Hưởng ứng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc
Ngày cập nhật 27/05/2013

Cách đây 65 năm, ngày 11/6/1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc để động viên đồng bào, chiến sĩ cả nước thi đua yêu nước, giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của dân tộc lúc đó là chống giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Trong 65 năm qua, hội viên, phụ nữ cùng nhân dân cả nước đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng và phát triển đất nước.

        Năm nay, Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động đợt thi đua đặc biệt với chủ đề “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững” nhằm thiết thực kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra lời kêu gọthi đua ái quốc.

Hội LHPN tỉnh Thừa Thiên Huế chuyể tài liệu “Phụ nữ tích cực thi đua hưởng ứng kỷ niệm 65 năm Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc”  do TW Hội biên soạn để giúp hội viên, phụ nữ hiểu rõ hơn về ngày kỷ niệm quan trọng này cũng như những việc hội viên và phụ nữ cần làm để thiết thực kỷ niệm sinh nhật Bác và hưởng ứng lời kêu gọi thi đua ái quốc của Bác.

Câu hỏi 1: Hãy nêu hoàn cảnh ra đời, ý nghĩa Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh?

Trả lời:

Ngày 19 tháng 12 năm 1946 toàn quốc bắt đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đứng trước hoàn cảnh vô cùng khó khăn của đất nước, chống thù trong, giặc ngoài, giặc đói, giặc dốt, theo sáng kiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 27 tháng 3 năm 1948, Ban chấp hành Trung ương Đảng ra Chỉ thị Phát động phong trào thi đua ái quốc để động viên mọi lực lượng cho kháng chiến và kiến quốc. Chỉ thị nêu rõ: “Nước nhà đang kháng chiến và kiến quốc, mục đích thi đua ái quốc là làm sao cho kháng chiến mau thắng lợi, kiến thiết chóng thành công”. Để triển khai Chỉ thị này, nhân dịp toàn quốc kỉ niệm 1.000 ngày kháng chiến (ngày Nam bộ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược 23/9/1945), ngày 11 tháng 6 năm 1948, Chủ tich Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc.

Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh có ý nghĩa to lớn đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc: Động viên toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết một lòng, phát huy truyền thống anh hùng, tinh thần yêu nước, ý chí tự lực, tự cường, vượt qua mọi hi sinh, gian khổ diệt giặc ngoại xâm, giặc đói, giặc dốt. Hưởng ứng lời kêu gọi của Người, nhân dân ta đã đem hết sức mình, tham gia kháng chiến, kiến quốc, đưa đất nước vượt qua thời điểm đầy gian nguy, bảo vệ được chính quyền cách mạng non trẻ, xóa được nạn đói, nạn dốt. Từ những kết quả bước đầu đó, phong trào thi đua ái quốc được tiếp thêm sức mạnh, ngày càng phát triển, góp phần làm nên những thắng lợi vĩ đại trong công cuộc giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Câu 2: Trong 65 năm qua, phụ nữ Việt Nam đã tham gia những phong trào thi đua yêu nước và các phong trào thi đua nào do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động?

 

Trả lời:

Trong mỗi giai đoạn kháng chiến và xây dựng đất nước, Hội LHPN Việt Nam đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước phù hợp với nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạnvà đặc thù công việc của phụ nữ. Đồng thời Hội cũng vận động phụ nữ tích cực hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước khá của đất nước và các địa phương.

Trong giai đoạn Kháng chiến chống Pháp, phụ nữ tích cực tham gia các phong trào“Phụ nữ tăng gia sản xuất, thực hành tiết kiệm”“Phụ nữ học cày, học bừa”, “Tấm áo chiến sỹ”, “Phụ nữ chức nghiệp” (phụ nữ khu V ngoài làm nông nghiệp còn biết thêm nhiều nghề hoặc có ít nhất một nghề phụ để kiếm sống)

Giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, phụ nữ ở cả hai miền Nam và Bắc đều hưởng ứng và tham gia tích cực vào các phong trào như “Thi đua 5 tốt”, “Hội mẹ chiến sỹ”,Phụ nữ 5 tốt”, “Ba đảm nhiệm” (sau đổi thành “Ba đảm đang” )….

Sau khi đất nước thống nhất, phụ nữ cả nước đoàn kết tham gia phong trào Người phụ nữ mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Cùng với quá trình Đổi mới của đất nước, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam đã phát động nhiều phong trào và cuộc vận động thiết thực như Phụ nữ giúp nhau làm kinh tế gia đình” (1989-1996), “Nuôi dạy con tốt, góp phần hạn chế trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học" (1989 – 1996), “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, nuôi dạy con tốt, xây dựng gia đình hạnh phúc" (1997-2001) “Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" (1997 – 2001), “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc" (nhiệm kỳ 2002 – 2007, nhiệm kỳ 2007 – 2012 ).

Hiện nay, phụ nữ cả nước đang tiếp tục thực hiện phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc” gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, triển khai sâu rộng cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” và phấn đấu rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin - Tự trọng - Trung hậu - Đảm đang”.

Riêng năm 2013, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động đợt thi đua đặc biệt với chủ đề Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững nhằm hưởng ứng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc).

Câu 3: Hội viên, phụ nữ cần làm gì để hưởng ứng kỷ niệm 65 năm ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc?

 

Trả lời:

 

1. Phấn đấu rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang – những phẩm chất đạo đức của phụ nữ trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước

Hiểu rõ nội dung và sự cần thiết phải rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

- Xác định được điểm mạnh, điểm yếu của mình để phát huy các điểm mạnh, khắc phục các hạn chế trong quá trìnhphấn đấu, rèn luyện, phẩm chất đạo đức.

- Làm gương cho con và những người khác trong gia đình, cộng đồng trong rèn luyện 4 phẩm chất đạo đức: tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang.

 

2. Tiếp tục thực hiện tiết kiệm với tinh thần “Làm theo Bác, thực hành tiết kiệm giúp nhau giảm nghèo bền vững”

Mỗi hội viên, phụ nữ cần tích cực tiết kiệm, tạo nguồn vốn cho chính gia đình mình và những chị em đang gặp khó khăn trong cộng đồng để phát triển sản xuất.

Chị em có thể tiết kiệm tại: các chi/tổ phụ nữ nơi mình tham gia sinh hoạt; tại nhóm phụ nữ tiết kiệm tín dụng, tại các tổ/nhóm hùn vốn quay vòng do Hội chỉ đạo hoặc tại Ngân hàng Chính sách Xã hội, các chương trình, dự án của Hội.

Mức tiết kiệm hàng tháng do chi hội quyết định nhưng mỗi hội viên cần tiết kiệm tối thiểu 5.000đồng/tháng. Nếu thực hiện tốt đợt thi đua tiết kiệm đặc biệt này, chị em hội viên, phụ nữ trong cả nước có thể tạo được nguồn vốn khoảng 1.100 tỷ đồng, giúp 110 nghìn phụ nữ nghèo được vay để phát triển sản xuất.

Để tiết kiệm được tốt nhất, chị em cần:

- Có mục tiêu và kế hoạch chi tiêu tiết kiệm, cụ thể.

- Trước khi chi tiêu, suy nghĩ xem có thực sự cần chi khoản tiền này không, làm thế nào để giảm các khoản chi tiêu.

- Cùng các thành viên trong gia đình ghi chép và rà soát các khoản chi tiêu hàng ngày/hàng tháng để so sánh với ngày hôm trước, tháng trước xem việc chi tiêu của mỗi người đã hợp lí chưa, có thể tiết kiệm được ở những khoản nào.

- Vận động để mọi người trong gia đình hiểu và lựa chọn hình thức tiết kiệm phù hợp với bản thân và gia đình.

- Tiết kiệm ngay khi có thu nhập.

Ngoài tiết kiệm bằng tiền, chị em còn có thể tiết kiệm, chống lãng phí trong sản xuất, công tác và trong sinh hoạt như như tiết kiệm nguyên liệu sản xuất, tiết kiệm điện, nước, tiết kiệm thời gian bằng cách tham dự hội, họp đung giờ, giảm ăn uống lãng phí trong tang ma, cưới hỏi...

 

3. Đổi mới phương pháp, lối làm việc

Ngoài 2 nội dung nêu trên, hội viên, phụ nữ là cán bộ, công chức và cán bộ Hội các cấp còn cần:

- Tích cực phấn đấu làm theo phong cách dân vận, quần chúng, dân chủ, nêu gương của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công tác, trong quan hệ hàng ngày với nhân dân: gần dân, hiểu dân, vì dân, trọng dân .v.v.

- Tự giác thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ được giao. Tăng cường nghiên cứu thực tiễn, nâng cao chất lượng; tăng cường hướng dẫn cho cấp dưới.

- Phấn đấu làm theo lời căn dặn của Bác Hồ đối với cán bộ làm công tác dân vận “Óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm”.

- Thực hiện tốt Hướng dẫn số 09/HD-ĐCT ngày 6/5/2013 của Đoàn Chủ tịch TW Hội về thực hiện quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên trong hệ thống Hội LHPN Việt Nam; thấm nhuần tư tưởng của Bác Hồ: Việc gì lợi cho dân thì phải ra sức làm, việc gì hại cho dân thì phải hết sức tránh; gương mẫu rèn luyện các phẩm chất đạo đức “Tự tin- Tự trọng- Trung hậu- Đảm đang”. Lấy việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh làm tiêu chí đánh giá cán bộ hàng năm

 

Để giúp hội viên, phụ nữ nắm rõ hơn những lời dạy của Bác, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đăng toàn văn Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

LỜI KÊU GỌI THI ĐUA ÁI QUỐC

Mục đích thi đua ái quốc là gì?

                   Diệt giặc đói khổ,

                   Diệt giặc dốt nát,

                   Diệt giặc ngoại xâm.

Cách làm là, dựa vào:

                   Lực lượng của dân

                   Tinh thần của dân, để gây:

                   Hạnh phúc cho dân.

Vì vậy bổn phận của người dân Việt Nam, bất kỳ sĩ, nông, công, thương, binh; bất kỳ làm việc gì, đều cần phải thi đua.

Làm cho mau

                   Làm cho tốt

                   Làm cho nhiều.

Mỗi người dân Việt-Nam, bất kỳ già, trẻ, trai, gái; bất kỳ giàu, nghèo, lớn, nhỏ, đều cần phải trở nên một người chiến sĩ đấu tranh trên mọi mặt trận: Quân sự, kinh tế, chính trị, văn hóa. Thực hiện khẩu lệnh:

                   Toàn dân kháng chiến

                   Toàn diện kháng chiến

Trong cuộc thi đua ái quốc, chúng ta

                   Vừa kháng chiến

                   Vừa kiến quốc.

Kết quả đầu tiên của thi đua ái quốc là:

                   Toàn dân sẽ đủ ăn đủ mặc.

                   Toàn dân sẽ biết đọc, biết viết.

                   Toàn bộ đội sẽ đầy đủ lương thực, khí giới, để giết giặc ngoại xâm.

                   Toàn quốc sẽ thống nhất độc lập hoàn toàn.

Thế là chúng ta thực hiện:

                   Dân tộc độc lập.

                   Dân quyền tự do.

                   Dân sinh hạnh phúc.

Ba chủ nghĩa mà nhà đại cách mạng Tôn Văn đã nêu ra.

Để đi đến kết quả tốt đẹp đó, tôi xin

                   Các cụ phụ lão thi đua đốc thúc con cháu hăng hái tham gia mọi công việc;

                   Các cháu nhi đồng thi đua học hành và giúp việc người lớn;

                   Đồng bào công thương thi đua mở mang doanh nghiệp;

                   Đồng bào công nông thi đua sản xuất;

Đồng bào trí thức và chuyên môn thi đua sáng tác và phát minh;

                   Nhân viên chính phủ thi đua tận tụy làm việc phụng sự nhân dân;

                   Bộ đội và dân quân thi đua giết cho nhiều giặc, đoạt cho nhiều súng.

Nói tóm lại, ai cũng thi đua, ai cũng tham gia kháng chiến và kiến quốc. Phong trào sôi nổi, thi đua ái quốc sẽ ăn sâu, lan rộng khắp mọi mặt và mọi tầng lớp nhân dân, và sẽ giúp ta dẹp tan mọi nỗi khó khăn và mọi âm mưu của địch để đi đến thắng lợi cuối cùng.

Với tinh thần quật cường và lực lượng vô tận của dân tộc ta, với lòng yêu nước và chí kiên quyết của nhân dân và quân đội ta, chẳng những chúng ta có thể thắng lợi, mà chúng ta nhất định thắng lợi trong thi đua ái quốc.

                   Hỡi toàn thể đồng bào!

                   Hỡi toàn thể chiến sĩ!

                   Tiến lên!

                                                                            

           Ngày 11 tháng 6 năm 1948

HỒ CHÍ MINH

Tin mới
Xem tin theo ngày