Đề án 938 đã có sự lan toả
Ngày cập nhật 26/12/2019

Hiện nay, an toàn cho mọi người, trong đó có phụ nữ, trẻ em là vấn đề rất đáng quan ngại khi môi trường sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Ô nhiễm môi trường, mất vệ sinh an toàn thực phẩm là vấn đề đang được nói đến hàng ngày, hàng giờ không chỉ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe mà còn ảnh hưởng trực tiếp tới nòi giống dân tộc. Bên cạnh đó, theo thống kê, trung bình cứ mỗi ngày cả nước phát hiện 3 trẻ em bị xâm hại tình dục; 64 phụ nữ, 10 trẻ em là nạn nhân của bạo lực gia đình. Vấn đề đáng nói của các vụ việc về xâm hại, bạo lực, mua bán người, tai nạn thương tích, tai nạn giao thông… không chỉ là những con số mà đằng sau đó là hậu quả nặng nề không thể đo đếm được để lại cho phụ nữ, trẻ em và gia đình, cũng như ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.

 

Với mục đích hỗ trợ phụ nữ nâng cao kiến thức, kỹ năng để tham gia giải quyết các vấn đề xã hội liên quan cũng như xây dựng các cơ chế, chính sách hỗ trợ phụ nữ và trẻ em. Ngày 30/6/2017, Thủ tướng Chính phủ đã có quyết định phê duyệt Đề án “Tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết một số vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ giai đoạn 2017-2027” (gọi tắt là Đề án 938), phấn đấu đến năm 2027 có 30 triệu hội viên, phụ nữ, cha mẹ có con dưới 16 tuổi được cung cấp thông tin, kiến thức về sự cần thiết phải giữ gìn và rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức chấp hành pháp luật; về giáo dục làm cha mẹ; về khả năng, vai trò của phụ nữ trong đảm bảo an toàn thực phẩm; phòng chống bạo lực trên cơ sở giới; tuyên truyền, giáo dục, vận động, hỗ trợ được 80.000 phụ nữ còn thiếu kiến thức, kỹ năng, có nguy cơ hoặc vi phạm đạo đức, pháp luật trong các vấn đề xã hội nổi cộm; 10 triệu phụ nữ được cung cấp kiến thức, kỹ năng phòng chống bạo lực giới, bạo lực gia đình sẵn sàng lên tiếng trước các hành vi bạo lực; duy trì và nhân rộng các mô hình hoạt động hiệu quả về vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội.

Hội nghị tập huấn giảng viên nguồn đề án 938

Trên cơ sở Hướng dẫn của Trung ương Hội và Kế hoạch của UBND tỉnh, Hội LHPN tỉnh đã xây dựng và ban hành các văn bản chỉ đạo về thực hiện Đề án 938 trong các cấp Hội toàn tỉnh gắn với các chủ đề thi đua hàng năm “Phụ nữ Thừa Thiên Huế thực hiện an toàn vệ sinh thực phẩm” (năm 2018) và “An toàn cho phụ nữ và trẻ em“ (Năm 2019). Đến nay, cấp tỉnh đã tổ chức 26 lớp tập huấn về các vấn đề như: bạo lực gia đình, phòng chống  bạo lực trên cơ sở giới, xâm hại trẻ em, an toàn vệ sinh thực phẩm, mất cân bằng giới tính khi sinh, kỹ năng điều hành mô hình, câu lạc bộ cho đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở; tập huấn giảng viên nguồn về hỗ trợ phụ nữ giải quyết các vấn đề xã hội liên quan... với hơn 2.300 lượt cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia; thành lập 08 mô hình “Vận động, hỗ trợ phụ nữ tham gia giải quyết, giám sát một số vấn đề xã hội” tại 8 huyện, thị, thành phố; 02 mô hình “Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái trong gia đình và xã hội” tại xã Hải Dương (Thị xã Hương Trà) và xã Thượng Lộ (huyện Nam Đông); biên soạn và phát hành hơn 10.000 tờ rơi tuyên truyền về an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng chống bạo lực gia đình, xâm hại, quấy rối tình dục trẻ em; xây dựng và phát sóng chương trình, phóng sự tuyên truyền giáo dục chuyển đổi hành vi, ý thức tuân thủ pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em trên đài phát thành truyền hình tỉnh; duy trì hoạt động trang website của Hội và xây dựng trang fanpage cập nhật thường xuyên các hoạt động Hội nhằm tăng cường hoạt động tuyên truyền.

Ra mắt CLB "Nâng cao vai trò, vị thế của trẻ em gái trong gia đình và xã hội" tại xã Hải Dương, thị xã Hương Trà

Bên cạnh đó, căn cứ kế hoạch chỉ đạo của tỉnh Hội LHPN 9/9 huyện, thị xã, thành phố đã xây dựng kế hoạch thực hiện Đề án với kinh phí được cấp hơn 1 tỷ đồng, các cấp Hội đã tổ chức tập huấn, tuyên truyền về các vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em cho hơn 35.000 lượt hội viên phụ nữ tham gia; thành lập một số mô hình, câu lạc bộ như: “Gia đình hạnh phúc bền vững”, “Nhóm gia đình hạnh phúc”, “Phòng, chống bạo lực gia đình”, “Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật - đặc thù” dành cho phụ nữ tôn giáo, “Tư vấn, hỗ trợ một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em”, “Hạnh phúc gia đình”, “Phòng chống tệ nạn xã hội”,“Câu lạc bộ tiền hôn nhân”, câu lạc bộ “gia đình 5 không 3 sạch”,... Qua đó, nhằm hỗ trợ, tư vấn giải quyết một số vấn đề liên quan đến phụ nữ và trẻ em, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho tầng lớp phụ nữ, nhất là phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, phụ nữ yếu thế...; nâng cao vai trò, vị thế phụ nữ trong gia đình và ngoài xã hội, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, tạo việc làm, tăng thu nhập, khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh… tạo môi trường an toàn cho phụ nữ ổn định cuộc sống.

Hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em”, kỷ niệm Ngày Gia đình Việt Nam 28/6. Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Sở Lao động Thương binh - Xã hội và Sở Văn hoá Thể thao tỉnh tổ chức Diễn đàn "Tiếng nói của phụ nữ". Diễn đàn là cơ hội để cán bộ, hội viên phụ nữ đóng góp ý kiến, trao đổi cùng các chuyên gia, lãnh đạo các ban, ngành nhằm giải đáp những vấn đề liên quan đến công tác hỗ trợ, lên tiếng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp chính đáng cho phụ nữ, trẻ em. Đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của việc huy động sự tham gia đồng bộ, chủ động, mạnh mẽ của các cơ quan, tổ chức và toàn cộng đồng về việc thực hiện cam kết một cộng đồng an toàn, không bạo lực, xâm hại phụ nữ và trẻ em. Ngoài ra, hưởng ứng Ngày thế giới xoá bỏ bạo lực đối với phụ nữ và Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực trên cơ sở giới với nhiều hình thức: tuyên truyền trực quan, hội thi, chiến dịch truyền thông... qua đó, thu hút sự quan tâm và tham gia của các ban, ngành, các tổ chức, cá nhân và xã hội về việc phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em.

          Trong thời gian tới, để Đề án 938 có sức lan toả hơn nữa, Hội LHPN cần tiếp tục đầu tư, quan tâm chỉ đạo thực hiện các mục tiêu của Đề án. Trong quá trình thực hiện, vận động nguồn lực từ nhiều kênh, chú trọng công tác phối hợp với các ngành, đoàn thể có liên quan như: Giáo dục, Y tế, Lao động Thương binh và Xã hội, Công an, Đoàn Thanh niên, Liên đoàn Lao động… Tập trung tuyên truyền nâng cao nhận thức cho phụ nữ, cộng đồng và các cơ quan, tổ chức có liên quan về các vấn đề đặt ra hiện nay ảnh hưởng đến sự an toàn của phụ nữ và trẻ em, về giáo dục cha mẹ; vai trò, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức và cộng đồng; vai trò của phụ nữ và các cấp Hội trong đảm bảo an toàn cho phụ nữ và trẻ em. Nâng cao năng lực cho cán bộ Hội về các mảng hoạt động liên quan. Tập huấn, hội thảo chia sẻ kiến thức, kỹ năng tuyên truyền về phòng chống bạo lực gia đình, bạo lực trên cơ sở giới, phòng chống xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em gái, an toàn giao thông, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội...; kỹ năng lên tiếng, bảo vệ phụ nữ, trẻ em gái trong các vụ việc, không để xảy ra tình trạng các vụ việc xâm hại, bạo lực nghiêm trọng đối với phụ nữ và trẻ em mà Hội không lên tiếng kịp thời...

Bùi Thị Mỹ Yến - Phó Ban Tuyên giáo Hội LHPN tỉnh

 

Tin mới
Xem tin theo ngày