Đa dạng hoá ngành nghề cho phụ nữ
Ngày cập nhật 05/01/2012
Chị Hồ Thị Sen - PGĐ TTDN & GTVL Hội LHPN TT.Huế trao thưởng cho các học viên

Việc làm vừa là mục tiêu, vừa là động lực cho việc đào tạo nghề. Bởi vậy, một trong những nhiệm vụ trọng tậm của Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề thuộc Hội phụ nữ tỉnh là đào tạo nghề cho lao động nữ gắn với việc ổn định và có thu nhập cho chị em.

Mấy năm gần đây rộ lên tình trạng nữ thanh niên vào Nam làm việc. Ở đó, người lao động chỉ thực sự ổn định khi có tay nghề. Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm là một trong những nguyên nhân dẫn đến mức thu nhập thấp của các hộ gia đình nông thôn. Thu nhập bình quân của các vùng nông thôn chỉ bằng 1/3 thu nhập ở khu vực thành thị. Vô hình chung, đó chính là lực ''đẩy'' hàng triệu lao động nông thôn, chuyển tự phát đến các vùng đất giàu tiềm năng hay dồn về các đô thị tìm việc làm. Lương bổng của một lao động phổ thông chỉ đủ trang trải cho cuộc mưu sinh. Thậm chí, ở một số xã  lao động không có tiền xe để về quê, song họ vẫn không muốn vế nhà, sợ làng xóm dị nghị. Bao năm, lao động nông thôn ở thế bị động, mỗi khi có đơn vị này, doanh nghiệp nọ đến tuyển. Một thời gian dài, những người nông dân không hề được qua một lớp đào tạo nào để trở thành công nhân - dẫu họ có nguyện vọng. Họ thường gặp những cản trở như quá tuổi tuyển dụng, trên 70% lao động thuần nông chưa qua đào tạo nghề, thiếu tác phong công nghiệp ...khiến họ  chán nản, tự ý bỏ việc.

Trên cơ sở xác định  nhu cầu của các đối tượng phụ nữ, khai thác lợi thế của địa phương, trong 5 năm Trung tâm giới thiệu việc làm và dạy nghề đã tổ chức 172 lớp, thu hút 2.347 lượt học viên đến học. Rất nhiều ngành nghề thu hút chị em tham gia  như: Kỹ thuật nấu ăn, May dân dụng và công nghiệp, Tin học, bánh Kem, cắm hoa nghệ thuật, Trang điểm thẩm mĩ, Cắt tỉa rau củ quả... Riêng đối tượng chính sách, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, con em đồng bào dân tộc thiểu số, con em gia đình chính sách, trung tâm đã  miễn, giảm học phí...Ngoài ra,  trung tâm tranh thủ các dự án như tăng cường năng lực đào tạo nghề và chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn để mở các lớp học nghề cho gần 700 học viên là  bộ đội xuất ngũ, người nghèo và các hộ bị thu hồi đất canh tác.

Thực hiện chương trình phối hợp giữa Ban dân tộc miền núi tỉnh và Hội LHPN tỉnh TT Huế về đào tạo nghề cho người lao động các xã đặc biệt khó khăn cho 12 xã và 16 thôn thuộc Chương trình 135, tổ chức được 10 lớp với trên 100 học viên tham gia. Nhằm đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động của tỉnh, trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức dạy ngoại ngữ và giáo dục định hướng cho 30 lao động đi lao động ở Malaysia...Dự án Jica - Nhật Bản. Viện Công nghiệp thực phẩm đã tổ chức tập huấn cho 21 chị ở Thành phố Huế và 8 huyện, thị xã chế biến Tôm chua sạch. Năm 2008, trung tâm đã đổi mới Chương trình Bộ môn May dân dụng và công nghiệp; tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ các chuyên đề về dạy nghề cho giáo viên và cán bộ trung tâm.

Để nâng cao uy tín, hiệu quả và tính bền vững của công tác đào tạo, thực hiện phương châm ''Đào tạo gắn với giải quyết việc làm", Ban Thường vụ Hội, Lãnh đạo trung tâm luôn quan tâm đến hoạt động giới thiệu, tư vấn cho học viên tìm kiếm việc làm sau khoá học. Bằng các giải pháp như thường xuyên liên hệ với các công ty, xí nghiệp trong và ngoài tỉnh để giới thiệu học viên vào làm việc như Công ty dệt may Huế, Công ty Cổ phần Da giày Huế, Công ty cổ phần Xuất khẩu Huế, Công ty May thêu Vi tính Nhật Nguyên - TPHCM, các nhà hàng, khách sạn, quán ăn...để giới thiệu học viên đến làm việc. Để công tác đào tạo nghề hiệu quả, gắn với sản xuất, nữa nhiệm kỳ qua, Trung tâm đã mở được 1 xưởng May nhận hàng gia công cho các công ty: Công ty Cổ phần may xuất khẩu Huế, Công ty Dệt may Huế, Công ty Cổ phần Da giày Huế, Công ty Dacotex Đà Nẵng...và đã gia công trên 3 triệu sản phẩm với số tiền thu được gần 400 triệu đồng/tháng. Hơn 60 học viên sau đào tạo đã được giải quyết việc làm với thu nhập bình quân từ 700.000 đến 800.000đồng/ tháng. Đặc biệt, có trên 90% học viên đào tạo tại Trung tâm có việc làm và thu nhập ổn định. Nhiều học viên đã trở thành những người chủ sản xuất, kinh doanh, thợ may giỏi, uy tín, những đầu bếp giỏi.

Trong giờ học của lớp may công nghiệp

Tuy nhiên, một trong những khó khăn là trung tâm chỉ mới đào tạo ngắn hạn, mang tính phổ thông chưa tổ chức liên kết đào tạo nghề dài hạn, có tính kỹ thuật cao theo nhu cầu lao động xã hội. Việc tổ chức đào tạo hướng nghiệp cho lao động xuất khẩu và các giải pháp để thu hút nhiều đối tượng học viên theo học nghề tại Trung tâm còn hạn chế.  Liên kết đào tạo và dạy nghề lưu động chưa mạnh, chưa phát triển sâu rộng đến các huyện, vùng sâu, vùng xa do thiếu điều kiện tổ chức. Thiết bị, phương tiện phục vụ cho công tác dạy nghề vẫn chưa đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của lao động xã hội. Công tác điều tra, khảo sát, dự báo về nhu cầu đào tạo nghề, nhất là phụ nữ còn hạn chế ảnh hưởng đến hoạt động dạy nghề và giới thiệu việc làm.

Để công tác đào tạo nghề hiệu quả hơn nữa, nhiều giải pháp được đặt ra, trong đó cần có các chính sách khuyến khích đối với cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề nhằm thu hút được nghệ nhân và giáo viên giỏi gắn bó với Trung tâm. Chẳng hạn cần có các chế độ phụ cấp nghề nghiệp, chế độ bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, phương pháp sư phạm và kỹ năng nghề cho giáo viên. Cần xây dựng các Bộ chương trình chuẩn cho từng môn học thống nhất trong toàn quốc. Vấn đề đầu tư kinh phí, trang bị máy móc, phương tiện đào tạo cần được quan tâm, hỗ trợ  giúp Trung tâm có điều kiện làm tốt hơn công tác đào tạo nghề và tạo việc làm cho lao động nữ trong tỉnh. Ngoài ra, đội ngũ quản lý, giáo viên của trung tâm mong muốn được tham gia các hội nghị, hội thảo nhằm trao đổi nghiệp vụ, kinh nghiệm hoạt động đào tạo nghề giữa các Trung tâm trong và ngoài tỉnh. Các lớp đào tạo phương pháp sư phạm dạy nghề, bồi dưỡng nghề, nâng bậc cho các giáo viên cần được chú trọng  để nâng cao chất lượng đào tạo đáp ứng yêu cầu của lao động học nghề.

HỒNG ANH

 

Tin mới
Xem tin theo ngày