Hương
Ngày cập nhật 12/11/2019
  1. Chiều muộn một ngày Chủ nhật, cuộc điện thoại của tôi gọi đến chị Lê Thị Thu Hương, Bí thư Huyện uỷ Nam Đông "được" trả lời chỉ bằng những hồi chuông dài. Lúc đó đang xảy ra cháy rừng. Chị Hương đang bận ở hiện trường cùng các lực lượng dập lửa. Rất nhiều cuộc gọi khác cũng "gặp" khi hương đang về các thôn, xã heo hút...

Về với dân

Một ngày, tôi đi cùng nữ Bí thư Huyện ủy và cán bộ các phòng liên quan đến Khe Tổ Chim thuộc xã Thượng Lộ,vùng sản xuất lớn của Nam Đông. Đường đến vùng sản xuất được xẻ ra từ chênh vênh sườn núi. Đây là con đường xây dựng để phục vụ, nâng cao đời sống của đồng bào Cơ Tu. Nhiều chặng chưa được bê tông, lổn nhổn đá nhỏ, to, dốc cao… Đi qua chặng lầy lội, lắm “con lươn, con chạch”, mấy chiếc xe máy chòng chành nghiêng ngả. Có lúc sau khi bị hất ra khỏi lưng “con ngựa sắt”, người phụ nữ ấy lại lặng lẽ đứng dậy, tiếp tục cuộc hành trình. Lội suối. Băng qua những quả đồi vừa thu hoạch keo, những quả đồi cao su đang kỳ khai thác dưới cái nắng mỗi lúc càng gay gắt. Mồ hôi ướt áo. Cùng ngồi trên vạt cỏ ăn những củ sắn luộc mới dỡ lên từ rẫy, hỏi chuyện đồng bào có gì khó khăn, khúc mắc… đó là cách người nữ bí thư huyện ủy ấy nắm tình hình đời sống, sản xuất của bà con.

Mười mấy năm trước, Hương là “người chở đò” nơi rừng núi Nam Đông còn nghèo khó, lạc hậu. Với tâm huyết “góp một tay” thay đổi những cuộc đời, phát triển một vùng đất, thông qua việc dạy- học, sau những buổi chiều muộn, cũng như nhiều đồng nghiệp khác, cô giáo Lê Thị Thu Hương lặn lội đến những căn nhà xa xôi heo hút nơi bản làng, thủ thỉ vận động đồng bào cho con đi học. Hành trình vận động để các em được đến trường là một mình lội suối, đội mưa, gió rét, khuya khoắt…

Vẫn với tâm huyết năm xưa, trên cương vị là người đứng đầu địa phương (từ khi là Chủ tịch UBND huyện), ngoài những quyết sách lớn, sát sườn tình hình thực tế về kinh tế- xã hội, chị Hương vẫn đích thân lặn lội “đến từng ngõ, gõ từng nhà” vận động thuyết phục người dân, “cởi bỏ” được những mâu thuẫn, khúc mắc tồn đọng trong công tác thu hồi đất, giải phóng mặt bằng, mà trước đó lực lượng cán bộ các phòng, ban liên quan “chịu bó tay”. Để tiến độ thi công tuyến đường La Sơn- Nam Đông, La Sơn- Túy Loan, công trình thủy điện Thượng Lộ, khu quy hoạch Hà An được đảm bảo, thúc đẩy mạnh mẽ Nam Đông phát triển…

Dân nghe

Chiều xuống nhè nhẹ. Bên bộ bàn ghế đặt trước thềm nhà, bà Lưu Thị Thẩm (cụm 1, tổ dân phố 1, thị trấn Khe Tre) tủm tỉm cười theo tiếng reo hò của những thanh niên trên sân bóng bên kia đường. Cảm giác bình yên quá đỗi. Bà nói chậm rãi: “Ngày trước gia đình tui ở sau “đôộng”, đất sản xuất rộng lắm. Khi đường La Sơn- Nam Đông đi qua, gia đình tui phải bàn giao mặt bằng. Nhà nước sẽ bồi thường về đất, nhà cửa, cây cối trên đất, đồng thời cấp lại chỗ đất này để xây nhà ở. Tui đã từng không đồng ý, bởi tiền đền bù tổng cộng chỉ 600 triệu đồng, nhưng phải nộp tiền sử dụng đất (mới) 250 triệu đồng, đâu có đủ để xây ngôi nhà rộng, cho 3 gia đình của các con tui. Đó là chưa tính sự thiệt thòi khi “mất” đất sản xuất, kế sinh nhai càng gặp nhiều khó khăn. Nhiều cán bộ nói với bà đang thực hiện theo quy định, nếu bà không nghe theo thì sẽ bị cưỡng chế. Bà uất, chỉ muốn “liều”, nhất quyết không đồng tình.

Bà Lưu Thị Thẩm - cụm 1, tổ dân phố 1, thị trấn Khe Tre

“Đến lúc đó, chị Hương về gặp tui thuyết phục. Chị bảo không thể thay đổi những gì thuộc về quy định, nhưng trên cương vị là Chủ tịch UBND huyện, chị đảm bảo các cơ quan sẽ thống nhất cho tui nợ tiền sử dụng đất trong 5 năm. Chị bảo đã nghiên cứu kỹ rồi. Tui thuộc diện hộ nghèo, rất khó khăn, nên được giãn nợ là thực hiện đúng chính sách. Chị nói: “Con biết người dân chịu nhiều thiệt thòi, nhưng con mong mệ thông cảm với chính quyền, chịu hi sinh một phần để cái chung phát triển”. Coi như được an ủi. Tui nghe lọt. Là người đứng đầu huyện mà chị đi tới đi lui không biết bao nhiêu lần, cũng chỉ vì cái chung. Rứa là tui đồng ý”- bà Thẩm kể. Người phụ nữ ngoài 60 rơm rớm xúc động khi nhớ lại, trong lúc gia đình bà làm nhà tại nơi ở mới này, chị Hương vẫn lui tới hỏi han. “Cái tết đầu tiên gia đình tui vào ở nhà mới, chị Hương đến thăm hỏi, “lì xì” 500 nghìn đồng. Tui nhớ mãi. Đây là tấm lòng, là sự gần gũi, cảm thông của người đứng đầu địa phương dành cho một người dân “nhỏ bé” như tui. Chị Hương đã giữ đúng lời hứa, tui được giãn nợ 5 năm. Vậy nên tui cũng tự dặn lòng sẽ nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn. Thời gian 5 năm gần hết, tui cũng đã chuẩn bị gần đủ số tiền phải nộp. Bây giờ đường sá rộng, đẹp, nhiều nhà cửa, công trình mới xây dựng, phát triển. Vui lắm”- bà Thẩm lại nở nụ cười.

Ông Trần Văn Khuất (hơn 70 tuổi, thôn 7 xã Hương Hữu) cũng cười tươi khi nhớ lại “chuyện xưa”. “10 lần. À không, nhiều hơn”. Ông Khuất bắt đầu kể về việc nữ Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Thu Hương đến nhà thuyết phục ông đồng ý bàn giao mặt bằng để kịp tiến độ thi công tuyến đường La Sơn - Nam Đông. Lúc đó, con trai ông tránh mặt, “lấy cớ” bận lên nương lên rẫy, không chịu gặp. Còn ông thì lờ đi. Người phụ nữ ấy đứng ở hiên nhà, nhưng ông coi như không hay biết, không chào, chẳng hỏi, nói gì đến chuyện mời vào nhà. Gia đình ông Khuất dựng nên “bức tường” như thế, những cán bộ trước đó đã “chào thua”. Thế nhưng người phụ nữ ấy đêm hôm gì cũng kiên nhẫn. Chục bận như thế thì ông Khuất mở lòng, chịu lắng nghe người đứng đầu huyện phân tích, thuyết phục.

Gia đình yêu cầu đền bù diện tích đất và cây cối trên đất bị ảnh hưởng là 50 triệu đồng. Trong lúc đó kết quả kiểm đếm, đo đạc, định giá theo quy định, tổng số tiền đền bù ít hơn. Tìm hiểu, biết đây là hộ thuộc hoàn cảnh khó khăn, nhà cửa tạm bợ. Lại biết gia đình dự định sẽ sử dụng tiền đền bù để xây nhà chống bão, chị Hương trăn trở làm thế nào vừa chi tiền đền bù đúng quy định, vừa hợp tình, không để người dân phải chịu thiệt thòi. Vậy là bàn, phối kết hợp với UBMTTQVN huyện, ưu tiên hộ ông Khuất trong năm đó, được hỗ trợ kinh phí xóa nhà tạm, với số tiền 20 triệu đồng.

Trước sự trải lòng của người đứng đầu huyện, ông Khuất giúp chị Hương “làm dân vận”, thuyết phục con trai chấp nhận phương án hợp tình hợp lý, nhanh chóng bàn giao mặt bằng. “Đất trong khuôn viên của hộ này bị hõm, nên sau đó tôi nhờ đơn vị đang thi công đường cho 20 xe đất san lấp bằng phẳng, để gia đình thuận tiện trong phát triển kinh tế”- chị Hương từng chia sẻ.

Bây giờ con trai của ông Khuất vui mừng giới thiệu về ngôi nhà chống bão. “Gia đình tôi không còn lo lắng trong những mùa mưa bão. Diện tích được đổ đất bằng phẳng năm đó, chúng tôi đã ký hợp đồng, cho người khác thuê để ươm cây giống, tăng thu nhập”.

Thấu hiểu

Ông Hồ A Ray, Bí thư Chi bộ, người có uy tín thôn A Xăng, xã Thượng Long, một xã vùng sâu vùng xa của Nam Đông, rất trân trọng khi nói đến chị Lê Thị Thu Hương. “Trân trọng là bởi từ khi đảm nhiệm Chủ tịch UBND huyện, hay bây giờ là Bí thư Huyện ủy, chị Hương năng về với dân, nói chuyện, hỏi thăm, trao đổi kinh nghiệm làm ăn, phát triển kinh tế với một phong thái giản dị, tâm lý, gần gũi. Những điều đó người dân A Xăng ghi nhớ trong lòng. Chính vì vậy, khi thi công làm đường nông thôn mới, đường sản xuất, ban đầu người dân chưa đồng thuận với chủ trương vận động hiến đất, hiến cây… Nhưng chị Hương về phân tích, thuyết phục, bà con nơi đây nghe rồi nhất trí, ủng hộ. Đường đi qua “đụng” keo, “đụng” cao su cũng không sao. Đồng bào sẵn lòng hiến của, hiến công, cùng chung tay với Nhà nước, vì đã hiểu đóng góp của mình là xây dựng quê hương”- ông Ray bộc bạch. Vị Bí thư chi bộ thôn, người có uy tín “lão làng” qua nhiều nhiệm kỳ bảo rằng, đồng bào Cơ Tu rất ít khi khen bằng lời. Ngợi khen người nào chính là sự lặng lẽ ghi nhận và ủng hộ. Chị Hương đã làm được một điều rất khó, đó chính là chiếm được sự ủng hộ của đồng bào.

Ông Hồ A Ray - Bí thư Chi bộ thôn A Xăng, xã Thượng Long

Nhớ một lần tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ta Rung, xã Hương Sơn, hỏi nữ Bí thư Huyện ủy về những điều chị đã làm được cho dân. Trong lúc chị Hương “bối rối” chưa biết bắt đầu từ đâu, thì bà Hồ Thị Hồng (người dân thôn Ta Rung) bảo: “Con làm được nhiều chuyện vậy sao không nhớ. Nhất là chuyện thực hiện đúng lời hứa, làm công trình đường bê tông cùng hệ thống điện chiếu sáng qua thôn Ta Rung. Người dân Ta Rung ai cũng nhớ chuyện này. Phấn khởi lắm.”

Bà Hồ Thị Hồng - người dân thôn Ta Rung

“Rất trông ngóng, dân hỏi lúc nào có đường? Lúc đó trong vai trò là Chủ tịch UBND huyện, tôi thay mặt lãnh đạo huyện hứa công trình đường và điện sẽ có trước ngày bầu cử HĐND các cấp 2016-2021, để chào mừng”. Mang nặng một lời hứa, một mặt đôn đốc đơn vị thi công, mặt khác người đứng đầu huyện nhiều lần đích thân về tận hiện trường, động viên công nhân. “Ngày cuối cùng đổ nhựa để hoàn thành đúng thời hạn, công nhân, máy móc thi công suốt đêm. Chập tối, khi ánh điện lần đầu tiên bừng sáng trên đường, toàn bộ người dân đổ ra xem, hồi hộp, vui mừng. Con đường hoàn thành lúc 4 giờ sáng trong tiếng reo hò vỡ òa. Tôi thấy mình cũng rưng rưng…”,  Hương nói.

Bà Hồng bảo, khi đã tin tưởng, ủng hộ người đứng đầu, người dân Hương Sơn một lòng “giúp” lại, vận động nhau hiến đất, hiến cây, giúp công, giúp của, thực hiện những công trình công cộng sau này. Để bây giờ Hương Sơn là xã nông thôn mới với những con đường khang trang vững chắc, ngập tràn sắc hoa; đi đầu toàn huyện trong tất cả mọi lĩnh vực phát triển kinh tế, văn hóa, an ninh…

Cây cầu mà chị Hương đã vận động mạnh thường quân hỗ trợ cho người dân ở thôn Ria Hố, xã Thượng Lộ

Chị Hương chia sẻ, trong những lần trực tiếp về với dân tìm hiểu để tháo gỡ những mâu thuẫn, bế tắc tồn đọng nhiều năm, câu hỏi người dân thường đặt ra là, làm được không? “Điều đó chứng tỏ người dân còn nhiều hoài nghi. Chính vì vậy, những vấn đề đã nắm rõ, không phức tạp, trong vai trò người đứng đầu, tôi trả lời trực tiếp luôn, làm được hay không được, thời hạn bao lâu, chứ không có “ghi nhận”, rồi để đấy, gây chán, gây mất lòng tin nơi dân… Những việc trong tầm tay thì mình cam kết ngay tại chỗ, nhưng có nhiều trường hợp phải họp các phòng ban liên quan. Lại tiếp tục trao đổi với dân. Kiểu gì mình cũng phải thành tâm. Phải đặt mình vào hoàn cảnh của họ, thấu hiểu thiệt thòi, mất mát của dân mới thực sự hiểu được vì sao có những phản ứng gay gắt và để biết phải tháo mở như thế nào. Sự đồng cảm, cảm thông là “chiếc chìa khóa” có thể mở cửa những tấm lòng. Khi dân đã mở lòng, mình phải nắm lấy cơ hội”- chị Hương bày tỏ.

Thấu hiểu nên nữ Chủ tịch UBND huyện Lê Thị Thu Hương khi mới nhậm chức vào năm 2017 đã đứng trước người dân thôn Hà An (xã Hương Phú)- những người bị thu hồi đất không đúng quy trình hơn 10 năm trước, dẫn đến mâu thuẫn với chính quyền, khiếu nại kéo dài, nói lời xin lỗi, nhận trách nhiệm. Ông Nguyễn Văn Thủy (cựu Bí thư Đảng ủy xã Hương Phú, người có uy tín) nói về chị Hương rằng, một người đứng đầu của huyện đã biết xin lỗi, nên người dân tha thứ, phối hợp để chính quyền sửa sai, giải quyết dứt điểm vụ việc, để từ đó yên tâm làm ăn, phát triển.

Một buổi làm việc tại nhà sinh hoạt cộng đồng thôn Ta Rung, xã Hương Sơn

Hương là tên mọi người thường gọi chị. Nhưng với ba mẹ của Hương, chị là Pata Hêlênh - bông hoa dại mọc ở thác nước. Loại hoa có vẻ đẹp của sự dày dặn và bản lĩnh. Với bà con Nam Đông, chị là người bình dị, gần gũi như chính tên gọi của mình.

 
 
Theo baothuathienhue.vn
Tin mới
Xem tin theo ngày