HÀNH TRÌNH VƯƠN ĐẾN THÀNH CÔNG CỦA NGƯỜI PHỤ NỮ MIỀN NÚI
Ngày cập nhật 07/10/2016

 Cuộc đời của mỗi người là một hành trình khác nhau, và trong hành trình thoát khỏi đói nghèo, mỗi người lại tự chọn cho mình một hướng đi riêng. Nhờ sự tự tin, chăm chỉ và sáng tạo, rất nhiều người đã gặt hái được thành công, vươn lên thoát nghèo, làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội. Chị Nguyễn Thị Huệ ở thôn 2, xã Phú Sơn, thị xã Hương Thủy là một trong số những người đó.

         Xuất thân trong gia đình có hoàn cảnh khó khăn, chị Huệ thấu hiểu nỗi cơ cực sự khó khăn, thách thức của cuộc sống, lo lắng đến "cơm, áo, gạo, tiền”. Năm 2001, chị xây dựng hạnh phúc với anh Bùi Chống, xen lẫn giữa niềm hạnh phúc lứa đôi là sự khởi nghiệp của chị với bao khóa khăn chồng chất, sự lạc quan về cuộc sống sung túc trong tương lai không làm chị chùn bước. Trăn trở, nghĩ phải làm gì để sớm thoát khỏi cảnh nghèo đói. Mơ ước có được chút vốn liếng ban đầu để khởi nghiệp trên chính mảnh đất quê hương đã trở thành hiện thực. Trong một buổi sinh hoạt phụ nữ, được các chị phụ nữ trong thôn tư vấn về nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH, cảm giác háo hức xen lẫn niềm hy vọng có nguồn vốn mới làm thay đổi kinh tế gia đình nhen lên trong lòng chị. Không chấp nhận cảnh đói nghèo, “ăn bữa nay, lo bữa mai” nữa, chị bàn với chồng mạnh dạn vay vốn Ngân hàng CSXH để mua con giống. Từ sự chăm chỉ, cần mẫn và khát vọng thoát nghèo, bằng nguồn vốn ban đầu của Ngân hàng CSXH là 20.000.000đ và sự giúp đỡ, hướng dẫn tận tình của các chị phụ nữ trong xã, chị mua 20 con lợn giống về nuôi. Vì chưa có kinh nghiệm trong chăm sóc và phòng bệnh nên chị thường xuyên tham khảo phương pháp nuôi của các hộ gia đình có mô hình nuôi lợn giống hiệu quả ở các xã bạn . Khá thuận lợi khi lợn nái sinh sản ra lợn con, rồi chị dùng lợn con để tiếp tục chăn nuôi nên không tốn chi phí khâu con giống. Không những vậy, chị còn có thể bán con giống cho bà con trong thôn, trong xã, thường xuyên theo dõi tình trạng của đàn lợn để có biện pháp can thiệp kịp thời khi có dịch bệnh không may xảy ra, tổ chức tiêm phòng đầy đủ cho đàn lợn, vệ sinh chuồng trại hàng ngày để chủ động phòng chống dịch bệnh. Nhờ đó đàn lợn của chị luôn phát triển ổn định, hạn chế được dịch bệnh xảy ra.

           Đến năm 2011, nhận thấy nhu cầu chăn nuôi trong thôn, trong xã ngày càng nhiều, Phú Sơn lại là một xã miền núi, người dân đa phần sống bằng nghề trồng rừng và chăn nuôi, chưa có đại lý bán thức ăn cho gia súc, gia cầm nên chị mạnh dạn vay thêm 25.000.000đ từ nguồn vốn vay Ngân hàng CSXH để đầu tư mua thức ăn gia súc, gia cầm về bán. Nhờ có đất vườn đồi rộng rãi, song song với bán thức ăn gia súc, gia cầm  chị đầu tư nuôi thêm 2.000 con gà lấy thịt và lấy trứng.

 

Với quyết tâm vươn lên làm giàu bền vững, đến nay chuồng nuôi của gia đình chị Huệ có hơn 4.000 con gà lấy thịt, 200 con lợn thịt và 30 con lợn giống.Là một người phụ nữ, không chỉ làm kinh tế giỏi, chị luôn làm tốt vai trò của một người mẹ, người vợ đảm đang, chăm sóc gia đình, con cái chu đáo, vẹn toàn. Bên cạnh đó, chị luôn tích cực hăng hái tham gia các phong trào của hội phụ nữ xã. Không những biết cách làm giàu cho bản thân, cho gia đình, mà chị còn luôn thể hiện tinh thần đoàn kết, sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn, thiếu vốn sản xuất cùng nhau vươn lên thoát nghèo.

Có thể nói, chị Nguyễn Thị Huệ là tấm gương điển hình về tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng. Cuộc sống không có gì là quá khó khăn nếu mỗi người chúng ta biết nắm bắt thời cơ, siêng năng, cần mẫn và biết vận dụng đồng vốn hiệu quả để phát triển kinh tế gia đình. Câu chuyện nhà chị Huệ là một trong số những tấm gương điển hình phát triển kinh tế, là hành trình vươn tới thành công rất đáng trân trọng.

                                                Cao Phương Thanh – Hội LHPN thị xã Hương Thủy

Tin mới
Xem tin theo ngày