Thực hiện "Cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ"
Ngày cập nhật 14/10/2009

Trong Di chúc thiêng liêng, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn chúng ta: "Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Ðảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Ðó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ".

Thấm nhuần tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về giải phóng phụ nữ, 40 năm qua, thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ðảng và Nhà nước ta vận dụng và  phát  triển  một  cách toàn diện tư tưởng của Người trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Trong công cuộc đổi mới đất nước do Ðảng ta khởi xướng và lãnh đạo, thực hiện lời giáo huấn trong Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu, các tầng lớp phụ nữ trên khắp mọi miền của đất nước đã đoàn kết phấn đấu, năng động, sáng tạo phát huy truyền thống "Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang", đóng góp quan trọng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhất là trong lĩnh vực tham gia quản lý nhà nước và xã hội, góp phần  thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong vai trò người vợ, người mẹ, với tấm lòng thủy chung, nhân hậu, phụ nữ đã cùng nam giới xây dựng gia đình hạnh phúc, nuôi dạy con, góp phần đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước.

Vị trí, vai trò của phụ nữ ngày càng được khẳng định và trưởng thành về mọi mặt. Trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, địa vị của phụ nữ trong gia đình và xã hội được nâng lên. Quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng được thực hiện đầy đủ hơn. Ðời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe của đại bộ phận chị em được cải thiện. Kết quả thực hiện mục tiêu bình đẳng giới của chúng ta trong thời gian qua được quốc tế đánh giá là một "điểm sáng" về thực hiện bình đẳng giới, phát triển quyền con người và sự nghiệp xóa đói, giảm nghèo.

Báo cáo phát triển con người năm 2007-2008 của Liên hợp quốc (LHQ) cho thấy, Việt Nam hiện có chỉ số phát triển con người (HDI) ở hạng trung bình, với chỉ số là 0,733. So với năm 2006-2007, Việt Nam đã tăng 4 bậc từ vị trí 109 lên vị trí 105 trong số 177 quốc gia và vùng lãnh thổ. Việt Nam cũng được LHQ đánh giá là nước có nhiều tiến bộ trong cải thiện công bằng giới, giá trị GDI là 0,732, tương đương 99,9 giá trị của HDI. (Chỉ số phát triển giới (GDI) là số liệu tổng hợp phản ánh thực trạng bình đẳng giới, được tính trên cơ sở tuổi thọ trung bình, trình độ giáo dục và thu nhập bình quân đầu người của nam và nữ (khoản 9, Ðiều 5, Luật Bình đẳng giới). Khi quốc gia nào có chỉ số HDI, GDI tiến tới bằng 1 là quốc gia đó ở mức độ tốt nhất, HDI của một quốc gia càng cao thì GDI cũng càng cao).

Việt Nam hiện dẫn đầu các nước châu Á và đứng thứ 18 trên thế giới về tỷ lệ nữ tham gia Quốc hội. Tỷ lệ nữ tham gia HÐND các cấp nhiệm kỳ 2004-2009 tăng so với nhiệm kỳ trước... Ðiều đó đã chứng minh hiệu quả của những chính sách lớn của Ðảng, Nhà nước đã tạo điều kiện cho phụ nữ Việt Nam phát triển, hướng tới sự bình đẳng thực chất và sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp phụ nữ, trong đó có vai trò của Hội LHPN Việt Nam.

Hội LHPN Việt Nam đã giữ vững vai trò nòng cốt trong phong trào phụ nữ. Bám sát chức năng của Hội và nhiệm vụ chính trị của đất nước, các cấp hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt hơn vai trò đại diện quyền làm chủ của phụ nữ; chủ động tham mưu với Ðảng, Nhà nước ban hành một số chính sách, luật pháp có ý nghĩa chiến lược về công tác phụ nữ, cán bộ nữ và bình đẳng giới. Với phương châm hướng về cơ sở, tập trung cho các vùng trọng điểm, vùng dân tộc, tôn giáo, vùng sâu, vùng xa, nơi còn nhiều khó khăn, các cấp hội đã xây dựng được nhiều mô hình mới, tổ chức nhiều hoạt động thiết thực chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, đáp ứng nhu cầu, tình cảm, nguyện vọng của đông đảo chị em. Các cấp hội đã tích cực vận động phụ nữ và các tầng lớp hội viên sôi nổi hưởng ứng thực hiện  phong trào thi đua yêu nước "Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" gắn với thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh"; năng động triển khai nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả nhằm tạo điều kiện cho phụ nữ tham gia các lĩnh vực của đời sống xã hội, như hỗ trợ kiến thức, kỹ năng và vốn vay cho phụ nữ; vận động các tổ chức, cá nhân ủng hộ xây dựng "Mái ấm tình thương cho phụ nữ nghèo". Từ sự trợ giúp thiết thực đó, hàng triệu phụ nữ được cung cấp kỹ năng và hàng chục nghìn tỷ đồng vốn để chị em vay phát triển sản xuất, tạo việc làm để cuộc sống thêm no ấm, hạnh phúc.  

Thực hiện Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", hơn hai năm qua, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước đã nỗ lực không chỉ bằng trách nhiệm mà bằng cả tấm lòng yêu thương và biết ơn vô hạn đối với Bác. Cuộc vận động đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị, văn hóa, bước đầu tạo được những chuyển biến tích cực trong việc tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức trong cán bộ, hội viên, xây dựng được phong trào "làm theo" tấm gương thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của Bác Hồ bằng những việc làm cụ thể, thiết thực.

Thành tựu đổi mới của đất nước đã và đang tạo tiền đề quan trọng cho phụ nữ Việt Nam có cơ hội thực hiện quyền bình đẳng và phát triển. Và chưa có thời kỳ nào trong lịch sử Việt Nam, vai trò của phụ nữ, quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ lại được khẳng định và nâng cao như hiện nay.

Ðể tiếp tục thực hiện nội dung quan trọng trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh về quyền bình đẳng của phụ nữ, trong thời gian tới, Ðảng và Nhà nước cần  lãnh đạo, thể chế hóa những quan điểm về bình đẳng giới bằng các chính sách, pháp luật; hoàn thiện các chính sách có liên quan vấn đề bình đẳng giới như chính sách  đào tạo nghề, xúc tiến việc làm, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ tích cực tham gia phát triển kinh tế; tăng cường sự tham gia của cán bộ nữ vào bộ máy các cơ quan lãnh đạo các cấp; định kỳ hằng năm kiểm tra việc thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

Các cấp, các ngành, các địa phương và các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục để có nhận thức đúng đắn và nâng cao hơn nữa nhận thức của toàn xã hội về bình đẳng giới, về phụ nữ, gia đình và sự nghiệp giải phóng phụ nữ trong giai đoạn hiện nay. Mặt khác, phụ nữ phải tự mình vươn lên để đáp ứng được các yêu cầu của xã hội và nhiệm vụ cách mạng.

Hội LHPN Việt Nam tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức các hoạt động thiết thực phù hợp tâm tư, nguyện vọng của phụ nữ và nhiệm vụ chính trị được giao. Chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ các cấp để thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp và chính đáng của phụ nữ. Kịp thời động viên, khuyến khích chị em vươn lên đảm nhận những trách nhiệm lãnh đạo trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, phấn đấu phát triển nhanh và bền vững đội ngũ cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý các cấp về số lượng, nâng cao về chất lượng.

Với lòng biết ơn vô hạn  Bác Hồ muôn vàn kính yêu, cán bộ, hội viên phụ nữ cả nước quyết tâm đoàn kết, phấn đấu vượt qua khó khăn, thách thức, tiếp tục đóng góp tài năng, sức lực trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, thực hiện thắng lợi mục tiêu bình đẳng, phát triển của phụ nữ, xứng đáng với niềm tin yêu và lòng mong muốn của Bác Hồ.

Theo Nhân dân
Tin mới
Xem tin theo ngày