Tập trung nguồn lực vì sự an toàn cho trẻ em
Ngày cập nhật 08/01/2020

Trẻ em là mầm non tương lai của đất nước, là chủ nhân của tổ quốc. Nhưng trẻ em cũng là những búp non trên cành dễ bị tổn thương đặc biệt là những trẻ em nghèo, trẻ em vùng dân tộc thiểu số hay trẻ có hoàn cảnh khó khăn. Trẻ em rất dễ trở thành nạn nhân của bạo lực gia đình, bạo lực học đường, xâm hại tình dục, mua bán người, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông, tệ nạn xã hội, tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống... Bởi vậy, an toàn cho trẻ em trong gia đình, nơi công cộng, trong trường học, ngoài xã hội là vấn đề luôn được gia đình, nhà trường và xã hội quan tâm, đây cũng chính là nội dung chủ đề “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” được Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng như Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế lựa chọn tập trung triển khai thực hiện trong năm 2019.

 

Trong năm qua, việc xây dựng môi trường an toàn thực sự cho trẻ em, công tác chăm sóc và bảo vệ trẻ em, đặc biệt là trẻ em nghèo, trẻ em dân tộc thiểu số được Hội LHPN tỉnh chú trọng, đạt được những kết quả rõ rệt. Theo đó, tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức, nhất là trang bị kiến thức, kỹ năng mềm cho các em thông qua việc tổ chức 45 lớp tập huấn về kỹ năng phòng tránh xâm hại trẻ em, phòng chống tai nạn thương tích cho gần 4.500 em học sinh của huyện A Lưới, Phú Vang, Phú Lộc; 25 cuộc truyền thông về giáo dục giới tính, kiến thức, kỹ năng phòng chống xâm hại, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông cho hơn 3.000 lượt học sinh trên địa bàn toàn tỉnh. Ngoài ra, để tăng cường tính chủ động và hiệu quả tiếp thu kiến thức, góp phần giáo dục toàn diện, tăng cường kỹ năng sống cho các em, Hội đã đa dạng hóa các hình thức giáo dục, tuyên truyền bằng việc tổ chức các hội thi như: Hội thi “Phát huy sáng kiến của trẻ với bảo vệ môi trường”; hội thi Rung chuông vàng “Tìm hiểu về Quyền trẻ em năm 2019”; Ngày hội “Trẻ em vùng dân tộc thiểu số”… qua đó, tạo sân chơi lành mạnh, bổ ích giúp các em học sinh được giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm học tập.

Phát huy tính hiệu quả của phương pháp truyền thông qua phương tiện nghe nhìn nhằm tạo sự lan tỏa trong cộng đồng, Hội đã tổ chức nhiều sự kiện truyền thông nổi bật thu hút sự tham gia không chỉ của các em học sinh, các bậc phụ huynh mà còn có sự vào cuộc của cấp uỷ, chính quyền trong việc bảo vệ, chăm sóc trẻ em, như: tổ chức 03 diễn đàn Lắng nghe trẻ em nói; 03 cuộc đối thoại chính sách liên quan đến phụ nữ và trẻ em; 04 hội thảo nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm các cấp, các ngành, gia đình và toàn xã hội về ý nghĩa, sự cần thiết về quyền tham gia của trẻ em; tạo môi trường thuận lợi và nâng cao năng lực cho trẻ em trong việc thực hiện quyền tham gia vào các vấn đề liên quan đến trẻ em. In và chuyển 5.500 tờ rơi tuyên truyền về phòng chống xâm hại trẻ em. Phối hợp với Đài Phát thanh huyện A Lưới, hàng tháng tuyên truyền về các nội dung liên quan đến Quyền Trẻ em, các kỹ năng phòng tránh cho trẻ trên hệ thống loa đài.

Để công tác bảo vệ trẻ em thiết thực và hiệu quả hơn, bên cạnh những diễn đàn, hội thảo, Tỉnh Hội cũng đã tổ chức ra mắt 02 câu lạc bộ điểm “Nâng cao vai trò vị thế phụ nữ và trẻ em” tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà; xã Hương Hòa, huyện Nam Đông; duy trì và thành lập mới 15 câu lạc bộ “Quyền Trẻ em” tại các xã bãi ngang, vùng miền núi. Việc thành lập Câu lạc bộ này nhằm tạo điều kiện cho các em được trao đổi, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau trong học tập, vui chơi, giải trí lành mạnh; giúp các em rèn luyện phẩm chất, kỹ năng sống để trở thành người có ích cho xã hội. Bên cạnh đó, các em còn có cơ hội bày tỏ ý kiến, nguyện vọng của mình về những vấn đề liên quan đến trẻ em và được trẻ em quan tâm.

Trong năm qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh cũng đã không ngừng nỗ lực góp sức cùng toàn xã hội, tham gia tích cực các hoạt động khuyến học, khuyến tài. Trao tặng trên 330 xe đạp, 3.415 suất học bổng Nguyễn Thị Định cho học sinh nghèo toàn tỉnh; tặng đồng phục, sách vở và học phí với tổng trị giá gần 670 triệu đồng cho 110 em học sinh có hoàn cảnh khó khăn thuộc các huyện Phú Vang, Phú Lộc. Những phần quà này tuy không lớn nhưng đó là nguồn động viên, khuyến khích, là sự quan tâm của xã hội với hy vọng các em cố gắng phấn đấu học giỏi hơn, sống tốt hơn và giúp các em bớt phần nào khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, Hội tranh thủ các nguồn lực hỗ trợ để xây dựng các sân chơi an toàn tại cộng đồng, thư viện xanh ở các trường học tại các vùng trẻ em còn gặp nhiều khó khăn đã góp phần tạo dựng môi trường an toàn, hữu ích cho trẻ vui chơi, phát triển.

Có thể thấy, Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế đã và đang bằng nhiều biện pháp, giải pháp kêu gọi toàn xã hội hãy lắng nghe trẻ em bằng trái tim và chăm sóc bảo vệ trẻ em bằng hành động; là điểm nhấn góp phần tạo nên một môi trường hạnh phúc cho chính từng gia đình và lan tỏa ra toàn xã hội. Cùng với các giải pháp đó, chính bản thân các em cũng phải có tiếng nói của mình, mạnh dạn phản đối hành vi xâm hại trẻ em cũng như biết cách tự bảo vệ mình. An toàn cho trẻ em là hạnh phúc, bình an của mỗi gia đình, là sự phát triển bền vững của đất nước.

Vũ Linh

 

 

Tin mới
Xem tin theo ngày