Thế nào là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi?
Ngày cập nhật 11/04/2019

"Con gái tôi đang học tiểu học, bị thầy giáo sàm sỡ như sờ đùi, sờ mông… Sự việc bị phát hiện nhưng cơ quan công an lại nói đó không phải là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi nên chỉ xử lý hành chính người thầy đồi bại đó. Xin Báo PNVN cho biết, pháp luật quy định thế nào là hành vi dâm ô với người dưới 16 tuổi và hình phạt của tội danh này ra sao?", Nguyễn Thị Lành (Bắc Giang).

Luật gia Đăng Khôi trả lời: Theo quy định tại Điều 146, Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi, thì:

1. Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 03 năm đến 07 năm:

a) Phạm tội có tổ chức;

b) Phạm tội 02 lần trở lên;

c) Đối với 02 người trở lên;

d) Đối với người mà người phạm tội có trách nhiệm chăm sóc, giáo dục, chữa bệnh;

e) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân từ 31% đến 60%;

f) Tái phạm nguy hiểm.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 12 năm:

a) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 61% trở lên;

b) Làm nạn nhân tự sát…

Vậy thế nào thì bị coi là hành vi dâm ô người dưới 16 tuổi?

Hiện nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể thế nào là hành vi dâm ô, nhưng theo Thông tư liên tịch số 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 02/01/1998, hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, đã hướng dẫn hành vi dâm ô đối với trẻ em là hành vi như “sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của trẻ em hoặc buộc trẻ em phải có hành vi như sờ, bóp… vào những bộ phận kích thích tình dục của người đó hoặc của người khác, nhưng không có việc giao cấu với trẻ em".

Nguyễn Khắc Thủy - người bị TAND TP Vũng Tàu (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) kết tội về hành vi dâm ô với trẻ em

Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) đã sửa đổi “Tội dâm ô đối với trẻ em” thành “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi“; đồng thời, tội này cùng các tội phạm khác về tình dục (từ Điều 141 đến Điều 145), ngoài khái niệm “giao cấu" còn quy định khái niệm “các hành vi quan hệ tình dục khác", cụ thể như sau:

“Người nào đủ 18 tuổi trở lên mà có hành vi dâm ô đối với người dưới 16 tuổi không nhằm mục đích giao cấu hoặc không nhằm thực hiện các hành vi quan hệ tình dục khác, thì bị…”.

“Giao cấu" được hiểu là hình thức quan hệ tình dục bằng cách đưa bộ phận sinh dục nam vào bên trong bộ phận sinh dục nữ. “Các hành vi quan hệ tình dục khác” có thể bao gồm các hình thức quan hệ tình dục như: Quan hệ tình dục qua đường hậu môn, quan hệ tình dục bằng miệng, quan hệ tình dục bằng tay...

Với cách hiểu “giao cấu và các hành vi quan hệ tình dục khác” như nêu trên, thì tất cả các hành vi khác tác động lên nạn nhân nhằm thoả mãn khoái lạc tình dục của mình đều có thể coi là hành vi dâm ô. Tức là chỉ sờ soạng lên thân thể nạn nhân đã bị coi là hành vi dâm ô.

Như vậy, có thể hiểu khái niệm về Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi như sau: Dâm ô là hành vi của người từ đủ 18 tuổi trở lên (có thể là nam hoặc nữ) sờ soạng lên thân thể người chưa đủ 16 tuổi trở xuống, như: sờ mông, sờ đùi, sờ ngực, sờ bộ phận sinh dục… bất kể là nạn nhân đồng ý hay không.

Tuy nhiên, theo bình luận khoa học Bộ luật Hình sự của tác giả Đinh Văn Quế, Nguyên Chánh tòa Hình sự TAND Tối cao, thì: “Dâm ô đối với trẻ em là hành vi của người đã thành niên dùng mọi thủ đoạn có tính chất dâm dục đối với người dưới 16 tuổi nhằm thỏa mãn dục vọng của mình nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân.

Đối với người phạm tội. Chủ thể của tội phạm này có thể là nam hoặc nữ, nhưng chủ yếu là nam và nhất thiết phải là người từ đủ 18 tuổi trở lên.

Hành vi dâm ô được thể hiện đa dạng như: sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của nạn nhân; dùng bộ phận sinh dục của mình chà xát với bộ phận sinh dục của nạn nhân hoặc bắt nạn nhân sờ mó, hôn hít bộ phận sinh dục của mình nhằm thỏa mãn dục vọng, nhưng không có ý định giao cấu với nạn nhân. Nếu có ý định giao cấu với nạn nhân nhưng không giao cấu được thì không phải là hành vi dâm ô mà tùy từng trường hợp cụ thể mà người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hiếp dâm trẻ em, tội cưỡng dâm trẻ em hoặc tội giao cấu với trẻ em.

Đối với người bị hại. Người bị hại phải là người dưới 16 tuổi, có thể là nữ hoặc là nam, nhưng chủ yếu là trẻ em nữ. Nạn nhân có thể bị người phạm tội cưỡng ép buộc phải thực hiện hành vi dâm ô, nhưng cũng có thể đồng tình với người phạm tội để người phạm tội thực hiện hành vi dâm ô hoặc tự nguyện thực hiện hành vi dâm ô với người phạm tội...

Để đáp ứng yêu cầu phòng chống tội phạm tình dục đối với người chưa thành niên trong tình hình hiện nay, thiết nghĩ TAND tối cao, VKSND tối cao và Bộ Công an cần sớm có hướng dẫn mới về xử lý loại tội này, đặc biệt là “Tội dâm ô đối với người dưới 16 tuổi”.

Rõ ràng là việc hiểu về hành vi dâm ô như tại Thông tư liên tịch 01/1998/TTLT nêu trên không còn phù hợp với tình hình hiện nay, khiến cho việc xử lý loại tội phạm này thời gian gần đây chưa được nghiêm khắc, đã gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Theo phunuvietnan.vn

Tin mới
Xem tin theo ngày