Người đặt nền móng cho tiến trình đổi mới của Đảng ta
Ngày cập nhật 10/02/2017
Tổng Bí thư Trường Chinh với các đại biểu dự Đại hội toàn quốc lần thứ VI của Đảng, năm 1986

 Đồng chí Trường Chinh, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng nhà nước là một trong những người đặt nền tảng, khởi xướng đường lối đổi mới ở nước ta.

Thời kỳ trước đổi mới, cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội ở mức nghiêm trọng, sản xuất trì trệ, lạm phát “phi mã”, đời sống nhân dân thấp kém, tiêu cực xã hội gia tăng, tình trạng tiêu cực trong nội bộ, rồi việc ngăn sông cấm chợ, chia cắt thị trường làm cho giá cả ở mỗi nơi mỗi khác, không hình thành được thị trường thống nhất ngay trong từng khu vực, từng vùng, khiến cho tiền - hàng mất cân đối, cung cầu ngày càng căng thẳng, nhất là ở các trung tâm kinh tế như Hà Nội, Hải Phòng và thành phố Hồ Chí Minh, đặt ra thách thức đối với vai trò lãnh đạo của Đảng.

Trong bối cảnh đó, đồng chí Trường Chinh, trên cương vị Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng nhà nước (từ năm 1981), là một trong những người đặt nền tảng, khởi xướng đường lối đổi mới ở nước ta.

Đồng chí đã nhận rõ, một trong những nguyên nhân là sự lạc hậu về nhận thức lý luận, do chậm tổng kết kinh nghiệm về thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, vì vậy công cuộc đổi mới là một cuộc cách mạng toàn diện của đất nước được khai mở từ đổi mới tư duy lý luận. Đồng chí chỉ rõ, phải đổi mới tư duy, thay đổi cách nghĩ, cách làm, dám thừa nhận những quyết định sai lầm, dũng cảm xử lý những việc phức tạp. Để tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, đồng chí Trường Chinh đã nghiên cứu các vấn đề lý luận và khảo sát thực tế, tổng kết kinh nghiệm và sáng kiến của nhân dân.

Đồng chí quyết định thành lập nhóm nghiên cứu gồm tám nhà khoa học, tập trung nghiên cứu lý luận, các quan điểm của chủ nghĩa Mác - Lê-nin về thời kỳ quá độ; về Chính sách kinh tế mới (NEP) và liên hệ, vận dụng vào thực tiễn Việt Nam, từ đó nhận thức một cách khách quan, toàn diện tình hình đưa đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng.

Để sửa chữa những sai lầm trong phát triển kinh tế, đồng chí yêu cầu nghiên cứu lại các quan điểm kinh tế chính trị học Mác - Lê-nin, đó là giá cả, tiền lương, tài chính, tiền tệ, là những vấn đề của sản xuất, gắn chặt với mọi khâu của quá trình sản xuất.

Đồng chí chỉ rõ chính sách của Đảng phải xuất phát từ lợi ích, nguyện vọng và trình độ của dân. Đánh giá chính sách đúng hay sai, hiệu quả hay thất bại là ở chỗ quần chúng nhân dân có phấn khởi, đồng tình, hăng hái thực hiện hay không. Với tư duy khoa học, biện chứng, đồng chí Trường Chinh nhìn nhận thẳng vào những khuyết điểm và kiên quyết sửa chữa khuyết điểm, sai lầm, khắc phục tư tưởng vừa chủ quan, nóng vội, vừa bảo thủ, trì trệ; từng bước nêu những nhận thức mới về thời kỳ quá độ ở Việt Nam, về sự tất yếu “không thể bỏ qua phát triển sản xuất hàng hóa”, đó là sản xuất hàng hóa xã hội chủ nghĩa, làm rõ khái niệm “cơ chế thị trường”,... Đồng thời với nghiên cứu lý luận, đồng chí tổ chức khảo sát thực tế ở nhiều địa phương làm rõ những thành công và thất bại ở cơ sở, phát hiện những yêu cầu và sáng tạo của nhân dân, trên cơ sở đó tìm tòi đổi mới cách nghĩ, cách làm trong xây dựng đất nước.

Để đánh giá đúng tình hình thực hiện Nghị quyết T.Ư 6 và T.Ư 7, khóa V, năm 1985, đồng chí khảo sát thực tế ở một số tỉnh miền trung và thành phố Hồ Chí Minh, những địa phương có nhiều thế mạnh về kinh tế và có những điển hình tốt trong thực hiện chính sách lương và tính giá thành sản phẩm. Qua đó, nắm chắc tình hình thực tế ở ba miền, củng cố những cơ sở thực tiễn sinh động tạo sự chuyển biến có tính bước ngoặt trong tư duy đổi mới của Đảng.

Tại Hội nghị T.Ư 6 (7-1984) bàn và ra Nghị quyết Về những nhiệm vụ cấp bách trong công tác cải tiến quản lý kinh tế, đồng chí Trường Chinh đề xuất: nền kinh tế đòi hỏi phải có cơ chế quản lý năng động, cần bãi bỏ tập trung quan liêu, bảo thủ, trì trệ và bao cấp tràn lan, thực hiện đúng đắn nguyên tắc tập trung dân chủ; phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự. Đồng chí kiên trì chủ trương này tại các Hội nghị T.Ư tiếp theo đến Đại hội VI của Đảng.

Tại Hội nghị T.Ư 7 (12-1984), đồng chí nhấn mạnh, không có con đường nào khác là phải nhanh chóng chuyển từ bao cấp sang hạch toán, kinh doanh, loại bỏ tính chất hình thức, giả tạo, khôi phục tính chân thực của mọi hoạt động kinh tế nhằm thực hiện bằng được bước chuyển đổi; phải thực hiện chính sách một giá; giải quyết vấn đề tiền lương là khuyến khích người lao động hăng hái làm việc; xóa bỏ tình trạng cửa quyền và tâm lý ỷ lại. Một số tỉnh, thành phố đã thí điểm bù giá vào lương và tính đủ giá thành vào sản phẩm đã cho kết quả, tuy nhiên chưa như mong muốn.

Tại Hội nghị T.Ư 8 (8-1985) với nội dung đặc biệt quan trọng là quyết định việc cải cách một bước về giá, tiền lương, tài chính và tiền tệ để bãi bỏ cơ chế tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang hạch toán, kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Đồng chí xác định, Nghị quyết Hội nghị sẽ chấm dứt thời kỳ điều khiển nền kinh tế bằng những mệnh lệnh hành chính, biểu hiện đặc trưng của cách quản lý tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sang điều khiển nền kinh tế trên cơ sở vận dụng đúng đắn các quy luật khách quan, thông qua kế hoạch hóa gắn với hạch toán kinh tế và kinh doanh XHCN. Đồng chí đề nghị có nghị quyết nhất trí về nguyên tắc để thật sự chuyển sang hạch toán, kinh doanh, cần đưa đủ ở đầu vào, có chính sách ở đầu ra khi bán lẻ, thi hành chính sách một giá trên toàn bộ hoạt động của nền kinh tế.

Nghị quyết T.Ư 8 là mốc đánh dấu bước trưởng thành của Đảng ta trên mặt trận kinh tế, khi xác định giải quyết giá - lương - tiền là khâu đột phá để chuyển hẳn sang hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa. Nghị quyết như một luồng gió thổi vào các hoạt động của toàn xã hội. Đây là nghị quyết được triển khai nhanh và đi vào lòng dân tràn đầy khí thế.

Đồng chí nhận thức rõ “chống tập trung quan liêu, bao cấp là cuộc đấu tranh vô cùng gian khổ giữa cái mới và cái cũ, giữa cái tiến bộ và cái lạc hậu, giữa tính năng động của yêu cầu đổi mới và tư tưởng bảo thủ, sức ỳ của những thói quen, giữa yêu cầu thiết lập quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa thật sự của toàn thể nhân dân lao động với chủ nghĩa cá nhân trong một số người, nhân danh bảo vệ chủ nghĩa xã hội để cố bám giữ đặc quyền, đặc lợi. Đây là cuộc đấu tranh diễn ra trong nội bộ Đảng, trong bộ máy Nhà nước và các đoàn thể, trong nội bộ nhân dân, trong từng cấp, từng ngành và đấu tranh ngay trong chính bản thân mỗi người chúng ta”.

Đồng thời, đồng chí nêu rõ quan điểm về việc tách chức năng quản lý hành chính ra khỏi chức năng quản lý sản xuất, kinh doanh và làm rõ giới hạn của quản lý hành chính để bảo đảm cho chính quyền các cấp giữ vững quyền điều hành, kiểm soát nền kinh tế, bảo đảm luật pháp được thực thi... Nhà nước quản lý kinh tế xã hội bằng pháp luật, không nên can thiệp quá sâu vào quyền điều hành hoạt động sản xuất của các đơn vị cơ sở, mà hướng vào việc hình thành và hoàn chỉnh hệ thống các thể chế, chính sách, sử dụng các công cụ quản lý vĩ mô, bảo đảm sự chỉ đạo thống nhất một hành lang pháp lý, nhằm phát huy quyền tự chủ của các đơn vị sản xuất, kinh doanh, kích thích sự năng động, sáng tạo của các thành phần kinh tế.

Nhà nước cần nâng cao năng lực xử lý kịp thời các vấn đề vĩ mô cấp bách như lạm phát, suy thoái, khủng hoảng. Chuyển sang cơ chế quản lý mới đòi hỏi phải đổi mới nhận thức, quan niệm cũng như tổ chức và phương thức hoạt động. Nhà nước phải có một tầm nhìn bao quát, tổng thể các vấn đề cần giải quyết, có thể cân đối được những yêu cầu trái ngược nhau về các nguồn lực, nắm bắt được xu thế vận động của các khả năng, dự báo được triển vọng phát triển của tình hình trong tương lai.

Những quan điểm đổi mới tư duy kinh tế, chính trị đó được cụ thể hóa thành các văn bản pháp quy, quy định tạm thời cho các đơn vị kinh tế được quyền tự chủ về kế hoạch, vật tư kỹ thuật, tài chính; về cơ chế kinh doanh; giá cả, lao động, tiền lương; tiêu thụ sản phẩm và dịch vụ; nhập khẩu và thực hiện hợp đồng kinh tế, như một luồng gió mới tiếp thêm sức mạnh cho các đơn vị sản xuất kinh doanh, tạo ra niềm tin và triển vọng phát triển mới.

Tuy vậy, trước khi Đại hội VI của Đảng diễn ra, có không ít ý kiến khi thảo luận về các quan điểm kinh tế, vẫn cho rằng, đồng chí chạy theo chủ nghĩa xã hội thị trường, say sưa với cơ chế thị trường, bắt chước các quan điểm của nước ngoài,...

Trong diễn văn khai mạc Đại hội VI của Đảng, được tiến hành tại Hà Nội từ ngày 15 đến ngày 18-12-1986, đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh đã phân tích và làm rõ tình hình bằng nhiều luận điểm khoa học và thực tiễn sinh động, đồng chí chỉ rõ đổi mới tư duy trong mọi lĩnh vực hoạt động của Đảng và Nhà nước là việc cấp bách, đồng thời là việc thường xuyên lâu dài. Tính bảo thủ, sức ỳ của những quan niệm cũ là trở ngại không nhỏ, nhất là những quan niệm ấy gắn chặt với những người mang nặng chủ nghĩa cá nhân và đầu óc thủ cựu. Cần tạo những điều kiện xã hội thuận lợi cho quá trình đổi mới tư duy: bầu không khí dân chủ trong xã hội, nhất là trong sinh hoạt đảng, trong nghiên cứu khoa học, tinh thần tôn trọng sự thật, tôn trọng chân lý; hệ thống thông tin chính xác; tự phê bình và phê bình được tiến hành một cách thường xuyên và nghiêm túc. Điều quan trọng là phải coi trọng công tác lý luận nhằm cung cấp nội dung khoa học cho việc đổi mới tư duy.

Đại hội VI của Đảng có ý nghĩa lịch sử trọng đại, đánh dấu bước ngoặt trong sự nghiệp quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đại hội VI đã tìm ra lối thoát cho cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội, mở ra đường lối đổi mới toàn diện, mở ra bước ngoặt trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Đồng chí Trường Chinh, với trách nhiệm quyết định trong chuẩn bị các văn kiện và tổ chức thành công Đại hội VI của Đảng đã có những đóng góp to lớn về lý luận và thực tiễn, là kiến trúc sư vĩ đại của sự nghiệp đổi mới.

Theo hoilhpn.org.vn

Tin mới
Xem tin theo ngày