Yêu nghề, mến trẻ
Ngày cập nhật 01/11/2019

Năm 2010, trở về quê hương Phong Mỹ, huyện Phong Điền, sau 4 năm đi lao động xuất khẩu tại Malaysia, cô Nguyễn Thị Thương, giáo viên Trường mầm non Phong Mỹ càng nhận ra, được sống với những tâm hồn trong trẻo như pha lê giúp cô thỏa sức thể hiện những ý tưởng lý thú để ngày càng yêu nghề, yêu trẻ hơn.

Cô giáo Nguyễn Thị Thương hướng dẫn các cháu làm quen chữ cái thông qua các trò chơi

Là xã vùng xa của huyện Phong Điền, học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) ở Phong Mỹ luôn chiếm từ 1/3 đến một nửa sĩ số mỗi lớp. Khó khăn lớn nhất các cô giáo gặp phải là học sinh người DTTS không nói được tiếng Kinh khiến các cháu rụt rè, tiếp thu chậm. Trong khi đó, ngành giáo dục yêu cầu phải bảo đảm đầu ra của các cháu đồng đều, đòi hỏi giáo viên phải tìm được phương pháp tối ưu.

Với suy nghĩ, học sinh độ tuổi mầm non đều bắt đầu như những trang giấy trắng, tâm lý các cháu chưa bị ảnh hưởng bởi môi trường sống. Từng có hơn 2 tháng thực tập tại cơ sở 2 của trường ở bản Hạ Long, nơi có 100% học sinh là con em đồng bào Vân Kiều, cô Thương ít nhiều giao tiếp được tiếng Pahy. Biết được tâm lý phụ huynh ở đây sợ con bị đối xử không công bằng nên ngại không muốn cho các cháu học hòa nhập. Cô tìm lời giải thích để cha mẹ các cháu hiểu, với phương pháp dạy mới là lấy trẻ làm trung tâm, sẽ xóa bỏ hoàn toàn những băn khoăn của họ. Đồng thời, nhà trường luôn tạo điều kiện để tăng cường tiếng Việt cho con em đồng bào DTTS, các cháu có nhiều cơ hội phát triển kịp trong môi trường học đường, hướng đến tương lai tốt đẹp.

Anh Nguyễn Văn Phúc, ở bản Khe Trăn, phụ huynh cháu Nguyễn Turai Plong Xuân, tâm sự: “Được học hòa nhập, con trai tôi khỏe mạnh và nói tiếng Việt tốt. Cháu còn thích đi học vì được chơi cùng các bạn. Vợ chồng tôi rất yên tâm”.

 Hàng năm, sau khi tiếp nhận lớp, đánh giá khả năng của từng cháu, cô Thương bắt đầu chia nhóm, sau đó sắp xếp chương trình phù hợp cho từng nhóm. Những buổi học chung, cô tổ chức các trò chơi thích hợp với khả năng tiếp thu đại trà cho các cháu.

Cô cũng nghiên cứu, tận dụng những vật dụng bỏ đi, sản phẩm có sẵn tại địa phương để làm dụng cụ học tập và đồ chơi, giúp các buổi sinh hoạt, ngoại khóa thêm sinh động.

Những buổi hoạt động ngoài trời, cô dùng sản phẩm mình làm ra để kể chuyện bằng hình ảnh, thu hút các cháu, nhất là các cháu người DTTS ngày càng thích đến trường.

Hiệu trưởng nhà trường, cô giáo Trần Ngọc Sương, cho biết: “Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người giáo viên, vai trò người mẹ, người vợ, cô Thương còn tham gia công tác xã hội rất nhiệt tình nên nhận được nhiều giấy khen, bằng khen. Riêng năm học 2018 – 2019, cô đạt giải khuyến khích Hội thi “Giáo viên dạy giỏi bậc mầm non” cấp huyện; giải ba cấp tỉnh hội thi “Chi hội trưởng Phụ nữ giỏi, tự tin, năng động” năm 2019”.

Theo phân tích của ông Nguyễn Phi Hùng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Phong Điền, thì việc dạy tiếng Việt cho trẻ người DTTS không đơn giản, do khi trẻ phát âm thường pha tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt, khiến cách phát âm tiếng Việt chưa chuẩn. Bảo đảm đầu ra của trẻ đồng đều để tự tin bước vào tiểu học mà Trường mầm non Phong Mỹ đạt được là nhờ có những giáo viên yêu trẻ, yêu nghề như cô giáo Nguyễn Thị Thương.

Theo baothuathienhue.vn

Tin mới
Xem tin theo ngày