Tài liệu tuyên truyền “Năm đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào” và “Năm hữu nghị Việt Nam - Campuchia”
Ngày cập nhật 12/09/2017

 

 

I. LÀO VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - LÀO

1. Một số thông tin cơ bản về đất nước, con người, văn hóa, lịch sử Lào

* Điều kiện tự nhiên

Lào có diện tích 236.800 km2; nằm ở trung tâm Tiểu vùng Mê-kông (GMS), thuộc khu vực Đông Nam Á, có chung biên giới với 5 nước: Bắc giáp CHND Trung Hoa (505 km), Nam giáp Vương Quốc Campuchia (492 km), Đông giáp CHXHCN Việt Nam (2337 km), Tây giáp Vương quốc Thái Lan (1835 km) và Mi- an-ma (236 km).

Từ Bắc xuống Nam, Lào có 10 tỉnh có chung đường biên giới với 10 tỉnh của Việt Nam (Phông-xả-li, Hủa-phăn, Luông-pha-bang, Xiêng-khoảng, Bô-li-khăm- xay, Khăm-muộn, Xạ-vẳn-nạ-khệt, Xả-lạ-văn, Xê-kông, Ắt-tạ-pư; các tỉnh của Việt Nam là: Điện Biên, Sơn La, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum).

Địa hình Lào đa dạng (đồng bằng, đồi núi, cao nguyên); tổng diện tích đất canh tác khoảng 4 triệu ha, tập trung chủ yếu ở các cao nguyên và đồng bằng lớn. Vùng Thượng Lào, địa hình núi cao, thung lũng sâu xen kẽ đồng bằng nhỏ hẹp. Vùng Hạ Lào, chủ yếu là cao nguyên và đồng bằng tương đối rộng lớn.

Lào có 7 đồng bằng lớn thuận lợi cho trồng lúa nước và hoa màu, nằm ờ các tỉnh, thành phố: Viêng Chăn, Bô-li-khăm-xay, Khăm-muộn, Xạ-vẳn-nạ-khệt, Xả- lạ-văn, Chăm-pa-xắc và Ắt-tạ-pư, trong đó đồng bằng Chăm-pa-xắc rộng hơn 5.000 km2, cung cấp tới 1/2 sản lượng lúa của cả nước.

Khí hậu Lào chia làm hai mùa rõ rệt: mùa mưa và mùa khô. Mùa mưa kéo dài từ tháng 5 đến tháng 10; lượng mưa trung bình 1.600 - 1.800 mm/năm. Mùa khô kéo dài từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau.

Sông Mê-kông, dài 4.350 km, đoạn trên đất Lào dài 1.865 km, có nhiều phụ lưu, trong đó có 14 phụ lưu tương đối lớn chảy đều theo hướng Đông Bắc - Tây Nam. Sông Mê-kông có ý nghĩa quan trọng đối với Lào về nhiều mặt, không chỉ là huyết mạch giao thông quan trọng từ Bắc xuống Nam, là nguồn cung cấp nước, thủy sản quan trọng nhất ở Lào.

Lào có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú, nằm trải rộng trên toàn diện tích đất nước, từ Bắc đến Nam. Tài nguyên khoáng sản cùng với rừng và tiềm năng thủy điện là 3 thế mạnh của quốc gia Lào.

* Điều kiện xã hội

Dân số Lào hiện có hơn 6,4 triệu người, mật độ trung bình khoảng 23 người/km2, tỉ lệ tăng dân số trung bình là 2%, tuổi thọ trung bình hiện nay là 61 tuổi.

Lào có 49 dân tộc, có những dân tộc gồm nhiều nhánh tộc và được chia thành 04 nhóm ngôn ngữ: nhóm ngôn ngữ Lào-Thái; nhóm ngôn ngữ Môn-Khơme; nhóm ngôn ngữ Mông-Dao; nhóm ngôn ngữ Hán-Tây Tạng.

Ngoại kiều ở Lào không nhiều, chủ yếu là người Việt, Hoa, Thái Lan, Cam- pu-chia, Mi-a-ma, Ấn độ, Pa-ki-xtan và đa số sinh sống ở các thành phố, thị xã.

* Hệ thống chính trị, hành chính

- Đơn vị hành chính: Lào có 17 tỉnh, 01 thành phố (Thủ đô Viêng Chăn): Phông-xả-li, Bò-kẹo, Luông-nặm-tha, U-đôm-xay, Luông-pha-bang, Xay-nhạ-bu-li, Hủa-phăn, Xiêng-khoảng, Viêng-chăn, Xay-xổm-bun (tỉnh mới thành lập), Bô-li-khăm-xay, Khăm-muộn, Xạ-vẳn-nạ-khệt, Xả-lạ-văn, Chăm-pa-xắc, Xê-kông, Ăt- tạ-pư.

- Chế độ chính trị: Cộng hoà dân chủ nhân dân theo định hướng XHCN, do Đảng Nhân dân Cách mạng Lào lãnh đạo.

- Chế độ kinh tế: Kinh tế thị trường định hướng XHCN, có sự quản lý của nhà nước.

- Bộ máy nhà nước, gồm: Quốc hội do dân bầu, nhiệm kỳ 5 năm; Chính phủ do Quốc hội bầu, gồm 18 bộ và 03 cơ quan ngang bộ; tổ chức theo hệ thống 04 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện, bản).

- Đơn vị tiền tệ: Kíp (tỷ giá hiện nay khoảng 8.400 Kíp/USD).

- Ngày Quốc khánh: 02/12/1975.

- Ngày thành lập Đảng Nhân dân Cách mạng Lào: 22/3/1955.

- Ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam-Lào: 05/9/1962.

- Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Lào: 18/7/1977.

Các lãnh đạo chủ chốt của Lào:

- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào: Đ/c Bun-nhăng Vo-la-chít;

- Chủ tịch Quốc hội: Đ/c Pa-ny Da-tho-tu, Ủy viên Bộ Chính trị;

- Thủ tướng Chính phủ: Đ/c Thoong-lun Xi-xu-lít, Ủy viên Bộ Chính trị;

- Thường trực Ban Bí thư, Phó Chủ tịch nước: Đ/c Phăn-khăm Vị-phả-văn, Ủy viên Bộ Chính trị.

- Chủ tịch ủy ban Trung ương Mặt trận Lào Xây dựng Đất nước: Đ/c Xay- xổm-phon Phôm-vi-hản, Ủy viên Bộ Chính trị.

2. Tình hình Lào gần đây

Tình hình an ninh-chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng an ninh và đối ngoại được tăng cường, kinh tế tiếp tục duy trì đà tăng trường ở mức 6,9%, thu nhập bình quân đầu người đạt khoảng 2.000 USD/người/năm; tổ chức thành công nhiều sự kiện quan trọng.

Lào đã tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ X của Đảng Nhân dân Cách mạng Lào (18-22/01/2016), Đại hội thông qua các văn kiện: Báo cáo Chính trị của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX; Tầm nhìn đến năm 2030, Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 10 năm giai đoạn 2016-2025 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ VIII giai đoạn 2016-2021; Báo cáo Kiểm điểm của Ban Chấp hành Trung ương khóa IX; Điều lệ Đảng bổ sung, sửa đổi; bầu Ban Chấp hành Trung ương khóa X.

Chủ đề Đại hội là: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và tính tiên phong của Đảng; tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân; kiên định đường lối đổi mới toàn diện và có nguyên tắc; bảo vệ và phát triển đất nước bền vững theo mục tiêu xã hội chủ nghĩa”.

Đại hội đã đề ra mục tiêu tổng quát: Đến năm 2020, đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển với GDP bình quân đầu người đạt khoảng 3.190 USD; đến năm 2025, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình với GDP tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2015; đến năm 2030, đưa đất nước trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao và có khả năng tự chủ vững chắc về tài chính, GDP tăng gấp 4 lần so với năm 2015.

Điều lệ Đảng (bổ sung, sửa đổi) lần đầu tiên xác định: “Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản là người sáng lập, vun đắp, rèn luyện và xây dựng Đảng Nhân dân Cách mạng Lào. Bổ sung nội dung công tác tăng cường công tác bảo vệ Đảng, kiên quyết chống suy thoái về chính tri trong nội bộ Đảng vào phương hướng xây dựng Đảng. Quy định chi tiết 9 điều cấm đối với đảng viên và quy định bầu cử trong Đảng.

Ban Chấp hành Trung ương khóa X gồm 69 đồng chí và 8 đồng chí ủy viên dự khuyết Trung ương; Bộ Chính trị gồm 11 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Hiện nay Lào cơ bản hoàn thành việc kiện toàn tổ chức, bộ máy lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận và các đoàn thể nhiệm kỳ mới; tập trung triển khai quán triệt và xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội X của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm lần thứ VIII.

Lào đã tổ chức thành công Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa VIII và bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành (20/3/2016) tiếp ngay sau thành công của Đại hội X của Đảng với tỷ lệ cử tri đi bầu đạt 97,9%, có 149 đồng chí trúng cử, trong đó có 41 đại biểu nữ chiếm 27,5% và 360 đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành. Việc thành lập Hội đồng nhân dân cấp tỉnh/thành nhằm phát huy dân chủ và phù hợp với yêu cầu tình hình thực tế hiện nay trong việc quản lý Nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội bằng pháp luật.

Để thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ X của Đảng và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 05 năm lần thứ VIII, Chính phủ đã đề ra 3 mục tiêu: (i) Đảm bảo kinh tế quốc dân tăng trưởng liên tục; (ii) Phát triển nguồn nhân lực, văn hóa - xã hội, xóa nghèo, tạo bình đẳng giới, bình đẳng giữa các dân tộc; (iii) Bảo vệ và sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và môi trường, sẵn sàng ứng phó một cách hiệu quả thiên tai và biến đổi khí hậu. Đồng thời, Chính phủ cũng đề ra 6 phương hướng: (i) Tích cực thực hiện công tác quốc phòng - an ninh toàn diện; (ii) Coi trọng công tác xóa nghèo và tạo thu nhập bền vững cho nhân dân là nền tảng đưa đất nước thoát khỏi tình trạng kém phát triển vào năm 2020; (iii) Tăng cường tổ chức lãnh đạo và quản lý kinh tế theo hướng phát triển xanh, bền vững, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô; (iv) Chú trọng phát triển văn hóa- xã hội; (v) Tiếp tục củng cố cơ chế, quy chế quản lý Nhà nước và cải cách hành chính theo hướng tinh gọn, hiện đại; (vì) Tiếp tục kiên định đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị và hợp tác.

Năm 2017, Chính phủ đề ra 09 phương hướng phát triển kinh tế-xã hội đó là: (i) Tiếp tục tập trung vào việc đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, an toàn xã hội (ii) Quản lý kinh tế vĩ mô ổn định, vững mạnh và vận hành theo cơ chế kinh tế thị trường và công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tạo niềm tin đối với đầu tư trong và ngoài nước; (iii) Tiếp tục giải quyết vấn đề nghèo khó gắn liền với công tác 3 xây, nâng cao đời sống của nhân dân hơn nữa; (iv) Phát triển cơ sở hạ tầng để tạo điều kiện tốt cho việc khuyến khích đầu tư, thúc đẩy sản xuất, giảm chi phí đầu tư cho doanh nghiệp và vận tải; (v) Phát triển nguồn nhân lực có kiến thức, năng lực trong công tác nghiên cứu và phát triển tập trung nâng cao năng suất; (vi) Khuyến khích sản xuât đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ; (vii) Giải quyết tình hình kinh tế, giảm nợ và nợ công ở mức kiểm soát, không tạo nên gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; (viii) Củng cố quản lý sử dụng tài nguyên thiên nhiên một cách hiệu quả, nhất là tài nguyên đất, nguồn nước, theo hướng xanh và bền vững; (ix) Quan tâm khuyến khích phát triển du lịch nhằm phân bổ lợi nhuận đến các địa phương. Chính phủ đã đề ra các mục tiêu cơ bản sau: GDP tăng trưởng 7%, thu nhập bình quân đầu người 2.341 USD/người/năm, nông nghiệp tăng 3,1% chiếm 18,8% GDP, công nghiệp tăng 8,9% chiếm 37,2% GDP, dịch vụ tăng 7,8% chiếm 34,7% GDP. Thu ngân sách khoảng 23.941 tỷ Kíp, chi ngân sách không quá 32.402 tỷ Kíp, tỷ lệ lạm phát không quá 5%. Chính sách tỷ giá hối đoái theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Tổng kim ngạch xuất-nhập khẩu đạt 8.941 triệu USD (xuất khẩu 4.459 triệu USD).

Về đối ngoại, Lào kiên trì nhất quán đường lối đối ngoại hòa bình, độc lập, hữu nghị, hợp tác và rộng mở, đa phương hóa, đa dạng hóa, đa hình thức, đa cấp độ trong quan hệ với các nước và các vùng lãnh thổ trên thế giới, trên cơ sở nguyên tắc tôn trọng lẫn nhau, đôi bên cùng có lợi. Đến nay, Lào có quan hệ với hơn 100 chính đảng trên thế giới; kết hợp chặt chẽ giữa hoạt động đối ngoại Đảng, ngoại giao Nhà nước, đối ngoại nhân dân; thiết lập quan hệ ngoại giao với 139 nước, đặt Đại sứ quán ở 25 nước, 7 Tổng Lãnh sự quán, hai cơ quan đại diện ở New York và Giơ-ne-vơ; là thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế (Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM, ACMEC, WTO...). Năm 2016 Lào đã hoàn thành trọng trách Chủ tịch ASEAN, tổ chức thành công hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 28, 29 và các hội nghị liên quan, đón nhiều nguyên thủ nước ngoài đến thăm Lào góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Lào ở khu vực và trên thế giới.

3. Tổng quan về quan hệ Việt Nam - Lào

Quan hệ Việt Nam-Lào tiếp tục được củng cố và phát triển ngày càng sâu rộng, thiết thực và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Hai bên đã triển khai thực hiện có hiệu quả các Thỏa thuận giữa Lãnh đạo cấp cao giữa hai Đảng, hai nước; các nội dung tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác song phương Việt Nam-Lào và đạt được những kết quả tích cực.

- Quan hệ chính trị: được thúc đẩy mạnh mẽ ngày càng gắn bó, tin cậy. Hai bên đã phối hợp tổ chức tốt Đại hội của mỗi Đảng; các chuyến thăm, gặp gỡ, tiếp xúc giữa Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước trong năm đầu nhiệm kỳ; mở các lớp bồi dưỡng cho cán bộ các cấp của Lào; tăng cường trao đổi thông tin, hội thảo lý luận và kinh nghiệm thực tiễn về công tác xây dựng đảng, quản lý kinh tế; phối hợp tuyên truyền sâu rộng về truyền thống quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam- Lào, phối hợp tổ chức tốt các ngày lễ quan trọng của hai Đảng, hai nước; tiếp tục khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong việc củng cố và tăng cường quan hệ đặc biệt Việt Nam-Lào. Hai bên tích cực chuẩn bị cho việc tổ chức các hoạt động kỷ niệm 55 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao và 40 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào trong năm 2017.

- Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại: tiếp tục được tăng cường và có hiệu quả thực chất. Hai bên phối hợp chặt chẽ bảo đảm ổn định chính trị, an ninh, trật tự an toàn xã hội ở mỗi nước; phối hợp thực hiện tốt các Nghị định thư của Bộ Quốc phòng và an ninh, Hiệp định về quy chế quản lý biên giới; hợp tác xây dựng tuyến biên giới Việt Nam-Lào ổn định và phát triển bền vững; hai bên đã hoàn thành Dự án tăng dày và tôn tạo hệ thống mốc quốc giới Việt Nam-Lào, ký hai văn kiện pháp lý quan trọng là “Nghị định thư về đường biên giới và mốc giới” và “Hiệp định về quy chế quản lý biên giới và cửa khẩu biên giới trên đất liền giữa Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Lào”; từng bước giải quyết tình trạng di cư tự do và kết hôn không giá thú trong khu vực biên giới hai nước; tiếp tục phối hợp tìm kiếm, cất bốc và hồi hương hài cốt liệt sỹ quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam hy sinh tại Lào (muà khô 2015-2016, hai bên đã tìm kiếm và hồi hương được 223 bộ hài cốt liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh tại Lào).

- Hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư: Hai bên đã chủ động, tích cực triển khai có hiệu quả các Hiệp định hợp tác giữa hai Chính phủ và các nội dung tại Kỳ họp lần thứ 38 Ủy ban Liên Chính phủ. Chú trọng hơn việc phối hợp hướng dẫn, kiểm tra, chủ động tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, tạo hành lang pháp lý đồng bộ để thúc đẩy hợp tác kinh tế đầu tư, thương mại.

Hai bên đã ký Hiệp định thương mại song phương mới, Hiệp định thương mại Biên giới, triển khai cơ chế “một cửa, một lần dừng” tại cặp cửa khẩu quốc tế Lao Bảo - Densavanh. Kim ngạch thương mại hai chiều trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt 591,5 triệu USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Lào đạt 337,9 triệu USD và Lào xuất sang Việt Nam đạt 253,6 triệu USD. Đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam tại Lào theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến nay có 266 dự án được cấp Giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đầu tư khoảng 5,5 tỷ USD, trong đó vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam là 5,1 tỷ USD (thủy điện có 07 dự án, khai khoáng có 63 dự án, trồng cao su và cây công nghiệp có 18 dự án); nhiều dự án đầu tư của Việt Nam tại Lào đã phát huy hiệu quả, sản xuất kinh doanh có lãi, đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển của hai nước, tạo công ăn việc làm và làm tốt công tác an sinh xã hội tại Lào.

- Giao thông vận tải: phối hợp hoàn thành công tác khảo sát lập dự án nghiên cứu khả thi tuyến đường từ Phu-thi-phơng, tỉnh Luông-pha-bang đi Na-xon, tỉnh Điện Biên, hoàn thành nghiên cứu khả thi tuyến đường bộ từ huyện Xăm-tạy, tỉnh Hủa-phăn đến Thà Lầu, biên giới Việt Nam-Lào; lập báo cáo khả thi tuyến đường cao tốc Viêng Chăn - Pạc-xăn - Thanh Thủy - Hà Nội; hoàn thành lập báo cáo nghiên cứu khả thi tuyến đường sắt Thà-khẹc-Mụ Giạ-Tân Ấp - Vũng Áng; phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét việc bổ sung tuyến đường 8 và đường 12 vào Hiệp định GMS-CBTA; thúc đẩy các thủ tục cần thiết để mở tuyến vận tải hành khách từ Hà Tĩnh đi Khăm-muồn (Lào) đến Na-khon Phạ-nôm (Thái Lan) và ngược lại để phát triển du lịch; ký MOU về chiến lược hợp tác giao thông vận tải giai đoạn 2016 - 2025 tầm nhìn 2030.

- Hợp tác giáo dục - đào tạo và phát triển nguồn nhân lực cho Lào: Hai bên đặc biệt quan tâm đến việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Hai bên tích cực triển khai Đề án nâng cao chất lượng và hiệu quả hợp tác Việt Nam-Lào trong lĩnh vực giáo dục và phát triển nguồn nhân lực trong giai đoạn 2011-2020; tiến hành tổng kết đánh giá hợp tác giáo dục-đào tạo giai đoạn 2011-2015 và xác định phương hướng hợp tác giai đoạn 2016-2020; phối hợp đẩy mạnh phong trào học tiếng Việt tại các trường học và các cơ quan của Lào. Hiện có 12.187 cán bộ, sinh viên Lào đang học tập tại Việt Nam và có 425 cán bộ, sinh viên Việt Nam đang học tập tại Lào.

- Hợp tác trong các lĩnh vực khoa học công nghệ, xã hội, nông nghiệp, thông tin truyền thông, lao động, văn hóa, du lịch, bảo tàng.... được hai bên quan tâm thực hiện. Ta đã tổ chức động thổ xây dựng 02 bệnh viện hữu nghị tại tỉnh Hủa-phăn trị giá khoảng 20 triệu USD và tỉnh Xiêng-khoảng trị giá khoảng 17 triệu USD.

- Quan hệ hợp tác giữa các bộ, ban, ngành, ủy ban của Quốc hội, đoàn thể, các địa phương ngày càng đóng vai trò quan trọng, hiệu quả và thiết thực. Các tỉnh, thành của Việt Nam tiếp tục mở rộng quan hệ hợp tác sang Lào, giúp các địa phương của Lào trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, chăm sóc y tế, đào tạo phát triển nguồn nhân lực. Một số doanh nghiệp Việt Nam đang đầu tư tại Lào đã chú trọng đến công tác an sinh, hỗ trợ các cơ quan, đoàn thể, nhân dân vùng có dự án, được Bạn đánh giá cao.

II. CAMPUCHIA VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM - CAMPUCHIA

1. Một số thông tin cơ bản về đất nước, con người, lịch sử, văn hóa Campuchia

* Địa lý tự nhiên

- Campuchia nằm ở Tây Nam bán đảo Đông Dương, thuộc Đông Nam Á lục địa, phía Đông giáp với Việt Nam, có đường biên giới trên bộ dài 1.137 km; phía Đông Bắc giáp với Lào, có đường biên giới dài 492 km; phía Tây giáp với Thái Lan, có đường biên giới dài 805 km; phía Nam tiếp giáp với Vịnh Thái Lan, có đường bờ biển dài trên 400 km.

- Campuchia thuộc vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, một năm có hai mùa khô, mưa rõ rệt (mùa mưa từ giữa tháng 4 đến cuối tháng 10 và mùa khô từ tháng 11 đến cuối tháng 3 năm sau); nhiệt độ trung bình năm 27°C.

- Campuchia có diện tích lãnh thổ rộng 181.035 km2, trong đó đất rừng chiếm 58%, đất sông hồ chiếm 12% và đất trồng trọt chỉ chiếm trên 4 triệu ha. Sông Mê-kông, phần chảy qua lãnh thổ Campuchia dài 480 km và sông Tôn-lê Sáp, dài trên 420 km, là hai con sông lớn nhất và quan trọng nhất chảy dọc đất nước, qua Việt Nam ra biển Đông. Ở chính giữa đất nước là một hồ nước thiên tạo khổng lồ (Biển hồ), có nhiều nhánh tỏa ra xung quanh, tạo thành một mạng lưới sông ngòi chi chít.

- Campuchia là một nước giàu tài nguyên khoáng sản, ngoài những mỏ vàng, ngọc, đá quý nổi tiếng còn có mỏ sắt, đồng, măng-gan, bô xít, dầu khí... và rất nhiều loài động thực vật quý hiếm,

* Lịch sử, văn hóa, xã hội

- Campuchia có khoảng 20 dân tộc, trong đó dân tộc Khmer chiếm khoảng 90% dân số. Campuchia có gần 15 triệu dân, phân bố không đều, vùng thấp nhất khoảng 15-20 nguời/km2, vùng cao nhất khoảng 700 - 800 người/km2; tỉ lệ tăng dân số 2,1%/năm; khoảng 80% dân số sống ở khu vực nông thôn.

- Campuchia là nơi gặp gỡ của hai nền văn hóa lớn thế giới, đó là nền văn hóa Trung Quốc và Ấn Độ, nhưng người Campuchia chịu ảnh hưởng của nền văn hóa Ẩn Độ nhiều hơn. Đạo Phật được coi là Quốc đạo (khoảng 90% dân số theo đạo Phật). Ngoài ra, ở Campuchia còn có đạo Hồi, đạo Thiên chúa, đạo Tin lành. Campuchia là một quốc gia có lịch sử dựng nước và giữ nước lâu đời; có nền văn minh Ăng-co huy hoàng; giành thắng lợi trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã trải qua một thời kỳ đen tối nhất trong lịch sử, đó là chế độ diệt chủng Pôl-pôt.

* Hệ thống chính trị, hành chính

- Chế độ chính trị: Quân chủ lập hiến, Vua giữ cương vị Nguyên thủ quốc gia, do Hội đồng Ngôi vua bầu;

- Thể chế chính trị: Dân chủ, tự do, đa đảng

- Chế độ kinh tế: Thị trường tự do.

- Tổ chức bộ máy nhà nước theo nguyên tắc tam quyền phân lập.

- Chính sách đối ngoại: Độc lập, hòa bình, trung lập, không liên kết và quan hệ hữu nghị với các nước trên thế giới không phân biệt chế độ chính trị, xã hội.

- Đơn vị hành chính: có 25 tỉnh, thành; 193 quận, huyện và 1.646 xã, phường. Thủ đô là Phnôm-pênh

- Ngôn ngữ: Tiếng Khmer là ngôn ngữ chính; ngoài ra tiếng Anh, tiếng Pháp, tiếng Trung Quốc cũng được sử đụng khá phổ biến ở các thành phố

- Đơn vị tiền tệ: đồng Riêl (tỷ giá hiện nay khoảng trên 4000 riêl/USD)

- Ngày Quốc khánh: 09/11/1953 (Ngày pháp trao trả độc lập).

- Các nhà lãnh đạo chủ chốt:

+ Quốc vương: Nô-rô-đôm Xi-ha-mu-ni

+ Chủ tịch Thượng viện: Xăm-đec Xai Chum (Phó Chủ tịch CPP)

+ Chủ tịch Quốc hội: Xăm-đéc Hêng Xom-rin (Chủ tịch danh dự CPP)

+ Thủ tướng Chính phủ: Xăm-đéc Hun Xen (Chủ tịch CPP)

2. Vài nét về tình hình Campuchia gần đây

Nhìn chung, tình hình các mặt ở Campuchia cơ bản ổn định; kinh tế tiếp tục đà tăng trưởng ở mức trên 7%; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh và đối ngoại được tăng cường.

Sau bầu cử Hội đồng xã/phường khóa IV, nhiệm kỳ 2016 -2021 được tổ chức vào ngày 04/6/2017, Campuchia hiện đang tập trung ổn định bộ máy chính quyền cấp cơ sở và tích cực chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Thượng viện vào đầu năm 2018 và cuộc bầu cử Quốc hội khóa VI vào tháng 7/2018.

Hiện nay ở Campuchia có khoảng 60 đảng chính trị hoạt động, trong đó nổi lên có hai đảng là Đảng Nhân dân Campuchia (CPP) và Đảng Cứu quốc Campuchia (CNRP). CPP, hiện có trên 5,7 triệu đảng viên, có hệ thống tổ chức, bộ máy tương đối chặt chẽ từ Trung ương đến cơ sở, là lực lượng nòng cốt, nắm quyền chi phối hệ thống chính trị, lực lượng vũ trang ở Campuchia; tiếp tục giành thắng lợi trong bầu cử Hội đồng xã/phường năm 2017 và đang tập trung mọi nỗ lực để giữ ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội và tích cực chuẩn bị điều kiện về các mặt với quyết tâm giành thắng lợi trong bầu cử Quốc hội năm 2018. CNRP là đảng đối lập với CPP, hiện có gần 3 triệu đảng viên, tuy không đạt được mục tiêu giành thắng lợi trước CPP trong cuộc bầu cử Hội đồng xã, phường vừa qua, song với kết quả đạt được, giữ chức Chủ tịch ở gần 500/1646 xã phường cho thấy cơ sở chính trị của đảng này phát triển khá nhanh chóng, tương đối vững chắc.

3. Tổng quan về quan hệ Việt Nam – Campuchia

- Việt Nam - Campuchia là hai nước láng giềng, có chung biên giới trên đất liền dài khoảng 1137 km, có vùng biển liền kề, có sông Mê-kông nối liền hai nước ra biển. Trong lịch sử hai nước đã cùng chung chiến hào đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân cũ và mới, lật đổ chế độ diệt chủng và ngày nay đang hợp tác giúp đỡ lẫn nhau trong công cuộc bảo vệ và xây dựng đất nước.

- Trong bối cảnh cả Việt Nam lẫn Campuchia đều thực hiện chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, cả hai nước đều hết sức coi trọng việc củng cố và tăng cường quan hệ theo phương châm "Láng giềng tốt đẹp, hữu nghị truyền thống, hợp tác toàn diện, bền vững lâu dài”, trên cơ sở các nguyên tắc: Tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau; không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau; không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; không cho phép bất cứ lực lượng chính trị, quân sự nào dùng lãnh thổ của mình chống lại nước kia; hợp tác bình đẳng cùng có lợi; giải quyết mọi vấn đề nảy sinh giữa hai nước bằng các biện pháp hòa bình.

- Trong những năm qua, mặc dù tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp; tình hình ở mỗi nước cũng có những khó khăn nhất định, song với sự nỗ lực, cố gắng của hai bên, quan hệ giữa ta với Campuchia tiếp tục có những bước phát triển quan trọng cả chiều rộng lẫn chiều sâu, thực sự trở thành một nhân tố quan trọng góp phần tạo dựng môi trường hòa bình, ổn định lâu dài để đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm độc lập và chủ quyền quốc gia của mỗi nuớc.

- Quan hệ chính trị, hai bên tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả của các cơ chế hợp tác giữa hai nước; tăng cường trao đổi các chuyến thăm, các cuộc gặp gỡ, tiếp xúc giữa lãnh đạo cấp cao và các cấp; ký kết nhiều văn kiện pháp lý làm cơ sở cho việc phát triển hợp tác toàn diện giữa hai nước; phối hợp tổ chức nhiều hoạt động trang trọng, có ý nghĩa kỷ niệm 50 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao; tiếp tục phối hợp triển khai nghiên cứu, biên soạn bộ Lịch sử quan hệ hai Đảng, hai nước từ 1930 - 2010; tăng cường giao lưu hữu nghị nhân dân; phối hợp tuyên truyền giữ gìn và bảo vệ quan hệ đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Campuchia; tiếp tục triển khai trùng tu các Đài kỷ niệm quân tình nguyện Việt Nam, Đài Hữu nghị Campuchia - Việt Nam.

- Hợp tác quốc phòng, an ninh và đối ngoại tiếp tục được thúc đẩy, ngày càng chặt chẽ và có hiệu quả. Hai bên đã phối hợp triển khai thực hiện tốt các thỏa thuận hợp tác về quốc phòng, an ninh; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, phối hợp bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, xã hội ở mỗi nước, an ninh, an toàn biên giới trên bộ và trên biển, kịp thời phối hợp ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả các hoạt động chống phá của đảng đối lập; tiếp tục duy trì kênh đàm phán các cấp và hợp tác thúc đẩy giải quyết các vấn đề còn tồn đọng trong công tác phân giới, cắm mốc biên giới trên bộ; giải quyết địa vị pháp lý cho Việt kiều; xử lý tốt vấn đề người dân tộc thiểu số Tây Nguyên vượt biên trái phép sang Campuchia; tiếp tục duy trì cơ chế Hội nghị hợp tác và phát triển các tỉnh có chung biên giới; tăng cường hợp tác tuần tra chung trên vùng biển; chủ động, tích cực phối hợp tại các diễn đàn quốc tế, khu vực, nhất là trong khuôn khổ Liên hợp quốc, ASEAN, ASEM và các diễn đàn hợp tác Tiểu vùng sông Mê Công.

- Quan hệ hợp tác kinh tế thương mại và đầu tư tiếp tục phát triển. Hiện Việt Nam có 183 dự án đầu tư ở Campuchia, với tổng vốn đăng ký khoảng trên 2,8 tỷ USD (đã giải ngân khoảng 1,5 tỷ USD); các dự án trong lĩnh vực viễn thông, ngân hàng, hàng không, nông nghiệp hoạt động có hiệu quả. Kim ngạch thương mại hai chiều tiêp tục tăng, trung bình trong 05 năm gần đây đạt khoảng 3 tỷ USD/năm.

- Hợp tác về giáo dục - đào tạo là lĩnh vực được hai bên quan tâm, hàng năm ta đã dành cho Campuchia hàng nghìn suất học bổng đào tạo dài hạn và ngắn hạn. Năm 2017, ta tiếp tục dành cho Campuchia 1.090 suất học bổng dài hạn và ngắn hạn; Bạn dành cho ta 15 suất học bổng đào tạo cử nhân ngôn ngữ, văn hóa Khmer.

- Quan hệ giữa các cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp, giữa các đoàn thể quần chúng và giữa các địa phương , nhất là các địa phương có chung biên giới của hai nước ngày càng phong phú, thiết thực và có hiệu quả cao.

III. QUAN HỆ HỢP TÁC GIỮA PHỤ NỮ VIỆT NAM – LÀO VÀ VIỆT NAM – CAMPUCHIA

1. Vài nét về tổ chức phụ nữ của Lào và Campuchia

Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chính phủ mỗi nước (Đảng cầm quyền tại Lào là Đảng Nhân dân Cách mạng Lào và tại Campuchia là Đảng Nhân dân Campuchia, phụ nữ Lào và phụ nữ Campuchia đều có tổ chức Hội Phụ nữ và đạt được nhiều tiến bộ trong phong trào phụ nữ. 

Hội Liên hiệp Phụ nữ Lào là một tổ chức quần chúng và xã hội của các tầng lớp phụ nữ Lào. Hội được chính thức thành lập vào năm 1955. Lịch sử phát triển của Hội LHPN Lào gắn liền với lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc và lịch sử phát triển của đất nước. Hệ thống tổ chức của Hội LHPN Lào hoạt động trên cả nước ở bốn cấp độ, cụ thể là trung ương, tỉnh/bộ, huyện/thành phố và làng/xã với tổng 930.963 hội viên phụ nữ toàn quốc (trên tổng dân số là 7 triệu người). Hội LHPN Lào đã trải qua 7 lần đại hội (Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ VII tổ chức tháng 11/2015). Cơ cấu tổ chức của Hội LHPN Lào có nhiều điểm giống như Hội LHPN Việt Nam, tuy nhiên bạn có thêm Hội Phụ nữ trong cơ quan bộ ngành. Hiện nay khẩu hiệu của phong trào phụ nữ Lào là “Thúc đẩy bình đẳng giới gắn liền với sự phát triển đất nước” và phong trào thi đua được thực hiện toàn quốc là 3 tốt - “Công dân tốt, phát triển tốt và xây dựng gia đình tốt”.

Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển là một tổ chức phi chính phủ được thành lập năm 1999. Tiền thân là Hội Phụ nữ Campuchia, một tổ chức quốc gia, được thành lập năm 1979. Bộ máy của Hội được kiện toàn và thu gọn sau khi thành lập Bộ Phụ nữ ở TW và Sở Phụ nữ ở các tỉnh. Hội đã phối hợp với Bộ Phụ nữ Campuchia thực hiện nhiều hoạt động vì sự phát triển của phụ nữ. Là tổ chức Hội Phụ nữ của Đảng Nhân dân Campuchia, Hội có vai trò giới thiệu và bổ sung nguồn cán bộ nữ cho Đảng (các đảng phái khác cũng có tổ chức Hội phụ nữ nhưng quy mô và ảnh hưởng nhỏ hơn nhiều). Hiện nay, Chủ tịch Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển cũng là Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng gia Campuchia.

2. Quan hệ hợp tác giữa phụ nữ Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia

Với lịch sử quan hệ truyền thống tốt đẹp của ba dân tộc, phụ nữ không thể đứng ngoài cuộc. Ngay từ những năm tháng cam go của cuộc chiến tranh giành độc lập dân tộc ở mỗi nước, Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Lào đã tiến hành trao đổi đoàn. Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ bạn đào tạo nhân lực, đồng thời tạo điều kiện để bạn tham dự một số hội nghị quốc tế tại các nước XHCN về phụ nữ.

Với phụ nữ Campuchia, từ giai đoạn kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, TW Hội LHPN Việt Nam đã cử cán bộ sang giúp bạn và đồng thời đào tạo cán bộ nữ cho bạn ở Việt Nam. Khi Hội Phụ nữ Campuchia được thành lập năm 1979 trong bối cảnh Campuchia vừa thoát khỏi nạn diệt chủng Pôn Pốt, các chuyên gia của TW Hội LHPN Việt Nam đã sang giúp bạn xây dựng và phát triển Hội phụ nữ Campuchia từ trung ương tới địa phương. Lúc đó bạn chưa có tổ chức, chưa có trụ sở làm việc. Để có cán bộ làm việc, đoàn đã liên hệ với chuyên gia các tỉnh, thành phố tìm những chị em có khả năng để tập huấn, bồi dưỡng. Lúc đầu tại Phnôm Pênh không có điều kiện mở lớp tập huấn, đoàn đã đưa các chị em đó về thành phố Hồ Chí Minh mở lớp đào tạo (mỗi lớp 2 tháng).

Cùng với thời gian, tổ chức Hội phụ nữ ở mỗi nước dần lớn mạnh, quan hệ hợp tác cũng ngày càng chặt chẽ hơn với việc ký kết các Thỏa thuận Hợp tác. Hội LHPN Việt Nam và Hội LHPN Lào đã ký nhiều thỏa thuận hợp tác từ những năm 1980. Với Campuchia, Hội đã ký 3 Thỏa thuận hợp tác từ 2004 đến nay. Trên cơ sở đó, Hội Phụ nữ ba nước đã thực hiện nhiều hoạt động hợp tác, hỗ trợ lẫn nhau. Cụ thể:

- Về giáo dục đào tạo: Hội LHPN Việt Nam đã mở nhiều lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ tại Học viện Phụ nữ Việt Nam cho cán bộ phụ nữ Lào và Campuchia. Đến nay, Hội LHPN Việt Nam đã hỗ trợ đào tạo được 185 cán bộ phụ nữ Lào và 300 cán bộ nữ của Campuchia. Hoạt động đào tạo đã giúp nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác phụ nữ cho cán bộ của bạn, đồng thời góp phần tăng cường sự giao lưu, hiểu biết giữa phụ nữ Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia.

- Hợp tác qua biên giới: Các hoạt động giao lưu, kết nghĩa, tập huấn, hội thảo, ký kết văn bản ghi nhớ… được thực hiện ở hầu hết các tỉnh giáp biên. Đến tháng 8/2017 Hội LHPN của 9/10 tỉnh giáp Lào và 9/10 tỉnh giáp Campuchia đã ký kết Thỏa thuận hợp tác với Hội Phụ nữ cùng cấp của bạn. Nội dung hợp tác chủ yếu tập trung vào phòng chống mua bán phụ nữ trẻ em, nâng cao nhận thức của phụ nữ trong việc thực hiện các hiệp định đã ký kết giữa hai nước, hỗ trợ phụ nữ, trẻ em đi làm ăn xa ở nước bạn, chia sẻ kiến thức, kỹ năng giúp phụ nữ ổn định cuộc sống, dạy nghề, tạo việc làm cho phụ nữ vùng giáp biên, xây dựng đường biên giới hoà bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Hội LHPN một số tỉnh/thành không giáp biên cũng đã kết nghĩa và tham gia tích cực các hoạt động hữu nghị với Lào và Campuchia như Hội LHPN thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Vĩnh Phúc…

- Hợp tác qua các dự án, nhất là trao đổi kinh nghiệm về công tác Hội, hoạt động xóa đói giảm nghèo, phát triển tài chính vi mô, tăng thu nhập, chăm sóc sức khỏe phụ nữ trẻ em, kế hoạch hóa gia đình, lồng ghép phát triển nông thôn... Trong một số dự án được quốc tế tài trợ, Hội LHPN Việt Nam đã chuyển giao kinh nghiệm cho phía bạn (như dự án xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh hỗ trợ cho Campuchia với vốn của Mỹ, dự án tín dụng tiết kiệm vùng hỗ trợ cho Lào với vốn của Đức...).

- Trong quan hệ đối ngoại, phụ nữ Việt Nam, Lào và Campuchia đã phối hợp và ủng hộ nhau trên nhiều diễn đàn quốc tế.

Với sự đóng góp hiệu quả cho việc xây dựng, củng cố tình đoàn kết hữu nghị Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia, Hội LHPN Việt Nam đã được trao “Huân chương Độc lập Hạng Nhất” của Chính phủ Lào; Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cũng được trao tặng “Huân chương của Chính phủ Hoàng gia Campuchia”. Đồng thời Chính phủ Việt Nam đã trao tặng “Huân chương Độc lập Hạng Nhất” cho tập thể Hội LHPN Lào và “Huân chương Hữu nghị” cho một số đồng chí lãnh đạo Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển.

Năm 2017 là Năm đoàn kết hữu nghị, kỷ niệm 40 năm ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam - Lào, 55 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Lào và 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Campuchia. Nhân dịp này giữa phụ nữ 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia sẽ có một hoạt động hết sức có ý nghĩa. Từ ngày 04 - 16/9/2017 sẽ có đoàn đại biểu cấp cao Hội LHPN Việt Nam và chuyến xe hữu nghị với các đại biểu phụ nữ Việt Nam từ TW, các bộ ngành và tỉnh thành đi thăm, giao lưu hữu nghị với Hội LHPN Lào và Hội Phụ nữ Campuchia vì Hoà bình và Phát triển. Hội LHPN Việt Nam trong dịp này sẽ kí kết Thoả thuận Hợp tác giai đoạn mới (giai đoạn 2017-2022) với Hội Phụ nữ của hai nước bạn; tiếp kiến lãnh đạo Đảng, Nhà nước; thăm một số gia đình đã giúp đỡ, ủng hộ quân tình nguyện Việt Nam; giao lưu văn hoá và các hoạt động xã hội từ thiện tại nước bạn. Tại thành phố Hồ Chí Minh - điểm cuối của hành trình, đại biểu phụ nữ 3 nước sẽ cùng tham dự Diễn đàn “Phụ nữ Việt Nam - Lào - Campuchia xây đắp quan hệ hữu nghị hợp tác góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững đến năm 2030”.

* Trách nhiệm giữ gìn, phát huy quan hệ hữu nghị, hợp tác giữa 3 nước

Quan hệ truyền thống giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia thể hiện những ước vọng tha thiết của nhân dân ba nước là đoàn kết, giúp nhau chống kẻ thù chung, xây dựng quan hệ bình đẳng, tự chủ, hữu nghị, hợp tác cùng có lợi. Với vai trò và trách nhiệm của mình, mỗi hội viên phụ nữ và mỗi cấp Hội cần nhận thức rõ và đóng góp tích cực vào việc giữ gìn và phát huy mối quan hệ truyền thống quý báu, thủy chung, tình nghĩa giữa Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia. Tổ chức Hội Phụ nữ Việt Nam, Lào và Campuchia có trách nhiệm tổ chức giáo dục cho phụ nữ, nhằm truyền tiếp mãi mãi cho các thế hệ phụ nữ và nhân dân mai sau về mối quan hệ keo sơn, trong sáng, coi đó là nhân tố quan trọng góp phần đảm bảo thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của mỗi nước.

Hội LHPN các cấp cần tập trung:

 - Tích tực tuyên truyền giáo dục cho hội viên, phụ nữ và nhất là trong thế hệ trẻ về quan hệ truyền thống giữa phụ nữ và nhân dân ba nước, quan điểm chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về phát triển quan hệ hữu nghị với các nước láng giềng, đặc biệt về Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia 2017; chống lại các luận điệu xuyên tạc nhằm chia rẽ mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết truyền thống giữa Việt Nam - Lào, Việt Nam - Campuchia.

- Tích cực đưa ra các sáng kiến để hưởng ứng năm Đoàn kết, như giúp đỡ lưu học sinh của nước bạn tại địa phương. Trong quá trình hợp tác, trao đổi cần có thái độ chân thành học hỏi, tránh chủ quan và có biểu hiện tự mãn.

- Chủ động đề nghị với cấp ủy, chính quyền địa phương tạo điều kiện cho Hội phụ nữ tham gia các hoạt động đối ngoại của tỉnh, hỗ trợ kinh phí hoạt động giao lưu, hợp tác qua biên giới, trao đổi đoàn, tọa đàm, chia sẻ kinh nghiệm công tác Hội, phòng chống buôn bán phụ nữ và trẻ em…

- Hội LHPN hai tỉnh giáp biên chưa ký kết TTHT là Điện Biên, Bình Phước cần nghiên cứu và xúc tiến ký kết TTHT với đối tác cùng cấp của nước bạn trong điều kiện cho phép.

- Hội LHPN các tỉnh giáp biên và gần biên giới có trách nhiệm nghiên cứu các văn bản như Hiệp định, Quy chế biên giới với Lào và Campuchia, Thỏa thuận về việc giải quyết người di cư tự do và kết hôn không giá thú trong vùng biên giới Việt Nam - Lào… để phổ biến đến hội viên phụ nữ. Đối với Campuchia, tuy chưa có Hiệp định về di cư tự do và kết hôn không giá thú, Hội LHPN các tỉnh vẫn cần theo dõi tình hình trên và có các đề xuất khuyến nghị để bảo vệ quyền lợi phụ nữ và trẻ em./. 

 


Năm 2016 và 6 tháng đầu nãm 2017, hai bên đã trao đổi trên 150 đoàn các cấp, trong đó nổi bật là các chuyến thăm Campuchia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc; Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm; Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh; Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng, các chuyến công tác của Đặc phái viên của Tổng Bí thư... và các chuyến thăm Việt Nam của Chủ tịch CPP, Thủ tướng Chính phủ Hun Xen; Chủ tịch danh dự CPP, Chủ tịch Quốc hội Hêng Xom-rin; Phó Chủ tịch CPP, Chủ tịch Thượng viện Say Chhum; Phó Chủ tịch CPP, Phó Thủ tướng Bộ trưởng Nội vụ Sa-khêng; Phó Thủ tướng, Bộ trường Quốc phòng Tia Banh; Chánh Văn phòng Trung ương CPP....

 

 

 

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Xem tin theo ngày