Mẹ Kăn Ruôh trên rẻo cao
Ngày cập nhật 19/10/2012

Tiếp tôi vào một buổi chiều tại nhà sau khi đi rẫy về, mẹ là Kăn Ruôh (Kăn Rua), thương binh hạng ¼, người dân tộc Pa kô, sinh ra và lớn lên trên quê hương Hồng Bắc – A Lưới – Thừa Thiên Huế, chồng mẹ là ông Cu Xết, người cùng quê.

Qua 63 mùa xuân, hiện nay mẹ đã về vui sống với gia đình sau nhiều năm tham gia chiến đấu, phục vụ Tổ Quốc. Trong kháng chiến mẹ từng là Chính trị viên xã đội đến năm 1986 giữ chức vụ Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã.

Mẹ tham gia dân công từ năm 14 tuổi (tải gạo, gùi đạn…), tham gia học văn hóa đến hết lớp 5 rồi về dạy lại cái chữ cho những người chưa biết đọc, biết viết. Năm 18 tuổi mẹ tham gia trực tiếp chiến đấu, chỉ huy các trận đánh ở chiến trường A Biah (Đồi thịt băm), xã Hồng Bắc – Huyện A Lưới, điều đáng khâm phục là mẹ đã bắn rơi một máy bay của địch. Năm 1968 bị thương ở tay trái, không lùi bước, điều trị khỏi mẹ lại tiếp tục chiến đấu. Sau chiến thắng ở đồi A Biah, mẹ tham gia dân quân đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, 4 năm liền là chiến sĩ thi đua, mẹ vinh dự được Nhà nước trao tặng Huân chương kháng chiến hạng nhì.

Mẹ vui vẻ kể tiếp: Là thương binh 1/4 , lập gia đình sau ngày giải phóng. Tuy con đông, nhưng tôi vẫn chịu khó lao động sản xuất cho các con có cái ăn, cái mặc, được đến trường học cái chữ để sau này phục vụ Tổ Quốc, phục vụ nhân dân.
Không những anh dũng trong chiến đấu mà mẹ còn là một tấm gương sáng trong lao động sản xuất, là tổ trưởng tổ đảng, mẹ không thể khoanh tay đứng nhìn. Mẹ nói: phải đấu tranh với cái đói, cái nghèo, mẹ đã tuyên truyền vận động toàn thể đảng viên trong tổ nêu cao tinh thần hăng hái lao động, sản xuất để vượt lên trên sự nghèo đói, bằng sự siêng năng, cần cù, hết lòng giúp đỡ mọi người nên mẹ luôn được toàn thể đảng viên, nhân dân tin tưởng.

Năm 1986 sau ngày đất nước đổi mới, với cương vị là Chủ tịch HLHPN xã, mẹ luôn đi đầu trong mọi hoạt động, phong trào của Hội, thường xuyên tổ chức cho chị em hội viên giúp nhau làm kinh tế gia đình. Phong trào phụ nữ được duy trì, cũng cố và phát triển mạnh, nhiều hội viên đã vươn lên trong việc phát triển kinh tế gia đình, từ không đủ ăn, đủ mặc, nhiều gia đình của hội viên đã khá hơn, mẹ luôn được các hội viên yêu mến.

Rót nước mời tôi, mẹ cởi mở nói rằng: “Con đông khổ lắm”! Mẹ ao ước “Giá mà ngày đó dịch vụ KHHGD mạnh như bây giờ tui đâu có đẻ nhiều như vậy, dù sao tui cũng là cán bộ của Đảng mà”! Mẹ uống nước rồi nói tiếp: Nói rứa thôi chứ vợ chồng tui vẫn cố gắng làm lụng, cố lo cho các con đủ ăn, đủ mặc, được đi học cái chữ. Không thể dựa vào đồng tiền trợ cấp chế độ thương binh ít ỏi (300.000đ trước đây, bây giờ được 1.000.000đ). Mẹ bám lấy cái nương, cái rẫy, trồng lúa, trồng ngô, nuôi con gà, con lợn… làm từ sáng sớm đến tối mịt, đôi lúc phải làm cả vào ban đêm để lo các con ăn học. Khó khăn nhất đối với mẹ là chỉ có tay phải khỏe, còn tay trái thì, mẹ ngập ngừng, “Khó cử động lắm” do vết thương của chiến tranh để lại, lúc trở trời đau nhức lắm cô ơi!

Và rồi, trên khuôn mặt mẹ lại nở nụ cười tươi như xóa tan hết mọi sự đau đớn, nhọc nhằn, mẹ kể tiếp:

Điều mà tui tự hào nhất là các con, vợ chồng tui có 7 đứa con đều ngoan ngoãn, vâng lời. Đến nay đã có 4 cháu tốt nghiệp đại học (cháu lớn là bác sĩ đang phục vụ tại xã nhà, cháu thứ 2 đang ở trong Quân đội, tiếp bước truyền thống anh hùng của bố mẹ, 2 cháu là công chức xã, một cháu đang theo học đại học, một cháu vừa tốt nghiệp Trung cấp điều dưỡng, còn một cháu vừa vừa tốt nghiệp 12 chuẩn bị vào đại học”, đó là niềm vui lớn nhất của vợ chồng tui đó. Gia đình tui thật vinh dự và tự hào là được nhận Giấy công nhận gia đình hiếu học năm 2007 của Hội khuyến học tỉnh Thừa Thiên Huế, năm 2009 được Ban chấp hành trung ương tặng huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

         Trần Thị Nghêu
Trường Mầm non Hồng Bắc - A Lưới

Tin mới
Xem tin theo ngày