Tài liệu tuyên truyền Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV và Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX.
Ngày cập nhật 17/07/2015

 I. MỤC ĐÍCH, VAI TRÒ CỦA THI ĐUA YÊU NƯỚC ĐỐI VỚI SỰ NGHIỆP CÁCH MẠNG CỦA ĐẢNG VÀ NHÂN DÂN TA

1. Mục đích thi đua yêu nước

Thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực nhằm thúc đẩy lẫn nhau, đạt thành tích tốt nhất trong chiến đấu, sản xuất, công tác, học tập. Công việc hàng ngày chính là nền tảng của thi đua, thi đua cũng là một cách yêu nước thiết thực và tích cực. Thi đua phải gắn với khen thưởng, đều hướng đến mục đích xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Thi đua yêu nước là hoạt động mang tính tập thể, tự giác, tích cực, có lãnh đạo; là hình thức động viên mọi tầng lớp nhân dân phát huy nhiệt tình cách mạng, tinh thần lao động sáng tạo của mỗi người hoặc tập thể để hoàn thành và hoàn thành vượt mức các nhiệm vụ đề ra. Thi đua yêu nước thực sự trở thành phong trào hành động cách mạng của toàn dân, được tổ chức, chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến cơ sở dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước ta, chính thức bắt đầu từ năm 1948, gắn với Chỉ thị ngày 27/3/1948 của Ban Thường vụ Trung ương Đảng phát động phong trào thi đua ái quốc và Lời kêu gọi thi đua ái quốc ngày 11/6/1948 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ở các thời điểm và lĩnh vực khác nhau, có các phong trào thi đua yêu nước với những tiêu chí, nội dung và khẩu hiệu hành động khác nhau nhưng đều nhằm mục đích mang lại lợi ích chính đáng cho cá nhân, cho cộng đồng và cho dân tộc như lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”; “ai nấy đều gắng làm nhanh, làm tốt, làm đẹp, không kể công việc của mình thuộc về đời sống vật chất hay tinh thần, không kể mình hoạt động ở hậu phương hay tiền tuyến, cốt sao lợi cho nước nhà mà mình tiến bộ”; “Thi đua ái quốc là lợi ích cho mình, lợi ích cho gia đình và lợi ích cho làng, cho nước, cho dân tộc”.

2. Vai trò của thi đua yêu nước

- Thi đua yêu nước động viên sức mạnh tiềm tàng trong mỗi con người, mỗi tập thể, trở thành động lực thúc đẩy vượt qua khó khăn, thử thách để đi đến thắng lợi trong các cuộc chiến tranh chống giặc ngoại xâm cũng như trong công cuộc đổi mới đất nước, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế giai đoạn hiện nay.

- Thi đua yêu nước thúc đẩy sáng kiến và sức sáng tạo của con người,  mở rộng tư duy, nâng cao nhận thức, tạo nên những động lực mới cho cách mạng nước nhà. Thi đua yêu nước là động lực khơi dậy, phát huy tối đa sức sáng tạo, tinh thần xung phong, ý chí quyết tâm xả thân vì nước, tạo ra hoạt động tự giác, biến những điều tưởng chừng không thể làm được trở thành hiện thực. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Muốn làm cho mọi công tác tiến lên nữa, cần đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước và phải làm sao cho phong trào thi đua lúc nào cũng sôi nổi liên tục, thành hoạt động tự giác của mọi người.

- Thi đua là trường học phổ biến kinh nghiệm, làm xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân, các anh hùng, chiến sỹ, những nhân tố mới, điển hình tiên tiến trong toàn quốc, có tác động nêu gương, thúc đẩy nhiệt tình cách mạng của quần chúng, có sức mạnh cải tạo xã hội, cải tạo tự nhiên, cải tạo con người. Các phong trào ấy đã đi vào lịch sử với niềm tự hào vô hạn, trở thành trường học cách mạng sống động, rèn luyện và đào tạo ra những con người xứng đáng là lực lượng anh hùng trong thời đại anh hùng.

- Thi đua yêu nước góp phần giúp cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể, các ngành, các cấp rèn luyện năng lực lãnh đạo, tổ chức, quản lý, nâng cao hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị. Các phong trào thi đua yêu nước khơi dậy ý thức tự giác, tích cực của mọi người, là động lực góp phần thực hiện các nhiệm vụ chính trị của cơ quan, địa phương, đơn vị; góp phần làm cho chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhanh chóng đi vào thực tiễn.

- Phong trào thi đua yêu nước là hình thức tốt nhất để tập hợp, giác ngộ cách mạng và nâng cao nhận thức cho quần chúng về tư tưởng, chính trị, trình độ văn hóa, nhận thức xã hội; cải tiến kỹ thuật, năng lực chiến đấu, lao động sản xuất; hướng quần chúng hành động theo đúng định hướng nhằm đạt các mục tiêu đề ra. Thi đua yêu nước nhằm bồi dưỡng tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của dân tộc ta và làm cho nhân dân ta đoàn kết với nhân dân lao động thế giới.

- Các phong trào thi đua yêu nước trong những năm qua không chỉ góp phần rất quan trọng thúc đẩy hoàn thành các nhiệm vụ chính trị - xã hội của đất nước, làm thay đổi bộ mặt đất nước mà còn nêu cao tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa, làm lành mạnh các quan hệ xã hội, xây dựng đạo đức, nếp sống mới, đề cao phẩm chất con người mới.

II. CÁC KỲ ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC

Đại hội lần thứ I (năm 1952)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ nhất họp từ ngày 01 đến ngày 06/5/1952 tại chiến khu Việt Bắc. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

Đại hội có trên 150 chiến sỹ thi đua công, nông, binh và lao động trí óc toàn quốc về dự. Đại hội tuyên dương 7 Anh hùng tiêu biểu và tặng Huân chương Kháng chiến hạng nhất cho 23 chiến sỹ xuất sắc. Trong đó có các anh hùng, chiến sỹ thi đua tiêu biểu được tôn vinh như: Anh hùng Cù Chính Lan, chiến sỹ La Văn Cầu, nữ trung đội trưởng du kích Nguyễn Thị Chiên, chiến sỹ Ngô Gia Khảm, Giáp Văn Khương, Quang Vinh…

Đây là Đại hội đánh dấu những thắng lợi của phong trào thi đua diệt giặc dốt, giặc đói, giặc ngoại xâm. Thành công của Đại hội đã động viên toàn dân, toàn quân ta hăng hái lập nhiều thành tích, tiến lên giành thắng lợi trong chiến dịch Điện Biên Phủ, giải phóng hoàn toàn miền Bắc.

Đại hội lần thứ II (năm 1958)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ II diễn ra từ ngày 7 đến 8/7/1958 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

Đại hội có trên 450 đại biểu tham dự, trong đó có 236 chiến sỹ thi đua lao động chân tay và trí óc, 127 chiến sỹ thi đua nông nghiệp, 71 chiến sỹ thi đua của quân đội nhân dân và 22 đại biểu cán bộ thuộc đủ các lứa tuổi, các giới, các dân tộc, đồng bào miền Nam và Hoa kiều. Đại diện cho phong trào thi đua tập thể, có đại biểu của 75 đơn vị xuất sắc của các xí nghiệp, công trường, tổ đổi công, hợp tác xã và bộ đội; 18 tập đoàn sản xuất xuất sắc của đồng bào miền Nam; đại diện cho các anh hùng, chiến sỹ thi đua năm 1952; có 10 đại biểu công nhân các xí nghiệp thuộc khu vực tư doanh.

Đại hội tuyên dương 26 Anh hùng lao động (trong đó có 16 đảng viên Đảng Lao động Việt Nam, 5 phụ nữ, 6 đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc, 2 đồng bào các dân tộc ít người, 1 Hoa kiều) và đề nghị Nhà nước tặng 618 Huân chương Lao động các hạng, 38 Bằng khen cho các tập thể và cá nhân tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước.

Đại hội lần này đánh dấu những thành tích to lớn của công cuộc khôi phục kinh tế - xã hội ở miền Bắc, động viên nhân dân phấn đấu giành thắng lợi trong công cuộc cải tạo kinh tế, phát triển văn hóa…

Đại hội lần thứ III (năm 1962)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ III diễn ra tại Hà Nội từ ngày 4 đến 6/5/1962. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

Đại hội tuyên dương 45 Anh hùng Lao động, 985 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 267 đơn vị tiên tiến, tổ, đội lao động xã hội chủ nghĩa, đề nghị Nhà nước tặng thưởng 594 Huân chương Lao động, 27 Huân chương Chiến công các hạng. Một số cá nhân tiêu biểu như Giáo sư, bác sỹ Tôn Thất Tùng với thành tích khoa học về mổ gan, mổ tim; bác sỹ Lương Định Của tạo ra nhiều giống cây nông nghiệp có năng suất cao; Vũ Xuân Thủy, chăm chỉ học hỏi chuyên gia Liên Xô và áp dụng kỹ thuật tiên tiến điều khiển máy xúc; Châu Văn Huy, từ người thợ trở thành cán bộ kỹ thuật giỏi, nghiên cứu và áp dụng thành công việc bơm hơi khô vào dây cáp điện thoại, một công việc đáng lẽ kỹ sư giỏi mới làm được; Huỳnh Văn Tiến ở mỏ than Thống Nhất có sáng kiến cải tiến tổ chức lao động và bố trí quy trình khai thác hợp lý, đưa năng suất của lò mỗi ngày từ 50 tấn lên 135 tấn; Lý Văn Du, tài xế xe lửa đã sáng tạo ra phương pháp lái xe kéo vượt tải trên đường dốc; Phạm Ngọc Chức, trong hơn 7 năm làm công nhân khai thác gỗ đã có 125 sáng kiến lớn nhỏ…

Đây là Đại hội đáng dấu những thắng lợi quan trọng, góp phần hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất của cách mạng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, tạo sức mạnh chi viện cho chiến trường miền Nam, đánh thắng giặc Mỹ, thống nhất đất nước.

Đại hội lần thứ IV (năm 1967)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ IV họp từ ngày 6 đến 7/1/1967 tại Hà Nội. Chủ tịch Hồ Chí Minh tới dự Đại hội.

Đại hội có trên 500 đại biểu tham dự; tuyên dương 45 tập thể và 111 cá nhân Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Trong 111 cá nhân Anh hùng, có 31 Anh hùng quân đội, 7 Anh hùng là dân quân, tự vệ, 7 Anh hùng là công an nhân dân, 29 Anh hùng là công nhân, 21 Anh hùng là phụ nữ, có 3 Anh hùng là phụ lão và 14 Anh hùng thuộc các dân tộc ít người. Trong số 45 đơn vị Anh hùng, có 22 đơn vị quân đội và dân quân, tự vệ: 5 đơn vị công an vũ trang; 8 đơn vị giao thông vận tải và bưu điện; 4 đơn vị công nghiệp và lâm nghiệp; một nông trường; 3 hợp tác xã, một bệnh viện; đặc biệt chúng ta có địa phương “Quyết thắng” anh hùng.

Đây là Đại hội biểu dương ý chí và lực lượng của toàn quân và toàn dân ta, những người đã và đang làm nên chiến thắng oanh liệt trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Đại hội lần thứ V (năm 1986)

Đại hội thi đua yêu nước lần thứ V diễn ra từ ngày 16 đến ngày 17/1/1986 tại Hà Nội. Tham dự Đại hội có 218 đơn vị và tập thể Anh hùng, 111 cá nhân Anh hùng và 223 chiến sỹ thi đua toàn quốc thuộc đủ các tầng lớp nhân dân, các lứa tuổi, các địa phương, miền xuôi và miền ngược.

Đây là Đại hội Anh hùng, Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần đầu tiên kể từ ngày thống nhất đất nước; là Đại hội biểu dương thắng lợi của dân và quân ta trong lao động, xây dựng chủ nghĩa xã hội và chiến đấu bảo vệ Tổ quốc; nêu cao quyết tâm khắc phục khó khăn, đẩy mạnh sản xuất, thực hành tiết kiệm, hoàn thành thắng lợi kế hoạch Nhà nước 5 năm 1986 - 1990, mở đầu thời kỳ đổi mới.

Đại hội lần thứ VI (năm 2000)

Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VI diễn ra từ ngày 21 đến 24/11/2000 tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội.

Tham dự Đại hội tiêu biểu cho khối đại đoàn kết toàn dân, của phong trào thi đua yêu nước trong 15 năm đầu thực hiện đường lối đổi mới của Đảng; thể hiện ý chí quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới đất nước; động viên, cổ vũ tinh thần thi đua, ý chí vươn lên nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ IX của Đảng.

Đại hội lần thứ VII (năm 2005)

Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VII diễn ra từ ngày 4 đến ngày 6/10/2005, tại Cung Văn hóa Hữu nghị Việt Xô, Hà Nội. Tham dự Đại hội có trên 1.270 đại biểu (1.160 đại biểu chính thức, 110 đại biểu khách mời) được lựa chọn từ các hội nghị điển hình tiên tiến và đại hội thi đua của các bộ, ngành, đoàn thể, địa phương trong cả nước. Trong đó, có 87 Anh hùng và đại diện 241 tập thể Anh hùng; 122 Chiến sỹ thi đua toàn quốc, 10 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 53 đại biểu dân tộc thiểu số, mười tài năng trẻ, năm thiếu niên tuy tuổi nhỏ đã lập được thành tích xuất sắc, năm người Việt Nam ở nước ngoài và năm người nước ngoài đã có công góp phần vào công cuộc xây dựng đất nước Việt Nam. Cao tuổi nhất là Giáo sư Trần Văn Giàu (93 tuổi), Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Đây là Đại hội có ý nghĩa quan trọng, đánh giá lại phong trào thi đua và công tác khen thưởng giai đoạn 2001 - 2005; kiểm điểm việc triển khai thực hiện đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo tinh thần Chỉ thị số 35-CT/TW và Chỉ thị số 39-CT/TW của Bộ Chính trị, chỉ đạo việc tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, phát hiện, bồi dưỡng, tổng kết và nhân điển hình tiên tiến; thực hiện Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về việc phát động đợt thi đua đặc biệt trong năm 2005 nhằm thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2001 - 2005); thiết thực lập thành tích chào mừng các ngày lễ lớn trong hai năm 2004 - 2005.

Đại hội lần thứ VIII (năm 2010)

Đại hội thi đua toàn quốc lần thứ VIII diễn ra từ ngày 27 đến ngày 28/12/2010, tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội. Tham dự Đại hội có 1.500 đại biểu, trong đó có 334 đại biểu là cá nhân, đại diện tập thể Anh hùng Lao động, Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Chiến sỹ thi đua toàn quốc được phong tặng trong 5 năm qua; 995 điển hình tiên tiến, tiêu biểu xuất sắc trên các lĩnh vực.

Đây là Đại hội diễn ra trong không khí toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đang ra sức thi đua phấn đấu thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2006 - 2010), lập thành tích chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Cùng với nhiều sự kiện lịch sử trọng đại diễn ra năm 2010, Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần này tiếp nối truyền thống của 7 lần đại hội trước đó; tiếp tục nhận thức sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, đồng thời khẳng định những quan điểm đúng đắn của Đảng và Nhà nước về thi đua, khen thưởng trong công cuộc đổi mới đất nước. Nội dung thi đua được gắn kết với thực hiện cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, đấu tranh phòng chống tham nhũng”, thi đua thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế bền vững.

III. HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TOÀN QUỐC LẦN THỨ IX

1. Chủ đề và mục đích của Đại hội

Với chủ đề: “Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX sẽ đánh giá kết quả thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ của các phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2011 - 2015; đề ra mục tiêu, phương hướng, nhiệm vụ của phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng giai đoạn 2016 - 2020. Biểu dương kết quả của các phong trào thi đua yêu nước đối với sự phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ Tổ quốc ở các ngành, các cấp, các lĩnh vực trong 5 năm qua. Biểu dương, tôn vinh các tập thể, cá nhân, anh hùng, chiến sỹ thi đua và các gương điển hình tiên tiến, nhân tố tiêu biểu trong toàn quốc; qua đó, tiếp tục khơi dậy sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo động lực mới góp phần tổ chức thành công Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng. Phát động phong trào thi đua trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, gắn với đẩy mạnh việc “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”; tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng theo Chỉ thị của Bộ Chính trị và Luật Thi đua - Khen thưởng. Nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước, trọng tâm là phong trào “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”.

2. Ý nghĩa của Đại hội

Đại hội lần này có ý nghĩa rất quan trọng:

Một là, trên cơ sở tổng kết phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng trong 5 năm (2011 - 2015), Đại hội rút ra bài học kinh nghiệm thiết thực về nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước; về kinh nghiệm xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tiếp tục đổi mới và phát triển mạnh mẽ phong trào thi đua yêu nước, công tác khen thưởng giai đoạn tiếp theo, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh.

Hai là, khẳng định những thành tựu của gần 30 năm đổi mới toàn diện đất nước; những kết quả của phong trào thi đua và công tác khen thưởng trong 5 năm qua, tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng và khơi dậy sức mạnh to lớn của các tầng lớp nhân dân; tiếp tục bồi dưỡng lòng yêu nước, ý chí quật cường, lòng tự hào dân tộc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Ba là, cổ vũ sức mạnh to lớn của khối đại đoàn kết dân tộc, tạo nên động lực mới nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, chào mừng Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quyết tâm thực hiện thắng lợi sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, phấn đấu đưa đất nước ta sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại.

Bốn là, tiếp tục tuyên truyền, quán triệt tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, Chỉ thị số 34-CT/TW, ngày 7/4/2014 của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua - Khen thưởng năm 2013 và các văn bản hướng dẫn thi hành, nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của công tác thi đua, khen thưởng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

3. Nội dung, chương trình Đại hội

Đại hội sẽ được tổ chức vào quý IV năm 2015 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Hà Nội; diễn ra trong 2 ngày, dự kiến có khoảng 2.000 đại biểu, trong đó có 1.800 đại biểu chính thức và 200 đại biểu khách mời.

Chiều ngày thứ nhất, Đại hội trù bị và tổng duyệt chương trình. Buổi tối, có chương trình nghệ thuật đặc biệt và giao lưu với các điển hình tiên tiến.

Sáng ngày thứ hai, có các hoạt động: Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và các đại biểu vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các Anh hùng liệt sỹ; chương trình văn nghệ chào mừng; Báo cáo tổng kết phong trào thi đua yêu nước và công tác khen thưởng 5 năm (2010 - 2015), phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2016 - 2020; chiếu phim tài liệu các phong trào thi đua yêu nước; phát biểu của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước; các đoàn đại biểu chụp ảnh lưu niệm.

Buổi chiều, các báo cáo tham luận của đại diện các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến; tổ chức tôn vinh, tuyên dương các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào thi đua và trong thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”; Thủ tướng Chính phủ phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2016 - 2020. Buổi tối có chương trình văn nghệ chào mừng thành công của Đại hội.

Trước và trong dịp tổ chức Đại hội sẽ diễn ra một số hoạt động chính như: Triển lãm ảnh về Bác Hồ với phong trào thi đua yêu nước và các kỳ Đại hội thi đua yêu nước; Tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ tuyên truyền, cổ động chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; Giao lưu các điển hình tiên tiến trên sóng của Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam. Bên cạnh đó, các phương tiện thông tin đại chúng của Trung ương và địa phương tăng cường thời lượng phát sóng, chiếu phim tài liệu về các phong trào thi đua yêu nước, các kỳ Đại hội. Mở các chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội. Đồng thời, tổ chức họp báo trước và sau Đại hội để định hướng tuyên truyền và thông báo kết quả Đại hội.

IV. ĐẠI HỘI THI ĐUA YÊU NƯỚC TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

1. Các kỳ Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế

* Đại hội lần thứ nhất: diễn ra vào ngày 21/9/2000, với 170 đại biểu đại diện các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong hàng nghìn tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu toàn tỉnh.

* Đại hội lần thứ hai: diễn ra vào ngày 16/8/2005, với 450 đại biểu đại diện các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong hàng nghìn tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu toàn tỉnh.

* Đại hội lần thứ ba: diễn ra vào ngày 21/8/2010, với 325 đại biểu đại diện các tập thể và cá nhân điển hình tiên tiến trong hàng nghìn tập thể, cá nhân xuất sắc tiêu biểu toàn tỉnh.

2. Những kết quả nổi bật của phong trào thi đua yêu nước toàn tỉnh giai đoạn 2010 - 2015

Trong 5 năm qua (2010 - 2015), phát huy truyền thống thi đua yêu nước, quyết tâm xây dựng tỉnh Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững, nhiều phong trào thi đua được phát động rộng rãi trong đội ngũ cán bộ, công nhân, viên chức và trong các tầng lớp nhân dân, tạo nên khí thế thi đua sôi nổi. Các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển sâu rộng, có chất lượng, hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu tình hình mới.

Hàng năm, tỉnh đã thành lập 18 khối thi đua với 166 đơn vị, địa phương, doanh nghiệp và cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh. Các ngành, các cấp từ tỉnh đến cơ sở đều tổ chức cụm, khối thi đua, xây dựng tiêu chí chấm điểm thi đua, tổ chức ký kết giao ước thi đua với những hoạt động ngày càng được nâng cao.

* Trên lĩnh vực kinh tế:

+ Trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, nhiều phong trào thi đua đã được phát động, tổ chức có kết quả, điển hình như: phong trào “3 giảm, 3 tăng”, “Thi đua vì một nền nông nghiệp Việt Nam chất lượng cao, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm”, “Thi đua phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông nghiệp và phát triển nông thôn”, “Trồng rừng, bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng”… Đặc biệt hưởng ứng phong trào thi đua “Cả tỉnh chung sức xây dựng nông thôn mới”, nhiều hộ dân đã tham gia hiến đất, đóng góp ngày công để xây dựng các công trình công cộng.

Sau 5 năm triển khai thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, hạ tầng kỹ thuật, sản xuất ở vùng nông thôn được đầu tư xây dựng, nâng cấp; đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được nâng lên; bộ mặt nông thôn đổi thay theo hướng khang trang, hiện đại. Đến nay, toàn tỉnh đạt được 1.401 tiêu chí/92 xã, đạt bình quân 15,2 tiêu chí/xã, tăng 6,7 tiêu chí so với năm 2010. Đã có 9 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí, chiếm tỷ lệ 10%, cao hơn 1,2% so với cả nước (8,8%); trong đó nổi bật là xã Hương Giang (Nam Đông), xã Quảng Phú (Quảng Điền) đã hoàn thành 19 tiêu chí nông thôn mới vào năm 2013, được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen.

Từ các phong trào thi đua đã xuất hiện các mô hình sản xuất kinh doanh có hiệu quả, như: mô hình chăn nuôi trang trại, gia trại, mô hình kinh tế nông - lâm kết hợp, mô hình chuyên canh cây công nghiệp, mô hình chăn nuôi lợn tập trung, mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng…; đồng thời, xuất hiện ngày càng nhiều những gương người tốt, việc tốt, tiêu biểu là gia đình ông Rapás A Tét - nông dân xã Thượng Long (Nam Đông) đã vượt khó vươn lên làm giàu từ việc chăn nuôi lợn, bò và trồng rừng; anh Nguyễn Duy Thanh - nông dân xã Hương Phú (Nam Đông) là thanh niên trẻ vượt khó vươn kên làm giàu từ mô hình VACR, tạo việc làm ổn định cho từ 3 - 4 người, vào mùa vụ khoảng 15 người; ông Hồ Văn A Crước (A Lưới) là gương điển hình nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương, sản xuất theo mô hình VACR; ông Trần Quốc Đại ở thôn Tây Phú, Phò Trạch, Phong Bình (Phong Điền) - chủ cơ sở sản xuất rượu Okay, đùn ép củi trấu, chăn nuôi tổng hợp, lợi nhuận bình quân 300 triệu/năm, giải quyết việc làm cho 15 lao động, thu nhập bình quân 3,5 triệu đồng/lao động/tháng, góp phần giải quyết ô nhiễm môi trường do xay xát lúa gạo tại địa phương; bà Trần Thị Mỹ Lệ - chủ trang trại chăn nuôi xã Phú Thượng (Phú Vang); ông Nguyễn Văn Muốc - nông dân bản Khe Trăn, xã Phong Mỹ (Phong Điền) v.v…

+ Trong phát triển dịch vụ, công nghiệp, xây dựng, giao thông vận tải, đã xuất hiện các phong trào, như: “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”, “Phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật”, “Năng suất, chất lượng, hiệu quả”, “Đổi mới quản lý, công nghệ, tăng năng suất, chất lượng sản phẩm”, “Nâng cao hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm”, “Xanh - Sạch - Đẹp, Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động và phòng chống cháy nổ”, “Thi đua lập nghiệp, lao động sáng tạo”, “Giỏi một việc, biết nhiều việc”; phong trào thi đua thực hiện các công trình, sản phẩm mới, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh theo tiêu chí 4 nhất: “Chất lượng tốt nhất, tiến độ nhanh nhất, tiết kiệm nhiều nhất, an toàn vệ sinh nhất”; phong trào xây dựng “Văn hóa doanh nghiệp”… được phát động liên tục trong các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế, góp phần mở rộng quy mô, nâng cao năng lực sản xuất.

Từ các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tấm gương lao động giỏi, sáng tạo, có năng suất, hiệu quả cao, tạo nhiều việc làm cho lao động và tích cực tham gia hoạt động xã hội, nhân đạo; điển hình như: Công ty TNHH Bia Huế, Công ty Cổ phần Dệt may Huế, Công ty Cổ phần Sợi Phú Bài, Công ty men Frit, Công ty Scavi Huế, Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam, Huế, Công ty TNHHNNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế, Công ty Cổ phần Môi trường và Công trình Đô thị Huế… và các cá nhân điển hình tiên tiến trong phong trào sản xuất, kinh doanh, như: Bà Nguyễn Thị Tuyết - Tổ trưởng Tổ sản xuất Công đoàn cơ sở Công ty Cổ phần Da giày Huế; ông Nguyễn Xuân Hải, bà Huỳnh Thị Ngọc - Công ty Scavi Huế; ông Lê Văn Thịnh, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Công ty TNHH Hanesbrands Việt Nam, Huế v.v…

Với tinh thần thi đua vượt khó, tận dụng các tiềm năng, thế mạnh, tăng trưởng kinh tế của tỉnh đã được duy trì ở mức hợp lý, bình quân đạt trên 9%/năm (cao hơn mức bình quân chung cả nước và tương đương với mức bình quân của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung). So với năm 2010, quy mô kinh tế tăng gấp 1,6 lần; thu ngân sách nhà nước tăng 1,6 lần; GDP bình quân đầu người tăng gần 2 lần (năm 2015, GDP bình quân đầu người ước đạt 2.000 USD). Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt gần 70.000 tỷ đồng. Giá trị kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 15,6%/năm.

* Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội:

Trong giai đoạn 2010 - 2015, phong trào thi đua trên lĩnh vực văn hóa - xã hội được tập trung đẩy mạnh gắn với việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Tỉnh đã chú trọng xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, bản sắc văn hóa Huế, con người Huế. Đời sống văn hóa của nhân dân ngày càng phong phú; nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc, văn hóa Huế được phát huy. Việc xây dựng nếp sống văn minh đô thị, văn minh nông thôn có chuyển biến bước đầu. Hệ thống các thiết chế văn hóa được quan tâm đầu tư.

Nhiều lễ hội đa dạng, độc đáo đã được tổ chức thường xuyên và đều khắp, tiêu biểu là Lễ tế Đàn Nam Giao, tế Đàn Xã Tắc, Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội thao diễn thủy binh thời các chúa Nguyễn, Festival Thuận An Biển gọi, Lăng Cô Huyền thoại biển, Sóng nước Tam Giang… Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật có quy mô lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế đã được tổ chức thành công, tạo khí thế chính trị sôi động, góp phần nâng cao mức hưởng thụ văn hóa tinh thần của nhân dân, tiêu biểu là: Năm Du lịch quốc gia duyên hải Bắc Trung Bộ - Huế 2012 với hơn 30 sự kiện mang tầm quốc gia và quốc tế… Công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc được tập trung đẩy mạnh. Hệ thống các di tích lịch sử, cách mạng, di tích văn hóa, danh lam, thắng cảnh, hệ thống di tích lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Quần thể di tích Cố đô Huế - di sản văn hóa thế giới đã từng bước được đầu tư tu bổ, tôn tạo và phát huy giá trị. Thành công của các kỳ Festival đã góp phần phát triển du lịch và nâng cao hoạt động ngoại giao văn hóa trong thời kỳ hội nhập. Thành phố Huế được công nhận là “Thành phố Văn hóa ASEAN”, “Thành phố bền vững môi trường của ASEAN”.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh, tạo những bước tiến quan trọng cả về lượng và chất, tác động và làm chuyển biến mạnh mẽ đến đời sống xã hội. Đến nay, toàn tỉnh có 1.381 làng, thôn, bản, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92,8%; 996 cơ quan, đơn vị được công nhận đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 86%; 233.731 gia đình được công nhận gia đình đạt chuẩn văn hóa, đạt tỷ lệ 92,52%.

Phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại” được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia, hưởng ứng tích cực. Đến nay, số người tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là 312.000/1.115.523 người, đạt tỷ lệ 28,6% dân số, tăng 4,7% so với năm 2009. Số gia đình thể thao là 47.500/263.000 gia đình, đạt tỷ lệ 18,6% số hộ, tăng 4,5%; số CLB TDTT là 557 CLB, tăng 109 CLB so với năm 2009; tỷ lệ cán bộ chiến sỹ trong lực lượng vũ trang đạt tiêu chuẩn rèn luyện thân thể là 96%.

Các đoàn thể chính trị - xã hội đã phát động các phong trào, như: xây dựng tuyến đường thôn, xóm “Không rác, không nước thải”, xây dựng “Con đường xanh, sạch, đẹp”, “Hàng rào xanh”

Thể thao thành tích cao Thừa Thiên Huế đạt được những thành tích vượt trội, từng bước khẳng định vị thế tại các đấu trường quốc gia, khu vực và châu lục. Nhiều đoàn vận động viên tham gia thi đấu và giành được nhiều huy chương tại các giải quốc gia, Đại hội Thể dục thể thao, Hội khỏe Phù Đổng và khu vực và quốc tế; tiêu biểu, như: vận động viên điền kinh Trần Thị Yến Hoa đã giành Huy chương Đồng tại Seagame 28; các vận động viên Nguyễn Đắc Hà, Trần Văn Thanh, Nguyễn Thị Thu Hiền - Hội Võ thuật cổ truyền Thừa Thiên Huế đã đạt thành tích cao trong Hội thi võ thuật cổ truyền toàn quốc năm 2011; vận động viên môn cờ vua Hoàng Thị Như Ý đạt Huy chương Vàng Seagame 26; vận động viên bơi lội Trần Thị Thuận đã đạt nhiều Huy chương trong các giải bơi lội quốc gia và quốc tế; đặc biệt là các vận động viên người khuyết tật, như: Bùi Thị Xím - Hội viên Hội Người khuyết tật đã đạt giải Nhì tại Hội thi người khuyết tật toàn quốc năm 2012 và Huy chương Vàng môn bơi lội năm 2013; vận động viên môn cờ vua Phạm Lê Anh Kiệt, vận động viên môn bơi lội Trần Văn Luân là những học sinh Trung tâm Giáo dục - Hướng nghiệp trẻ em mù đã đạt giải cao trong Hội thi người khuyết tật toàn quốc năm 2013, 2014…

Văn học, nghệ thuật phát triển cả về số lượng và chất lượng. Đội ngũ văn nghệ sỹ, nghệ nhân tâm huyết với quê hương, đất nước đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn học, nghệ thuật đạt giải cao; điển hình như: Nghệ sỹ nhân dân Nguyễn Ngọc Bình - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Ca kịch Huế, Nghệ sỹ nhân dân Phan Thị Bạch Hạc - Giám đốc Nhà hát Nghệ thuật Truyền thống Cung đình Huế…

Trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo, các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”, “Kỷ cương - tình thương - trách nhiệm”, “Mỗi thầy cô giáo là tấm gương sáng cho học sinh noi theo”, “Nói không với tiêu cực và bệnh thành tích trong giáo dục”, “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”… đã góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Tiếp tục giữ vững và nâng cao chất lượng phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và phổ cập THCS. Các xã, phường, thị trấn đều có trung tâm học tập cộng đồng. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT đạt bình quân gần 99%/năm. Học sinh trúng tuyển đại học, cao đẳng đạt bình quân 60%/năm. Năm học 2014 - 2015, số học sinh đạt giải học sinh giỏi quốc gia là 256 em, học sinh giỏi cấp tỉnh (lớp 12, lớp 9) là 5.309 em. Nhiều học sinh đạt giải cao trong các hội thi, như: các em Đặng Hoàng San - học sinh Trường THPT Chuyên Quốc Học Huế, Nguyễn Minh Phú - học sinh Trường THPT Gia Hội, Lê Đức Anh - học sinh Trường THPT Nguyễn Huệ là Nhóm tác giả Đề tài “Chế tạo kính viễn vọng phản xạ” đạt giải Nhì và các em Lê Đức Hạt, Lê Đức Thành - học sinh Trường THPT Nguyễn Chí Thanh là Nhóm tác giả Đề tài “Robot đa ứng dụng” đạt giải Ba Cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ 10 (2013 - 2014)…

Nhiều giáo viên đạt danh hiệu chiến sỹ thi đua, giáo viên dạy giỏi, được phong tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú, Nhà giáo nhân dân. 100% giáo viên mầm non, phổ thông đạt chuẩn và nhiều giáo viên đạt trình độ trên chuẩn. Tiêu biểu cho phong trào thi đua “Hai tốt” là Nhà giáo ưu tú Võ Văn Kiệt - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hương Long, thầy giáo Phạm Hồng Hải - Hiệu trưởng Trường THCS Phú Mậu, cô giáo Nguyễn Ly Na - chuyên viên Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Huế… Nhiều trường đã đạt thành tích cao trong phong trào thi dua dạy tốt, học tốt, như: Trường THPT Chuyên Quốc Học, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh, Trường THCS Nguyễn Tri Phương, Trường THCS Thống Nhất, Trường THCS Lê Hồng Phong, Trường Mầm non Hoa Mai, thành phố Huế, Trường THCS Đặng Dung, huyện Quảng Điền; Trường Tiểu học Lộc Trì, Trường Mầm non Hưng Lộc, huyện Phú Lộc…

Đại học Huế phát triển cả về quy mô và chất lượng, tiếp tục khẳng định là một trung tâm đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao. Đã có 108 ngành đào tạo đại học, 71 chuyên ngành đào tạo thạc sỹ, 31 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ, 68 chuyên ngành đào tạo bác sỹ chuyên khoa cấp I, cấp II và 15 chương trình liên kết đào tạo với các trường có uy tín ở nước ngoài; hàng năm, đào tạo trên 95.000 sinh viên. Đội ngũ cán bộ, giảng dạy Đại học Huế có 3.748 người với 189 giáo sư, phó giáo sư cơ hữu, 145 giáo sư, phó giáo sư thỉnh giảng, 25 giáo sư danh dự; 507 tiến sỹ, 2.372 thạc sỹ, bác sỹ, dược sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II; 164 nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, thầy thuốc ưu tú.

Các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp và dạy nghề phát triển nhanh, góp phần nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 56%. Hội Khuyến học các cấp được củng cố và hoạt động có hiệu quả.

Trong lĩnh vực y tế, phong trào thi đua thực hiện lời dạy của Bác Hồ “Thầy thuốc như mẹ hiền” và 12 điều y đức do Bộ trưởng Bộ Y tế phát động, phong trào thi đua “Xây dựng bệnh viện xuất sắc, toàn diện”, phong trào “Làm theo lời Bác, cán bộ y tế đoàn kết, năng động sáng tạo, nâng cao đạo đức nghề nghiệp, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ” được đẩy mạnh. Công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân được tăng cường; chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Các thiết chế của trung tâm y tế chuyên sâu, các bệnh viên chuyên khoa đầu ngành được đầu tư đồng bộ, hiện đại. Bệnh viện Trung ương Huế cùng với Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế đã triển khai nhiều kỹ thuật cao về chẩn đoán và điều trị chuyên sâu, tiên tiến ghép tim và thành công bước đầu trong ứng dụng tế bào gốc tạo máu để điều trị ung thư vú, ung thư buồng trứng. Phong trào hiến máu tình nguyện được phát triển rộng khắp và được nhiều tầng lớp nhân dân hưởng ứng. Mạng lưới y tế cơ sở được đầu tư xây dựng và phát triển khá toàn diện theo hướng chuẩn hóa và hiện đại hóa. Toàn tỉnh hiện có trên 80% trạm y tế xã, phường, thị trấn đạt chuẩn quốc gia; 98% thôn, bản, tổ dân phố có nhân viên y tế; 100% trạm y tế có bác sỹ. Công tác y tế dự phòng, vệ sinh an toàn thực phẩm đạt kết quả tốt, nhiều năm liền không để xảy ra dịch, bệnh lớn. Ở khắp các vùng miền, các tuyến y tế đều xuất hiện những gương điển hình tiên tiến, như: Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Trường Đại học Y Dược Huế, Trung tâm Y tế huyện Phú Vang…, các cá nhân điển hình như: Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân, Giáo sư, Tiến sỹ Bùi Đức Phú - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế; Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Duy Thăng - Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Huế, Giáo sư, Tiến sỹ Cao Ngọc Thành - Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Huế…; trong phong trào hiến máu tình nguyện, điển hình là ông Nguyễn Văn Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Phong Hiền với 33 lần hiến máu tình nguyện…

Về lĩnh vực an sinh xã hội, công tác giải quyết việc làm, giảm nghèo bền vững và các chính sách an sinh xã hội đã đạt kết quả tích cực. Bình quân hàng năm đã tạo việc làm mới cho hơn 16.000 lao động. Các chính sách hỗ trợ người nghèo, vùng khó khăn được lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hơn 5.000 nhà ở cho các hộ nghèo; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 4,7%. Công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, phong trào xây dựng “Quỹ vì người nghèo” thường xuyên được chú trọng; thực hiện tốt công tác từ thiện nhân đạo; quan tâm chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách, người có công với nước. Đã vận động xây dựng 2.406 ngôi nhà tình nghĩa với tổng số tiền trên 50 tỷ đồng. Thực hiện tốt công tác dân tộc, tôn giáo, tạo được sự đồng thuận cao. Trong phong trào đã xuất hiện những tấm gương điển hình như: Nữ tu Vũ Thị Thọ - Giám đốc Trung tâm nuôi dạy trẻ cô nhi khuyết tật Sơn Ca; Thượng tọa Thích Huệ Phước - Ủy viên Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó trưởng Ban Trị sự kiêm Chánh Thư ký Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh; ông Trần Mộ - Giáo dân Công giáo xã Điền Hương (Phong Điền)…

* Các phong trào thi đua trong lực lượng vũ trang nhân dân:

Trong lĩnh vực an ninh - quốc phòng, các phong trào “Thi đua quyết thắng”, “45 ngày đêm kiểu mẫu”, “Thần tốc - Quyết thắng”, “Phất cao Cờ hồng Tháng Tám”, “Thi đua giành ba đỉnh cao Quyết thắng”, “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ”, “Bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, biển đảo” của lực lượng bộ đội biên phòng; các phong trào “Ghi sâu lời Bác dạy, quyết tâm thi đua giành 3 nhất”, phong trào thi đua “Kỷ niệm 65 năm Công an nhân dân học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy”, “ Quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc” của lực lượng công an; phong trào học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, như: “Một nâng cao, Hai tích cực, Ba gương mẫu, Bốn đi đầu” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới; Quỹ “Nghĩa tình đồng đội” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phong Điền; phong trào “Tiết kiệm chi tiêu vì ngày mai lập nghiệp” của cán bộ, chiến sỹ Trung đoàn 6; “Hũ gạo tình thương” của Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Thủy; “Hòm tiền tiết kiệm” của Ban Chỉ huy Quân sự huyện Phú Vang; Mô hình chăn nuôi dê, bò, lợn rừng của Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới, thị xã Hương Thủy…

Từ các mô hình, phong trào đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến tiêu biểu, như: Ban Chỉ huy Quân sự huyện A Lưới và thị xã Hương Thủy; cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt; cán bộ, chiến sỹ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Chân Mây; cán bộ, chiến sỹ Hải đội 2; Đội Phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao; Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an tỉnh; Công an thị xã Hương Trà; Công an thị xã Hương Thủy; Công an huyện Phú Vang; Thượng tá Nguyễn Quang Cư - Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hương Thủy; Đại úy Nguyễn Thị Hoàng Phương - Nhân viên kỹ thuật Phòng Kỹ thuật; Đại úy Lê Viết Quý - Chủ nhiệm Kho kỹ thuật; Thiếu tá Hồ Sỹ Hòa - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Hương Nguyên; Đại úy Văn Lê Lâm Đức - Trợ lý cán bộ Phòng Chính trị; Thượng úy Lê Văn Hải - Thuyền trưởng Hải đội 2; Thượng tá Nguyễn Đăng Tâm - Đồn trưởng Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt; Trung tá Ngô Thanh Bình - Đội trưởng Đội An ninh, Công an thị xã Hương Trà; Thượng úy Hồ Văn Như - Công an huyện A Lưới; Đại úy Trần Công Nhân - Công an phường An Hòa, thành phố Huế; Trung tá Cao Khắc Hải - Đội trưởng Đội Dân vận, Tổng hợp Phòng PV28, Công an tỉnh…

* Các phong trào thi đua trong các cơ quan đảng, chính quyền, đoàn thể và các tổ chức xã hội:

Các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục phát động và tổ chức các phong trào thi đua gắn với mục tiêu tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, động viên mọi tầng lớp nhân dân tích cực học tập, công tác, phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống, như: phong trào “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với thực hiện Đề án “Giáo dục đạo đức lối sống gia đình Việt Nam”; “Xóa đói giảm nghèo”, “Đền ơn đáp nghĩa”, “Uống nước nhớ nguồn”, “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau xóa đói giảm nghèo và làm giàu chính đáng”, “Cựu chiến binh gương mẫu”, “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”, “Giỏi việc nước, đảm việc nhà”… Phong trào thi đua thực hiện Chỉ thị số 51, ngày 28/12/2012 của UBND tỉnh “Về việc tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, chấn chỉnh lề lối làm việc, nâng cao ý thức trách nhiệm trong thi hành công vụ của cán bộ công chức, viên chức trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế” của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn toàn tỉnh đã tạo nên những chuyển biến tích cực, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, điều hành công vụ; thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; đơn giản hóa thủ tục hành chính; nâng cao tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức. Từ đó đã xuất hiện các điển hình: Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Cổng Thông tin điện tử thuộc Văn phòng UBND tỉnh, Sở Tư pháp, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Phong Điền, Hội Cựu chiến binh tỉnh, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, Công ty TNHHNNMTV Xây dựng và Cấp nước Thừa Thiên Huế…

* Đặc biệt, việc thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đem lại hiệu quả bước đầu

Qua 4 năm thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, đã khơi dậy và phát huy trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp; góp phần hình thành và phát triển các giá trị đạo đức của chủ nghĩa xã hội, xây dựng con người Việt Nam xã hội chủ nghĩa có nhân cách cao đẹp, bản lĩnh chính trị vững vàng, có lối sống văn minh và quan hệ xã hội lành mạnh, tiến bộ; góp phần đấu tranh khắc phục sự suy thoái về đạo đức, lối sống và các tệ nạn xã hội, quan liêu, tham nhũng, lãng phí. Các cấp, các ngành, các cơ quan, đơn vị và nhân dân toàn tỉnh đã có nhiều nỗ lực cố gắng, chủ động, sáng tạo trong việc đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức của Bác, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dựng Đảng. Việc làm theo tấm gương, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ngày càng thể hiện rõ nét, cụ thể hơn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã biểu dương và trao Bằng khen, tặng hoa cho 22 tập thể và 22 cá nhân là những điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên địa bàn tỉnh, 19 tác giả, đồng tác giả, 4 tập thể và 2 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong quản lý, chỉ đạo hoạt động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học - nghệ thuật, báo chí về chủ đề học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong 4 năm (2011 - 2015).

Trong công tác, học tập, nghiên cứu khoa học, lao động và bảo vệ Tổ quốc đã xuất hiện ngày càng nhiều những tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến, xứng đáng được ghi nhận, tôn vinh và nhân rộng, tạo được sự hưởng ứng tích cực trong toàn Đảng, toàn quân và toàn dân, sự lan tỏa mạnh mẽ cả chiều rộng lẫn chiều sâu trong cộng đồng, sự đồng tình và đồng thuận trong toàn xã hội, như: Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt (A Lưới) giúp đỡ đồng bào dân tộc thiểu số phát triển kinh tế, xây dựng nhà cho bà con các bộ tộc Lào; Đảng bộ Bệnh viện Trung ương Huế với phong trào “Học tập và làm theo Bác, giỏi y thuật, sáng y đức, không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân”; Đảng bộ xã Hương Hòa (Nam Đông) thực hiện tốt việc vận động bà con nhân dân hiến đất mở đường, xây dựng các công trình công cộng, hoàn thành sớm các tiêu chí xây dựng nông thôn mới; Ngân hàng máu sống - Hội Chữ thập đỏ huyện Phong Điền đã tích cực trong công tác vận động hiến máu tình nguyện, giúp đỡ nhiều bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo; các cá nhân tiêu biểu, như: cô giáo Văn Thị Nhàn - Hiệu phó Trường Tiểu học Hòa Mỹ, xã Phong Mỹ (Phong Điền) luôn dành tình cảm, chia sẻ những khó khăn với học sinh nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; bác sỹ Trương Như Sơn - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Phú Vang đi đầu trong đổi mới phong cách, lề lối làm việc, ứng xử với bệnh nhân và phong trào “Bữa ăn cho bệnh nhân nghèo”; Trung tá Phan Thế Hùng - Đội trưởng Đội Đấu tranh phòng chống tội phạm, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an tỉnh đã có nhiều thành tích trong đấu tranh phòng chống tội phạm về trật tự xã hội trên địa bàn tỉnh, góp phần đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân; Nguyễn Thành Thái - sinh viên Trường Đại học Sư phạm Huế có nhiều thành tích trong học tập, nghiên cứu khoa học và đạt nhiều giải cao trong các kỳ thi Toán quốc gia; ...

3. Chủ đề, ý nghĩa và nội dung, chương trình Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV

- Chủ đề: “Đoàn kết, năng động, sáng tạo, đẩy mạnh phong trào thi đua yêu nước, xây dựng Thừa Thiên Huế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình Đô thị di sản, văn hóa, sinh thái, cảnh quan, thân thiện với môi trường”.

- Ý nghĩa: Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ IV là Đại hội có ý nghĩa rất quan trọng, nhằm đánh giá những kết quả đã đạt được, chỉ ra những nguyên nhân tồn tại, yếu kém để khắc phục; đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích. Từ đó, đề ra nhiệm vụ và giải pháp tích cực nhằm tiếp tục đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2015 - 2020) của tỉnh.

- Nội dung, chương trình Đại hội: Đại hội sẽ được tổ chức trong 01 ngày vào tháng 8/2015 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh; dự kiến có 685 đại biểu, trong đó có 500 đại biểu chính thức và 185 đại biểu khách mời.

Chiều ngày thứ nhất, trước khi diễn ra Đại hội trù bị, các đồng chí lãnh đạo và đại biểu dâng hoa, báo công lên Bác tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Sáng hôm sau, có các hoạt động: Chương trình văn nghệ chào mừng; phát biểu khai mạc Đại hội; đại diện các cháu thiếu nhi chúc mừng Đại hội; Báo cáo tổng kết công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2010 - 2014 và phương hướng, nhiệm vụ công tác thi đua, khen thưởng giai đoạn 2015 - 2020; các báo cáo tham luận của các tập thể, cá nhân điển hình; phát biểu của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương; phát biểu của lãnh đạo tỉnh; thông qua danh sách đoàn đại biểu tỉnh tham dự Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX; phát động phong trào thi đua yêu nước của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh; phát biểu tổng kết Đại hội.

Trước và trong dịp tổ chức Đại hội sẽ diễn ra một số hoạt động chính như: Triển lãm giới thiệu về những phong trào thi đua nổi bật trên tất cả các lĩnh vực và những hình ảnh của tỉnh Thừa Thiên Huế trong quá trình hội nhập và phát triển; phát sóng trực tiếp chương trình giao lưu các cá nhân điển hình tiên tiến trên sóng của Trung tâm Truyền hình Việt Nam tại Huế; tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao tuyên truyền, cổ động trực quan chào mừng Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV; các phương tiện thông tin đại chúng tăng cường thời lượng phát sóng, xây dựng các phóng sự và chiếu phim tài liệu về các phong trào thi đua yêu nước, các kỳ Đại hội, mở các chuyên trang, chuyên mục tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội; tổ chức họp báo trước và sau Đại hội để định hướng tuyên truyền và thông báo kết quả Đại hội.

*

*          *

Đại hội Thi đua yêu nước toàn tỉnh lần thứ IV và Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ IX diễn ra trong bối cảnh năm 2015 có nhiều sự kiện quan trọng của đất nước, đặc biệt là Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng; kỷ niệm 70 năm Cách mạng Tháng Tám (19/8/1945 - 19/8/2015) và Quốc khánh nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2/9/1945 - 2/9/2015). Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta ra sức thi đua trên tất cả các lĩnh vực, lập thành tích xuất sắc, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI; tích cực chuẩn bị, triển khai tổ chức tốt đại hội đảng các cấp tiến tới tổ chức thành công Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, sớm đưa nghị quyết vào cuộc sống, quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh./.

 

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH ỦY

Tập tin đính kèm:
Tin mới
Xem tin theo ngày