Giới trong nông nghiệp và phát triển nông thôn Việt Nam
Ngày cập nhật 14/10/2009

Theo tài liệu tổng kết dự án về giới trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn thì hiện nay vấn đề giới trong lĩnh vực này vẫn còn nhiều điều phải suy ngẫm...

Những bất bình đẳng giới vẫn còn tồn tại...

*Chủ hộ gia đình thường là nam giới

Hiện nay, kinh tế hộ gia đình đã và đang đóng vai trò trọng yếu trong những thành công của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, nhiều chính sách nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế hộ gia đình luôn hướng vào chủ hộ - thường là nam giới, do vậy, nam giới ở nông thôn trên thực tế đã thụ hưởng được nhiều thành quả của việc trao quyền trong quá trình cải cách kinh tế hơn hẳn phụ nữ. Một kết quả của quá trình này là hầu hết là các chủ trang trại nông nghiệp và lâm nghiệp đều là nam giới. Mặc dù bắt đầu chuyển sang kinh tế thị trường ở điểm xuất phát tương tự như nam giới, xong có rất ít phụ nữ trở thành chủ trang trại hoặc chủ doanh nghiệp nhỏ ở nông thôn.

*Đại diện của phụ nữ ở các cấp ra quyết định trong toàn ngành còn rất ít

Hiện có quá ít cán bộ chủ chốt là nữ trong toàn ngành NN & PTNT. Tính chung tất cả các Cục, Vụ, Viện, Tổng Công ty và các trường trong ngành chỉ có 5,7% cán bộ lãnh đạo ( cấp phó và tương đương)là nữ. Trên toàn quốc phụ nữ chỉ chiếm 4,5% lãnh đạo các UBND xã; 4,9% lãnh đạo UBND huyện và 6,4% lãnh đạo UBND tỉnh. Nhìn tổng thể, tiếng nói của phụ nữ trong việc ra quyết định là yếu và chưa tương xứng với khối lượng công việc và trách nhiệm mà họ gánh vác.

*Bất bình đẳng trong tiếp cận và kiểm soát các nguồn lực chủ yếu

Trong thực tế, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình cũng như sổ địa chính của địa phương chỉ đăng ký tên chủ hộ là nam giới chiếm đại đa số. Tình trạng này đã gây khó khăn cho phụ nữ khi họ cần thế chấp quyền sử dụng đất để vay vốn, chia đất khi ly hôn, khi lấy chồng hoặc thừa kế đất khi người chồng qua đời. Phần lớn PN khó đáp ứng được đầy đủ các điều kiện vay vốn tín dụng chính thức vì họ không phải là chủ hộ và không đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

* Phụ nữ dành nhiều thời gian làm việc nhà hơn

Ở các vùng nông thôn thời gian lao động tạo thu nhập của PN và nam giới là xấp xỉ như nhau. Tuy nhiên, phụ nữ dành thời gian nhiều gần gấp đôi nam giới cho các công việc nhà không được trả công. Do vậy, phụ nữ nông thôn ở tất cả các lứa tuổi đều có tổng thời gian làm việc nhiều hơn nam giới. Điều đó đã ảnh hưởng xấu đến sức khoẻ và gia đình của họ, thiếu thời gian nghỉ ngơi, giải trí và tham gia các hoạt động xã hội trong cộng đồng cũng như các cơ hội tham gia đảm nhận các vị trí quản lý và lãnh đạo, có rất ít thời gian để tham gia vào các khoá đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ, kỹ năng và sự tự tin.

*Nhận thức giới của cán bộ ngành còn hạn chế

Năng lực hoạt động vì bình đẳng giới của các đơn vị chỉ giới hạn ở một số ít thành viên, do vậy, nhiều cơ hội để hòa nhập giới vào kế hoạch hàng năm, 5 năm, 10 năm cũng như trong quá trình cải cách hành chính của Bộ NN & PTNN đã bị bỏ lỡ. Cấp bộ vẫn chưa có tổ chức chuyên trách về giới để giải quyết một cách đầy đủ các vấn đề giới trong quá trình lập kế hoạch tại các đơn vị, thiếu hệ thống giám sát và đánh giá mang tính nhạy cảm giới. Trong một cuộc điều tra nhận thức và kiến thức về giới, hầu như tất cả (97%) cán bộ được điều tra đều không biết hoặc biết rất ít về các khái niệm cơ bản về giới.

*Phụ nữ ít được tập huấn và đào tạo

Do vậy, phụ nữ đang bị mất đi tiềm năng để tiếp cận với các công nghệ tiên tiến và để đóng góp vào các mục tiêu phát triển. Mặc dù phụ nữ chiếm gần ¾ lực lượng lao động ngành chăn nuôi, song chỉ có 20% các lớp tập huấn khuyến nông về chăn nuôi có phụ nữ tham gia.Tương tự, mặc dù có 80% PN nông thôn làm trong lĩnh vực trồng trọt nhưng chỉ có 10% số người được tập huấn khuyến nông về trồng trọt là nữ. Đa số các cán bộ cung cấp dịch vụ công ở cấp cơ sở là nam giới và họ cũng thường coi các nông dân nam ( chủ hộ gia đình) là đối tượng mục tiêu của các hoạt động khuyến nông.

Thiếu việc làm vẫn đang là vấn đề bức xúc ở nông thôn. Tỷ lệ phụ nữ nông thôn thiếu việc làm đã tăng lần trong giai đoạn 1996 – 2002, đặc biệt khó cạnh tranh để kiếm việc làm thêm do họ thiếu kỹ năng lao động cần thiết cũng như thiếu vốn để đa dạng hóa hoạt động sản xuất, kinh doanh. Và hiển nhiên trong thời buổi hội nhập vấn đề này càng gặp khó khăn hơn, khi mà chỉ có 9,2% lực lượng lao động nữ ở nông thôn từng được đào tạo kỹ thuật, trong khi tỷ lệ này ở nam giới là 15,2%.

Nguyên nhân chính của vấn đề

Nguyên nhân chính của những bất bình đẳng giới trong NN & PTNT hiện nay là do nhận thức và quan niệm truyền thống về các vấn đề giới còn hạn chế và chưa đầy đủ như: cách ứng xử của xã hội vẫn còn ảnh hưởng khá rõ rệt của chế độ phụ hệ; nếp gia trưởng vẫn giữ vai trò chủ đạo trong các quan hệ gia đình, đặc biệt là ở nông thôn. Nói chung, đa số phụ nữ giữ một vai trò thứ yếu so với nam giới trong gia đình suốt cuộc đời họ.

Thay đổi quan niệm và cách ứng xử của xã hội là một quá trình lâu dài và phức tạp, song nó là quá trình mang tính chất nền tảng để tạo ra và duy trì sự thay đổi thái độ của các cá nhân, tổ chức và trong toàn cộng đồng, thiết nghĩ cần có những giải pháp tích cực và đồng bộ hơn nữa để xích dần khoảng cách này trong thực tế.

Hoài Trung
Tin mới
Xem tin theo ngày