơn Ngân hàng” và chính quyền của địa phương.

  Theo chị năm 2017 được xem là năm thành công nhất, với giá bán cá Mú từ 280.000 – 290.000 đồng/kg, thậm chí có lúc lên đến trên 310.000 đồng/kg. Năm đó, gia đình chị có doanh thu 300.000.000 đồng từ nuôi cá Mú và các loại cá khác. Hiện nay, chị đang chuẩn bị xuất bán vụ cá Mú đầu tiên trong năm 2019 cho khách hàng, bình quân trọng lượng đạt từ  1,5- 2 kg/con.

Từ khi nuôi cá này, gia đình có thu nhập ổn định hơn nuôi con ăn học và xây sửa nhà được khang trang hơn. Ngoài ra, chị còn giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm của mình cho các chị em mới vào nghề nuôi cá, riêng với cá Mú nhà chị ngoài bán cho khách ở địa phương thì được thương lái tin tưởng đến thu mua ngay tại chỗ, có thị trường đầu ra ổn định và nhanh lớn. Nói thêm về nghề nuôi cá, chị Ánh cho hay, nếu như thời gian gần đây các loại gia súc, gia cầm giá cả lên xuống thất thường thì con cá truyền thống thì ngược lại. Giá cả khá ổn định, ít khi lên xuống cho nên hiệu quả kinh tế cao.

Thành công ngày hôm nay là một chuỗi ngày dài khó khăn của gia đình chị, chị mong rằng thời tiết không diễn biến phức tạp và đặc biệt cần có sự quan tâm của chính quyền địa phương đối với các hộ nuôi cá, và tôi rất mong muốn rằng nơi đây không riêng gì bản thân tôi và các hộ nuôi trong xã sẽ ngày giàu lên nhờ việc nuôi cá và không những thế có thể là nơi tham quan, trải nghiệm thực tế của các bạn muốn trải nghiệm, du lịch Homstay.

Phạm Thị Bông – CT Hội LHPN xã Lộc Bình

 

 

 

Tin mới
Xem tin theo ngày