Hiệu quả trong việc thực hiện công tác phòng, chống bạo lực gia đình
Ngày cập nhật 06/02/2020

Bạo lực gia đình (BLGĐ) là vấn nạn xã hội ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. BLGĐ đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với phụ nữ và trẻ em. Sau khi Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) có hiệu lực từ ngày 01/7/2008, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã bám sát các văn bản chỉ đạo của Trung ương Hội, của UBND tỉnh để chỉ đạo các cấp Hội toàn tỉnh triển khai, thực hiện.

 

Đ/c Trần Thị Kim Loan - TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao tặng giải cho các thí sinh tham gia Hội thi.

Hoạt động tuyên truyền PCBLGĐ được các cấp Hội toàn tỉnh quan tâm, tổ chức thường xuyên thông qua nhiều hình thức đa dạng, phong phú. Đã tổ chức hàng trăm cuộc tập huấn, truyền thông về Luật Bình đẳng giới, Luật PCBLGĐ, Công ước CEDAW, các văn bản hướng dẫn thi hành cho lãnh đạo chủ chốt các ban, ngành, thành viên Ban VSTBPN các cấp, cán bộ Hội phụ nữ từ tỉnh đến cơ sở, các cộng tác viên, giảng viên nguồn với 2.150 người tham gia, trong đó trên 60% cán bộ chủ chốt là nam giới. Phối hợp với Trung tâm Trợ giúp pháp lý tỉnh tham gia các đợt trợ giúp pháp lý lưu động tại các huyện; tập huấn cho 152 chủ tịch phụ nữ xã, phường, thị trấn trên địa bàn toàn tỉnh về công tác trợ giúp pháp lý cho người nghèo; tiến hành khảo sát 700 phụ nữ ở 10 xã xảy ra tình trạng BLGĐ cao về nhu cầu trợ giúp pháp lý. Phối hợp với Cục dân số tỉnh, Trung tâm phòng chống AIDS tổ chức 26 lớp tập huấn cho trên 1.000 tuyên truyền viên về Giới và sức khỏe sinh sản, giới và HIV/AIDS.

Phần thi cùng tranh tài của Hội LHPN huyện Phong Điền trong Hội thi tuyên truyền, phòng chống bạo lực gia đình năm 2019

Đến nay, toàn tỉnh có 113 mô hình PCBLGĐ như: “Hạnh phúc gia đình”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”,“Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, “Câu lạc bộ HIV/AIDS”, “Gia đình phát triển bền vững”, “Gia đình hạnh phúc”, câu lạc bộ “gia đình 5 không 3 sạch”, “Nam nông dân PCBLGĐ”,... 247 cơ sở tư vấn và 162 tổ hòa giải với 972 hòa giải viên, 121 cơ sở khám chữa bệnh, việc bố trí nơi tạm lánh, điều trị, sơ cấp cứu và tư vấn cho nạn nhân BLGĐ bước đầu có hiệu quả. Ngoài ra, hiện nay trên địa bàn có 228 câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững đang hoạt động có hiệu quả, đã thu hút sự tham gia của nhiều gia đình với những điều kiện sống và hoàn cảnh khác nhau. Đây là nơi để gặp gỡ, chia sẻ những vấn đề thường gặp trong cuộc sống, cung cấp cho các gia đình những kiến thức BLGĐ và cách PCBLGĐ, phổ biến những tác hại của BLGĐ đối với mỗi cá nhân. Thông qua các buổi sinh hoạt câu lạc bộ, các gia đình có hoàn cảnh khó khăn hoặc có nguy cơ xảy ra bạo lực gia đình cũng được kịp thời giúp đỡ và nhắc nhở.

Nhằm chủ động các điều kiện kịp thời tiếp nhận, tư vấn, hỗ trợ, giúp đỡ nạn nhân BLGĐ, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn các cấp Hội cơ sở tham mưu, đề nghị thành lập mô hình “Địa chỉ tin cậy” ở cộng đồng. Qua đó, kịp thời hỗ trợ nạn nhân bị BLGĐ có nơi tạm lánh và giúp đỡ các nhu cầu thiết yếu khác nhằm tránh rủi ro về sức khoẻ, tính mạng, giảm thiểu được hậu quả BLGĐ. Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập được 579 địa chỉ tin cậy tại cộng đồng và 01 Trung tâm tư vấn pháp luật. Đã thực hiện hoà giải thành nhiều vụ mâu thuẫn gia đình; tư vấn, tiếp nhận, giúp đỡ nhiều nạn nhân bị BLGĐ...

Qua quá trình triển khai thực hiện, Luật PCBLGĐ đã bắt đầu đi vào cuộc sống. Người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã bước đầu nhận thức được nguyên nhân gây ra bạo lực gia đình và khi bị bạo lực đã biết tìm đến các tổ chức, tập thể, địa chỉ tin cậy tại cộng đồng để được tư vấn, giúp đỡ. Việc triển khai Luật đã được cấp uỷ, chính quyền, mặt trận và các cơ quan, đoàn thể quan tâm triển khai, tổ chức thực hiện đạt kết quả. Chính vì lẽ đó, tình trạng BLGĐ trên địa bàn tỉnh giảm từ 425 vụ (năm 2008) xuống còn 267 vụ (năm 2018), tỷ lệ nạn nhân của BLGĐ được phát hiện, tư vấn về pháp lý và sức khỏe đạt tỷ lệ 87,5%, tỷ lệ được hỗ trợ và chăm sóc tại các cơ sở trợ giúp nạn nhân BLGĐ là 70%; tỷ lệ người gây bạo lực gia đình được phát hiện tư vấn tại các cơ sở tư vấn về phòng, chống BLGĐ là 85,5%.

Bên cạnh những kết quả đạt được, công tác PCBLGĐ vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế: công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp còn thiếu đồng bộ; công tác tuyên truyền chủ yếu là lồng ghép nên hiệu quả chưa cao; công tác phát hiện, xử lý, giải quyết vụ việc BLGĐ trên thực tế vẫn còn gặp nhiều khó khăn do nạn nhân bị bạo lực còn mặc cảm, e ngại, các thành viên gia đình còn che dấu, không tố giác hành vi BLGĐ; cán bộ làm công tác gia đình ở địa phương còn thiếu, chủ yếu là hoạt động kiêm nhiệm nên gặp khó khăn; định kiến giới, tư tưởng trọng nam kinh nữ vẫn còn tồn tại trong nhân dân; chế tài xử phạt chưa đủ mạnh đối với hành vi bạo lực gia đình...

Để Công tác PCBLGĐ có hiệu quả cần tăng cường hơn nữa sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội và mỗi người dân trong việc thực thi các nội dung của Luật, từ đó xây dựng môi trường văn hoá lành mạnh, tạo tiền đề vững chắc để phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, để mỗi gia đình trong tỉnh đều đạt gia đình “No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc”.

Ngô Thị Ánh Tuyết - Phó chủ tịch Hội LHPN tỉnh

 

Tin mới
Xem tin theo ngày