Tài liệu tuyên truyền Festival Huế 2018
Ngày cập nhật 04/04/2018

Để tuyên truyền sâu rộng Festival Huế năm 2018 tới cán bộ, hội viên phụ nữ và người dân. Ban thường vụ Hội Liên hiệp phụ nữ chuyển đến các đơn vị “Tài liệu tuyên truyền Festival Huế 2018” do Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ biên soạn

 

 

A. LỜI MỞ ĐẦU

Festival Huế là lễ hội văn hóa, nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và mang tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam, được tổ chức định kỳ 02 năm một lần vào các năm chẵn. Trải qua 9 kỳ tổ chức, Festival Huế đã đạt được những thành quả nhất định, khẳng định vị thế và thương hiệu trong cộng đồng các Festival chuyên nghiệp trên thế giới.

Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản”, khai mạc vào thứ Sáu, ngày 27/4/2018 và bế mạc vào thứ Tư ngày 02/5/2018. Festival Huế lần thứ X là sự kế thừa, khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây, là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa các nền văn hóa của các quốc gia, góp phần tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế.

Nhằm tuyên truyền sâu rộng trong cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hưởng ứng Festival Huế; đồng thời giới thiệu, quảng bá về các vùng miền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam, văn hóa, con người xứ Huế cũng như nhiều nước trên thế giới, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy phối hợp với Trung tâm Festival Huế biên soạn và phát hành “Tài liệu tuyên truyền Festival Huế 2018”.

Tài liệu gồm có những nội dung sau:

- Tổng quan về Festival Huế và một số kết quả nổi bật qua 09 kỳ Festival Huế.

- Giới thiệu về Festival Huế 2018.

Đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, các ban ngành, đoàn thể, các địa phương, đơn vị quan tâm, nhằm góp phần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, thiết thực hưởng ứng các hoạt động Festival Huế 2018.

                                                                                                                                                                 

B. TỔNG QUAN VỀ FESTIVAL HUẾ VÀ MỘT SỐ KẾT QUẢ NỔI BẬT QUA 09 KỲ FESTIVAL

I. MỤC ĐÍCH, Ý NGHĨA CỦA FESTIVAL HUẾ

1. Tổ chức Festival Huế góp phần khẳng định nền văn hóa Việt Nam là thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc Việt Nam. Mỗi dân tộc trên đất nước ta đều có những giá trị và sắc thái văn hóa riêng, các giá trị và sắc thái đó bổ sung cho nhau, làm phong phú nền văn hóa Việt Nam, củng cố sự thống nhất, đoàn kết giữa các dân tộc. Mỗi vùng, miền đều có những nét văn hóa đặc sắc, nổi bật, tạo ra những mảng sắc màu văn hóa hấp dẫn, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa giữa các dân tộc trên đất nước ta.

2. Thông qua Festival Huế nhằm đẩy mạnh việc giới thiệu văn hóa, đất nước và con người Việt Nam với khu vực và thế giới, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa của các nền văn hóa khác, kinh nghiệm bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của cả nước; góp phần tạo dựng, bảo vệ sự đa dạng văn hóa trong xu thế hội nhập quốc tế.

3. Tôn vinh và quảng bá các giá trị văn hóa Việt Nam, truyền thống văn hóa Huế gắn với phát triển kinh tế dịch vụ du lịch, thương mại, củng cố môi trường văn hóa lành mạnh, phong phú với phương châm: an toàn, bình đẳng, thân thiện và nhân văn.

4. Festival Huế là lễ hội đương đại đầu tiên ở Việt Nam được phát triển trên khái niệm mới về lễ hội, lấy mô hình Festival của các thành phố nổi tiếng trên thế giới làm hình mẫu tổ chức. Festival Huế không chỉ là nơi diễn ra các chương trình nghệ thuật phong phú, hấp dẫn, đại diện và mang dấu ấn nhiều nền văn hóa trên thế giới để người dân và du khách cùng được tham gia và hưởng thụ, mà còn góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội cộng đồng, các loại hình nghệ thuật,… được dày công tái hiện, tôn tạo, gìn giữ và phát huy.

II. QUÁ TRÌNH HÌNH THÀNH VÀ TỔ CHỨC FESTIVAL HUẾ

1. Quá trình hình thành Festival Huế

Từ cuối năm 1998 - thời điểm chuẩn bị bước vào thế kỷ XXI và thiên niên kỷ mới, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế với sự phối hợp, hỗ trợ của Chính phủ Pháp và Đại sứ quán nước Cộng hòa Pháp tại Việt Nam, sự giúp đỡ trực tiếp của Bộ Văn hóa - Thông tin, Tổng cục Du lịch, Bộ Ngoại giao và các bộ, ban, ngành đã chính thức đề nghị Chính phủ cho phép tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức Festival Huế 2000 - một lễ hội văn hóa - nghệ thuật, du lịch có quy mô quốc gia và tính quốc tế đầu tiên ở Việt Nam.

Sau thành công của Festival Huế 2000, Festival Huế 2002 tiếp tục được tổ chức với sự phối hợp giữa tỉnh Thiên Thiên Huế và Đại sứ quán Cộng hòa Pháp, sự tham gia của  nhiều nước ASEAN và các đối tác Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, tạo tiếng vang lớn trong và ngoài nước, làm cơ sở để Chính phủ cho phép xây dựng thành phố Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của Việt Nam và tiếp tục chỉ đạo tổ chức các kỳ Festival quốc tế định kỳ 2 năm 1 lần.

2. Các kỳ Festival Huế

- Festival Huế 2000 có sự tham gia của hơn 30 đơn vị nghệ thuật của Việt Nam và Pháp với trên 1.000 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp và không chuyên, thu hút hơn 410.000 lượt người tham dự, trong đó có 6.000 lượt khách quốc tế. Đây thực sự là ngày hội văn hóa, nghệ thuật, một đợt tổng diễn tập hoạt động giao lưu về văn hóa, mang ý nghĩa chính trị, ngoại giao, kinh tế, văn hóa sâu sắc, là hoạt động thí điểm quan trọng để rút kinh nghiệm, chỉ đạo các kỳ Festival tiếp theo.

- Festival Huế 2002 tiếp tục phát triển với chủ đề “Khám phá nghệ thuật sống của Cố đô Huế” có sự tham gia của 33 đoàn nghệ thuật tiêu biểu đến từ các quốc gia: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Campuchia và các đoàn nghệ thuật trong nước, gồm 1.554 nghệ sĩ, diễn viên, cán bộ kỹ thuật, thu hút trên 1 triệu lượt người tham dự, trong đó có 18.000 lượt khách quốc tế (tăng gấp 3 lần so với Festival 2000). Festival Huế 2002 đã tạo được tiếng vang lớn, mang tầm quốc gia và quốc tế, tạo cơ hội cho ý tưởng xây dựng Huế trở thành thành phố Festival đặc trưng của  Việt Nam được hình thành.

- Festival Huế 2004 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, quy tụ 15 đoàn nghệ thuật đến từ các quốc gia: Pháp, Trung Quốc, Argentina, Australia, Ấn Độ, Đức, Mỹ,… và 25 đoàn nghệ thuật trong nước, với 1.300 diễn viên chuyên nghiệp, gần 2.000 diễn viên không chuyên, cán bộ kỹ thuật, thu hút 1,2 triệu lượt người tham dự, trong đó có 11.950 lượt khách quốc tế, là dịp để tôn vinh Nhã nhạc Cung đình Huế - kiệt tác văn hóa phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại vừa được UNESCO công nhận, khẳng định lợi thế của một thành phố Festival của Việt Nam.

- Festival Huế 2006 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - 700 năm Thuận  Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế” đã quy tụ 1.400 nghệ sĩ, diễn viên của 22 đoàn nghệ thuật trong nước, 22 đoàn nghệ thuật quốc tế đến từ các quốc gia: Pháp, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Indonesia, Thái Lan, Lào, Anh, Nga, Australia, Argentina. Festival Huế 2006 phát huy những kết quả và kinh nghiệm của các kỳ Festival trước đã mang đến cho công chúng 138 suất diễn, trên 40 hoạt động văn hóa và lễ hội có quy mô lớn, đảm bảo các yêu cầu: dân tộc, hiện đại, hoành tráng, hấp dẫn và an toàn, thể hiện đẳng cấp của một Festival chuyên nghiệp và có tính quốc tế của Việt Nam.

- Festival Huế 2008 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển” đã hội tụ tinh hoa của 62 đoàn nghệ thuật đến từ các vùng miền Việt Nam và quốc tế, các nghệ sĩ biểu diễn, các nhạc sĩ, họa sĩ và các nhà điêu khắc đến từ 23 quốc gia. Hơn 2.500 diễn viên, nghệ sĩ chuyên nghiệp và hơn 5.000 diễn viên quần chúng đã đem đến cho khán giả 164 suất diễn (86 suất diễn quốc tế) đặc sắc, 10 buổi quảng diễn đường phố sôi động, 9 lễ hội chính thức, hàng chục lễ hội cộng đồng ở các địa phương trong tỉnh và trên 40 cuộc triển lãm, trưng bày, nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, các hoạt động âm nhạc đường phố, hoạt động thể thao, hoạt động ẩm thực,... thu hút gần 2 triệu lượt người tham dự, trong đó có 150.000 lượt khách trong nước, 30.000 lượt khách quốc tế đến từ 75 quốc gia và vùng lãnh thổ. Festival Huế 2008 tiếp tục khai thác, tôn vinh những giá trị văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế, quảng bá có hiệu quả với bạn bè trong nước và quốc tế hình ảnh Huế, tổ chức quy mô hoành tráng, có chất lượng, thể hiện được nội dung và tiêu chí “Truyền thống, hiện đại, hoành tráng, lộng lẫy, ấn tượng và an toàn”.

- Festival Huế 2010 với chủ đề “Di sản văn hóa, hội nhập và phát triển, hướng đến 1000 năm Thăng Long - Hà Nội” là nơi hội tụ 70 đoàn nghệ thuật đến từ những vùng miền của Việt Nam và 28 đất nước thuộc 5 châu lục trên thế giới. Có 10 lễ hội chính với 2 lễ hội mới: Hành trình mở cõi, Cuộc thao diễn thủy binh dưới thời các chúa Nguyễn; 198 suất diễn tại 29 sân khấu ở Đại Nội, Cung An Định và một số sân khấu khác trên toàn tỉnh; 34 hoạt động cộng đồng và 20 hoạt động hưởng ứng với 6 loại hình: nghệ thuật sắp đặt, trình diễn nghệ thuật, lễ hội cộng đồng, hội chợ, trưng bày và triển lãm mỹ thuật và hoạt động thể dục thể thao. Thu hút gần 3 triệu lượt người tham dự, trong đó có trên 130.000 khách lưu trú các khách sạn tại Huế, trong đó khách quốc tế trên 30.000 người, chiếm 23,8% tổng lượt khách.

Bằng tất cả sự đam mê, tâm huyết, nhiệt tình và tài năng, 6.500 nghệ sĩ, diễn viên chuyên nghiệp, nghiệp dư, diễn viên quần chúng đã đem đến cho khán giả hàng trăm buổi biểu diễn nghệ thuật và các lễ hội dân gian, cung đình và cùng các hoạt động triển lãm, hội chợ,… Festival Huế hấp dẫn công chúng bởi tính truyền thống - hiện đại - ấn tượng và an toàn

- Festival Huế 2012: với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - Nơi gặp gỡ của các thành phố lịch sử”, Festival Huế 2012 là điểm nhấn của Năm du lịch quốc gia Duyên hải Bắc Trung bộ Huế - 2012.

Nét mới trong Festival Huế 2012 là bên cạnh Lễ Tế giao, Lễ hội Áo dài, chương trình nghệ thuật trong lễ khai mạc, lễ bế mạc,... còn có các chương trình sân khấu hóa “Thiên Hạ Thái Bình” (diễn xướng cung đình và lễ hội đèn lồng, hoa đăng), chương trình “Đêm Phương Đông”,... Nằm trong chương trình Năm Du lịch quốc gia, mà điểm nhấn là Festival Huế, tỉnh còn đăng cai tổ chức nhiều họat động văn hóa đặc sắc khác, như: Sao Mai điểm hẹn 2012, Liên hoan sân khấu Kịch nói toàn quốc, Liên hoan Hợp xướng quốc tế lần thứ II tại Việt Nam, Lễ hội Phật Đản và Lễ hội Hoa đăng Huế 2012, Lễ hội Điện Huệ Nam, Ấn tượng Mưa Huế,... đã có trên 65 đoàn, nhóm nghệ thuật đa sắc màu văn hóa đến từ 28 quốc gia, vùng lãnh thổ của 5 châu lục và Việt Nam đã trình diễn các chương trình nghệ thuật, các hoạt động văn hóa đặc sắc, ấn tượng; đã thu hút trên 2 triệu lượt khách, công suất buồng phòng đạt hơn 81%, trong đó có hơn 80 nghìn lượt khách quốc tế, tăng 62% so với cùng kỳ 2011, đồng thời tăng hơn 54% so với Festival Huế 2010 và khách quốc tế tăng gấp 3 lần so với Festival Huế 2010. Trong 9 ngày diễn ra Festival, số lượng khách tham quan các di tích Huế đạt 79.626 lượt, trong đó có 38.874 lượt khách quốc tế.

Festival Huế 2012 hấp dẫn bởi tính truyền thống, ấn tượng và đầy nhân văn.

- Festival Huế 2014 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển”, hội tụ các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại đến từ 37 quốc gia của cả 5 châu lục. Đây là kỳ Festival Huế có số nghệ sĩ, đoàn nghệ thuật và quốc gia tham dự nhiều nhất từ trước đến nay. Gần 100 chương trình nghệ thuật tiêu biểu với 170 suất diễn mang các lễ hội đầy màu sắc và trên 50 hoạt động văn hóa cộng đồng phong phú, đa dạng diễn ra liên tục tại 15 sân khấu trên địa bàn thành phố và 10 địa điểm khác ở các huyện, thị xã trên toàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

Festival Huế lần thứ 8 - 2014 đã thực sự lan tỏa sâu rộng trong lòng công chúng trong nước và quốc tế, vượt qua khoảng cách không gian, thời gian, ngôn ngữ để mọi người đến gần với nhau hơn, với sự hiểu biết, yêu thương và đoàn kết. Một lần nữa khẳng định Huế là thành phố Festival của Việt Nam, là trung tâm văn hóa có ảnh hưởng lan tỏa và hội tụ, luôn mở rộng vòng tay đón bạn bè bốn phương về với Huế để cùng nhau khoe sắc đua tài, để chứng kiến một thành phố ngày một đổi thay trên bước đường hội nhập và phát triển, tiếp tục khẳng định vị thế, đẳng cấp và tiêu chí “ấn tượng, thân thiện, an toàn và đầy tính nhân văn”.

Festival Huế 2014 thu hút hơn 2,4 triệu lượt người tham dự, trong đó có hơn 23 vạn khách lưu trú tăng hơn 25% so với Festival Huế 2012, hơn 10 vạn khách quốc tế là công dân đến từ 115 quốc gia và vùng lãnh thổ,... Đó là những con số biết nói thể hiện tất cả sự phong phú, đa dạng, có sức cuốn hút cao của các chương trình tạo cho Festival Huế tầm vóc của một lễ hội quốc gia và quốc tế, một lễ hội văn hóa lớn có sức quy tụ, cuốn hút và lan tỏa trong xu hướng chủ động hội nhập và tăng cường giao lưu văn hóa mà Festival Huế 2014 mang lại.

- Festival Huế 2016: là câu chuyện kể lại lịch sử trải dài hơn 7 thế kỷ của đất Cố đô với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển - 710 năm Thuận Hóa - Phú Xuân - Thừa Thiên Huế”.

Sau 6 ngày đêm, toàn tỉnh Thừa Thiên Huế náo nức trong bầu không khí lễ hội với nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc, ấn tượng, đa sắc màu văn hóa, tạo nên diện mạo, sức sống mới của vùng đất Cố đô.

Festival Huế 2016 có sự hiện diện của gần 1.200 nghệ sĩ, diễn viên (trong đó có 271 nghệ sĩ quốc tế, gần 900 diễn viên, nghệ sĩ trong nước) và hàng ngàn nghệ sĩ, diễn viên quần chúng tham gia các hoạt động khác tại Festival Huế, đã đem lại sự phong phú, đa dạng. Có 53 chương trình nghệ thuật tiêu biểu (74 suất diễn) với các lễ hội đầy màu sắc và gần 50 hoạt động văn hóa cộng đồng diễn ra liên tục trong 6 ngày đêm tại 21 sân khấu và điểm diễn trên địa bàn Thừa Thiên Huế. Festival Huế là cơ hội để thể hiện và giao lưu văn hóa của Việt Nam, giới thiệu nghệ thuật ca múa nhạc Cung đình và các làn điệu dân ca độc đáo của Huế, các chương trình nghệ thuật truyền thống và đương đại chất lượng cao của 21 đoàn nghệ thuật đến từ 17 quốc gia trên thế giới, cùng 9 đơn vị nghệ thuật của nước chủ nhà Việt Nam.

Nhiều chương trình, lễ hội chính đã thu hút hàng chục ngàn khán giả tham dự, như: chương trình Khai mạc, Bế mạc, Đêm Hoàng Cung, Âm nhạc Trịnh Công Sơn, Lễ hội đường phố Đông Á - Mỹ Latinh, Quảng diễn đường phố của đoàn L’Homme Debout, Chương trình Áo dài “Nơi huyền thoại bắt đầu”, Liveshow “Lửa Cố đô”, Lễ hội Quảng Chiếu, Huế dịu dàng - Về miền Hương Ngự,… Ngoài ra, các hoạt động hưởng ứng tại Festival Huế 2016  đã thu hút số lượng lớn khán giả tham gia: Hội chợ Thương mại quốc tế với trên 100.000 lượt; Chợ quê ngày hội có khoảng 120.000 lượt; Hương xưa làng cổ trên 10.000 lượt; Liên hoan Ẩm thực Quốc tế có trên 100.000 lượt; Sắc màu tuổi thơ với 5.000 lượt; Festival Khoa học có khoảng 2.000 lượt.

3. Một số kết quả đạt được qua 09 kỳ Festival Huế

Thương hiệu Festival Huế đã lan tỏa và khẳng định trong lòng bạn bè trong nước và quốc tế. Từ Festival năm 2000 chỉ có 15 đoàn và nhóm nghệ sĩ trong nước, 7 đoàn nghệ thuật quốc tế, thì qua 9 lần tổ chức đã có mặt 53 nhà hát, đoàn nghệ thuật, nhóm nghệ thuật đến từ khắp các vùng văn hóa tiêu biểu của Việt Nam và trên 60 đoàn nghệ thuật tiêu biểu của 47 quốc gia ở cả 5 châu lục hội tụ về Huế và từ Huế nhiều đoàn còn kết hợp biểu diễn ở các tỉnh, thành phố khác.

Công chúng Việt Nam có cơ hội tiếp cận nghệ thuật đặc sắc, độc đáo của nhiều đoàn nghệ thuật mang dấu ấn nhiều nền văn hoá khác nhau trên thế giới, mà đẳng cấp họ ở tốp đầu các Festival quốc tế. Cùng với Festival, Huế đã góp công sức để các lễ hội cung đình, lễ hội dân gian, lễ hội mới, các loại hình nghệ thuật, cả nghệ thuật sống, được dày công tôn tạo, gìn giữ và phát triển. Festival quảng bá cho Huế, cho di sản độc đáo của Huế, tất yếu góp phần rất đáng kể tác động tốt cho thương hiệu Huế.

     Việc khai thác và phát huy giá trị di sản cũng đã thúc đẩy phục hồi các ngành nghề thủ công, các nghi lễ và nghệ thuật truyền thống đáp ứng công tác bảo tồn và cả nhu cầu của khách du lịch. Di sản văn hóa làm nền tảng cho Festival, ngược lại Festival làm cho di sản Huế đến với công chúng nhiều hơn. Chương trình Festival Huế được tổ chức chính là sự minh chứng cho thành công mà Huế đã đạt được trong việc phục hồi các công trình kiến trúc của quá khứ cùng với việc sống lại các truyền thống văn hóa trước đây. Thông qua các chương trình, hoạt động văn hóa, nghệ thuật là cơ hội thúc đẩy ngành du lịch phát triển, đồng thời là cơ hội để quảng bá các giá trị văn hóa đến với công chúng. Festival nối kết giữa Huế trong lịch sử và Huế hiện tại để khẳng định một Huế tương lai; minh chứng cho sự thành công đã đạt được trong việc phục hồi lại các công trình kiến trúc của quá khứ và làm sống lại các truyền thống văn hóa trước đây,... Festival cũng đã nối kết giữa Huế, Việt Nam và thế giới. Không chỉ từ Festival, mà với nỗ lực của các ngành, ngày nay Nhã nhạc cung đình, múa cung đình, ca Huế, diều Huế, lân Huế, nón Huế, áo dài, hoa giấy Thanh Tiên, tranh pháp lam, vải Zèng Huế,... đã trở thành quen thuộc và thu hút công chúng khắp nơi khi xuất hiện nhiều trong các sự kiện nghệ thuật của Việt Nam ở các nước. Nhiều lễ hội tổ chức trong các kỳ Festival như một thương hiệu, hoặc tổ chức song hành đã để lại những dấu ấn khó quên. Đặc biệt lần đầu tiên, các đoàn nghệ thuật tên tuổi trong nước và quốc tế đã đưa không khí Festival về các vùng quê xa xôi nhất đến khán giả hâm mộ; vào bệnh viện với đông đảo bệnh nhân và y bác sĩ, những khán giả trên xe lăn, lủng lẳng bình chuyền dịch; hoặc những xuất diễn riêng cho lực lượng vũ trang, cho công nhân xem vì buổi tối họ phải làm nhiệm vụ,...

Qua các kỳ Festival, lượng khách du lịch đến Huế tăng cao và người dân được hưởng lợi trong dịch vụ kinh doanh du lịch, trước hết là sử dụng khách sạn, tỷ lệ buồng phòng cao hơn, sau đó là lĩnh vực ẩm thực. Cứ mỗi lần diễn ra Festival thì cơ sở hạ tầng, đường phố được sửa sang, nâng cấp; các công trình văn hóa được được chỉnh sửa, tu bổ lại. Sau các kỳ Festival được tổ chức, bộ mặt đô thị Huế khang trang hơn, đẹp hơn.

Festival Huế là sự kiện lớn bao gồm một chuỗi sự kiện, hoạt động, nhằm xây dựng thương hiệu địa phương, vì thế phải đạt một số yếu tố: Sự kiện mở, giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng đồng thời luôn gắn giao lưu với các giá trị văn hóa đa dạng của bạn bè quốc tế; Festival Huế phải hướng đến mục tiêu phục vụ cộng đồng, nhận được sự đồng cảm và tham gia tích cực của người dân Huế; chương trình phải mang hàm lượng văn hoá cao, phải bảo đảm mục tiêu chính là nhận dạng được thương hiệu Huế. Qua chủ đề xuyên suốt 9 lần tổ chức và những yêu cầu về chất lượng có tính nguyên tắc, Festival Huế luôn cố gắng để từng bước xác lập với người xem những yếu tố mang bản sắc của thương hiệu: Di sản, đậm đà truyền thống và phong cách Huế; hướng đến chất lượng đẳng cấp của nghệ thuật; tính trữ tình, lãng mạn, sâu sắc và tinh tế trong không gian tổng thể và trong kết cấu nội dung.

 

C. FESTIVAL HUẾ 2018

1. Mục đích, ý nghĩa của Festival Huế 2018

Festival Huế diễn ra trong năm 2018, gắn kết với nhiều sự kiện lịch sử văn hóa có ý nghĩa của Thừa Thiên Huế và của đất nước: kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788-2018); 50 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968-2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới (1993-2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác di sản văn hóa Phi vật thể và Truyền khẩu của nhân loại (2003-2018).

2. Chủ đề, thời gian, quy mô chương trình Festival Huế 2018

- Chủ đề: “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển,  Huế - 1 điểm đến 5 di sản”.

- Thời gian: Festival Huế diễn ra trong 6 ngày, từ 27/4 đến 02/5/2018.

- Quy mô: Festival Huế 2018 được tổ chức mang tầm quốc gia và quốc tế, quy tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hóa khác nhau trên thế giới. Trong đó tập trung nhấn mạnh về tinh hóa văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế.

Festival Huế 2018 sẽ có mặt hơn 20 đoàn nghệ thuật quốc tế với nhiều hoại hình phong phú, đa dạng đến từ các quốc gia, như: Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philipinnes, Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ, Slovakia, Brazil, Colombia, Mexico, Peru, Chile, Australia, Morocco,… hứa hẹn mang đến những chương trình biểu diễn hấp dẫn, đa sắc màu văn hóa.

Các đoàn nghệ thuật tiêu biểu đại diện các vùng miền trên cả nước, các nhóm nghệ sĩ có phong cách mới lạ từ Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, cùng với lực lượng văn nghệ sĩ của Thừa Thiên Huế sẽ phô diễn nét độc đáo, tinh tế và sự đa dạng về nghệ thuật truyền thống và đương đại của Việt Nam trên con đường hội nhập và phát triển.

3. Những lễ hội chính

Festival Huế 2018 tập trung khai thác không gian văn hóa truyền thống của các kỳ Festival trước đây. Trung tâm Đại Nội là hạt nhân của các kỳ Festival Huế với các sân khấu ngoài trời và trong nhà, quy tụ các chương trình nghệ thuật đặc sắc của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế. Các sân khấu ở Cung An Định, Quảng trường Ngọ Môn, Bia Quốc Học, các sân khấu cộng đồng trên địa bàn thành phố Huế và một số huyện, thị xã, các đoàn nghệ thuật đường phố nổi tiếng sẽ tạo không khí sôi động trong suốt thời gian diễn ra Festival.

Nhiều chương trình nghệ thuật, lễ hội có chất lượng tốt, quy mô lớn, độc đáo, hoành tráng sẽ diễn ra trong 6 ngày đêm:

Lễ Khai mạc: 20h00 ngày 27/4/2018.

Lễ Tế giao: 03h00 ngày 27/4/2018 tại Đàn Nam Giao.

- Chương trình nghệ thuật “Văn hiến Kinh kỳ”: 19h00 ngày 28/4 và 30/4/2018 tại Đại Nội Huế.

- Yến tiệc Hoàng cung: 19h30 các ngày 27,28,29,30/4 & 1,2/5/2018 tại Duyệt Thị Đường - Đại Nội.

- Lễ hội đường phố “Sắc màu văn hóa”: 15h30 các ngày 28,29,30/4 và 1/5/2018.

- Chương trình nghệ thuật “Tỏa sáng niềm tin”: 19h30 ngày 30/4/2018 tại Công viên cầu Dã Viên.

- Chương trình Âm nhạc Trịnh Công Sơn: 20h00 ngày 28/4/2018 tại Phu Văn Lâu.

- Chương trình nghệ thuật “Âm vọng sông Hương”: 20h05 ngày 29/4/2018 tại Ngã ba sông Gia Hội - công viên Trịnh Công Sơn.

- Chương trình “Những tình khúc Huế”: 19h30 ngày 01/5/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh.

- Liên hoan “Hát Văn, hát Chầu văn toàn quốc”:
các ngày 26,27,28,29/4/2018 tại Trung tâm Văn hóa Thông tin tỉnh.

- Lễ Bế mạc: 20h00 ngày 02/5/2018 tại Quảng trường Ngọ Môn.

Bên cạnh đó, còn có các sự kiện, chương trình hưởng ứng Festival, các chương trình xã hội hóa, các hoạt động văn hóa cộng đồng: Festival Khoa học “Khoa học sức khỏe phục vụ chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng” (Đại học Y Dược Huế); Liên hoan Ẩm thực Quốc tế - Huế 2018; Hội chợ “Thương mại Quốc tế Festival Huế 2018”; các lễ hội: “Hương xưa làng cổ” (làng cổ Phước Tích, huyện Phong Điền), “Sóng nước Tam Giang” (huyện Quảng Điền), “Chợ quê ngày hội” (tại Cầu ngói Thanh Toàn, thị xã Hương Thủy); chương trình biểu diễn nghệ thuật của các nhóm nhạc và các câu lạc bộ tại các tuyến phố đi bộ.

Một số lễ hội cung đình và các lễ hội khác được tổ chức trước và sau Festival sẽ tiếp tục được thực hiện trên cơ sở hoàn chỉnh nội dung và nâng cao chất lượng: Lễ Tế Giao, Lễ Tế Xã Tắc; Lễ hội Đền Huyền Trân, Lễ hội Điện Hòn Chén, Lễ Phật Đản,…

Các tour, tuyến du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái khám phá vẻ đẹp của vùng đất, từ Lăng Cô - vịnh đẹp thế giới, đến vùng cao A Lưới, Nam Đông và vùng đầm phá Tam Giang, Cầu Hai.

Festival Huế 2018 là sự kiện văn hóa có ý nghĩa lớn với các hoạt động văn hóa, lễ hội và nghệ thuật có tính cộng đồng cao, hứa hẹn là sự kiện hấp dẫn, có sức thu hút mạnh mẽ đối với du khách trong và ngoài nước.

 

D. MỘT SỐ HOẠT ĐỘNG CHỦ YẾU CỦA FESTIVAL HUẾ 2018

1. Một số chương trình nghệ thuật lớn

a. Chương trình nghệ thuật:

- Chương trình Khai mạc và Bế mạc:

Lễ Khai mạc và Bế mạc Festival Huế 2018 do Nghệ sĩ Nhân dân Ngọc Bình làm Tổng đạo diễn. Chương trình là sự kết nối “các tiết mục thể hiện nét vui tươi, mang tính nghệ thuật cao và đáp ứng nhu cầu thưởng thức văn hóa của nhân dân và du khách”. Đây cũng là điểm nhấn ở Festival Huế 2018, nhằm giới thiệu những nét độc đáo, tinh hoa văn hóa Việt Nam, văn hóa Huế đến bạn bè trong nước và quốc tế, trong đó có sự gắn kết, tham gia của những đoàn nghệ thuật quốc tế tiêu biểu, đầy màu sắc và hấp dẫn.

- Chương trình giao lưu của các đoàn nghệ thuật trong nước và quốc tế:

Tập trung tại 04 sân khấu trong khu vực Đại Nội vào tối 29/4 và 01/5/2018 và 01 sân khấu tại Cung An Định diễn ra vào các tối 28, 29, 30/4 và 01/5/2018. Ngoài ra một số đoàn trong nước và quốc tế sẽ được đưa ra biểu diễn phục vụ ở sân khấu giao lưu tại Quảng trường Ngọ Môn, Bia Quốc Học, Công viên Phú Cát, Công viên Tứ Tượng,… vào các ngày diễn ra Festival với các chương trình nghệ thuật đặc sắc, đối tượng.

b. Các hoạt động lễ hội cộng đồng, đồng hành, hưởng ứng:

- Lễ hội thiếu nhi: “Sắc màu tuổi thơ” (Nhà thiếu nhi Huế): từ ngày 28/4 đến ngày 30/4/2018 tại Nhà Thiếu nhi Huế và Công viên Lý Tự Trọng,

- Lễ hội Diều (Trung tâm TDTT Thành phố Huế): từ ngày 27/4 đến 02/5/2018 tại Công viên Phu Văn Lâu.

- Lễ hội đua thuyền truyền thống (Sở VH&TT): vào lúc 7h00 ngày 02/5/2018 tại Công viên Lý Tự Trọng (trước Trường PTTH Hai Bà Trưng).

- Lễ hội “Chợ quê ngày hội”:  từ ngày 28/4 đến 2/5/2018 tại Cầu Ngói Thanh Toàn (xã Thủy Thanh, Thị xã Hương Thủy). 

- Lễ hội “Hương xưa Làng cổ”: (dự kiến) từ ngày 29/4 đến 01/5/2018 tại Làng cổ Phước Tích, xã Phong Hòa, huyện Phong Điền.

- Lễ hội “Sóng nước Tam Giang”: từ ngày 24 đến 26/4/2018 (trước Festival Huế 2018) tại: Khu Dịch vụ Đông Quảng Lợi; đê Tây phá Tam Giang; Thôn Bác Vọng Đông, Bác Vọng Tây.

- Lễ hội “Thuận An Biển gọi”: Dự kiến từ ngày 30/4 đến ngày 02/5/2018 tại Bãi tắm Thuận An và các khu vực phụ cận.

- Festival Khoa học “Khoa học sức khỏe phục vụ chăm sóc y tế và sức khỏe cộng đồng”: do Đại học Y Dược Huế tổ chức từ ngày 27/4 đến ngày 29/4/2018 tại Hội trường Đại học Y Dược Huế.

- Festival Khoa học về bệnh lý Đái tháo đường và Rối loạn chuyển hóa Việt Nam 2018: do Hội Nội tiết và Đái tháo đường tỉnh tổ chức từ ngày 31/3 đến ngày 01/4/2018 tại Bệnh viện Trung ương Huế.

- Hội thảo Khoa học Quốc tế “Ẩm thực Cung đình - Dân gian Huế” tổ chức ngày 29/4/2018 tại Khách sạn Indochine Palace Huế.

- Liên hoan Ẩm thực Quốc tế - Huế 2018: do Hiệp hội Du lịch Thừa Thiên Huế tổ chức từ ngày 25/4 đến 29/4/2018 tại Công viên Thương Bạc.

- Lễ hội Bia: do Công ty Bia Carlsberg tổ chức từ ngày 28/4 đến 01/5/2018 tại Công viên 3/2.

- Hội thảo Ẩm thực Quốc tế và tổ chức trưng bày 100 món ăn Cung đình (Công ty Phú Đạt Gia phối hợp với Trung tâm BTDTCĐ Huế tổ chức) tại Cung Trường Sanh, Đại Nội.

 - Không gian ẩm thực chay: tổ chức từ ngày 27/4-02/5/2018 tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán do Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức.

- Hội chợ Thương mại Quốc tế: do Sở Công Thương triển khai xây dựng kế hoạch tổ chức từ ngày 27/4-02/5/2018.

- Festival “Hiphop Urban Jam 2018”: tổ chức từ ngày 30/4-01/5/2018 chương trình do Công ty TNHH Truyền thông Vạn Phúc đăng ký.

c. Triển lãm, Trưng bày:

- Triển lãm “Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế qua nghệ thuật Trúc chỉ”.

- Triển lãm “Huế - 1 điểm đến 5 di sản” tại khu vực Tả Vu, Đại Nội.

- Triển lãm “Thái y viện triều Nguyễn qua châu bản”.

- Triển lãm “Hương sắc gốm Bát Tràng”.

- Triển lãm mỹ thuật Huế - Sài Gòn - Hà Nội.

- Triển lãm mỹ thuật “Lại về Lại” 2018.

- Triển lãm “Thái y viện triều Nguyễn qua di sản tư liệu thế giới tại Việt Nam”.

- Trưng bày chuyên đề “Sưu tập đồ sứ ký kiểu thời
Lê Trịnh
”.

- Trưng bày cổ vật Phật giáo tại Trung tâm Văn hóa Phật giáo Liễu Quán.

- Trưng bày “Phong lan và Cây cảnh ba miền”.

- Cuộc thi ảnh nghệ thuật “Di sản Văn hóa với hội nhập và phát triển”.

d. Hoạt động Thể thao:

- Giải vô địch quần vợt đồng đội quốc gia (Sở VH&TT): Từ 20/4 đến ngày 26/4/2018 tại An Cựu City, thành phố Huế.

- Giải quần vợt quốc tế Men’s Future (Sở VH&TT): từ 27/4 đến 28/4 tại sân quần vợt An Cựu City.

- Thi đấu cờ người (Trung tâm TDTT Thành phố Huế): Từ 15h30 đến 17h30 vào các ngày 28/4 và 30/4/2018 tại Công viên Thương Bạc.

- Giải bóng đá bãi biển mở rộng trong chương trình Lễ hội “Thuận An Biển gọi” từ ngày 28/4 đến ngày 02/5/2018 tại Bãi biển Thuận An (Sở VH&TT).

2. Các đoàn nghệ thuật tham gia Festival Huế 2018

Ban Tổ chức đã gửi thư mời và kết nối với 20 đối tác quốc tế tham gia Festival Huế 2018, trong đó:

Châu Á (7): Hàn Quốc, Israel, Mông Cổ, Nhật Bản, Thái Lan, Trung Quốc, Philippines; Châu Âu (6): Anh, Đan Mạch, Nga, Pháp, Tây Ban Nha, Bỉ;  Châu Mỹ (6): Brazil, Colombia, Hoa Kỳ, Mexico, Peru, Chilê; Châu Úc (1): Úc.

Đến nay, đã xác định các đoàn cụ thể như sau:

- Pháp: Ban nhạc Rock Lysistrata - Pháp (quán quân Rock năm 2017); nhóm Beatbox/Acapela Berywam (quán quân tại Pháp năm 2016); Vùng Nouvelle-Aquitaine: Triển lãm truyện tranh và hình ảnh của Hãng Cité Internationale.

Bỉ: Nghệ sĩ trình diễn nghệ thuật thị giác Gwendoline Robin, của Wallonie - Bruxelles; Đoàn cà kheo vùng Flamans;

- Nga: Đoàn múa dân gian Sibirskye Uzory (Họa tiết Sibiri).

Slovakia: Đoàn nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc Urpin.

Đan Mạch: Ban nhạc Sounds From The Nothern Winds.

Tây Ban Nha: Nghệ sĩ Guitar Flamenco Daniel Casares.

Ba Lan: Đoàn múa dân gian Neptune.

Trung Quốc: Đoàn nghệ thuật Học viện Nghệ thuật chuyên nghiệp Chiết Giang.

Hàn Quốc: Đoàn múa của Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc; Các chương trình không gian văn hóa Hàn Quốc do Hiệp hội Ngành nghề Truyền thống Hàn Quốc đăng ký.

Nhật Bản: Đoàn Nghệ thuật múa Sư tử Yaese, Okinawa.

Mông Cổ: Cung Văn hóa Trung ương Mông Cổ.

Israel: Ca sĩ NoA.

Thái Lan: Đoàn nghệ thuật Phaka Lumduan.

Sri Lanka: Đoàn múa Ranranga.

Mêhicô: Ban nhạc truyền thống Nematatlin.

Colombia: Ban nhạc Pambil.

Úc: Ca sĩ Deni Hines.

Ma Rốc: Nhóm nhạc Majid Bekkas.

Về phía Việt Nam, Festival Huế 2018 hội tụ các đoàn nghệ thuật và nhóm nghệ sĩ đại diện cho các vùng miền trên khắp cả nước: Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen TP Hồ Chí Minh, Nhà hát Ca múa nhạc dân gian Việt Bắc, Đoàn Ca múa nhạc Đắc Lắc, Liên Đoàn Xiếc Việt Nam, Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh Đà Nẵng, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy dân ca xứ Nghệ, Đoàn nghệ thuật truyền thống Quảng Bình, nhóm nhạc Đường Chân Trời, một số nghệ sĩ và nhóm nghệ thuật tiêu biểu về phong cách khác ở Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Ngoài ra các đoàn của tỉnh sẽ tham gia, gồm Nhà hát Ca kịch Huế, Nhà hát Cung đình Huế,...

 

 

E. ĐIỂM MỚI CỦA FESTIVAL HUẾ 2018

Ngay từ khi lần đầu tiên được tổ chức cho đến Festival 2018 là Festival lần thứ 10 được tổ chức, Festival Huế luôn giữ vững định hướng của lãnh đạo tỉnh đề ra là giới thiệu được bản sắc và các giá trị văn hóa Huế, văn hóa Việt Nam, nhưng cách thể hiện, cấu trúc chương trình và không gian diễn xướng thì luôn mới.

Festival Huế 2018 với chủ đề “Di sản văn hóa với hội nhập và phát triển, Huế - 1 điểm đến 5 di sản” sẽ được diễn ra từ ngày 27/4 đến ngày 02/5/2018 là sự kế thừa và khẳng định thành công của các kỳ Festival trước đây; là nơi hội tụ, giao lưu nghệ thuật giữa nền văn hóa của nhiều quốc gia khắp các châu lục, nhằm tiếp tục đẩy mạnh quan hệ giao lưu quốc tế; giới thiệu, quảng bá những giá trị đặc sắc văn hoá Việt Nam, văn hoá Huế, đẩy mạnh phát triển dịch vụ - du lịch, phát triển kinh tế - xã hội của Thừa Thiên Huế trong tiến trình chủ động và tích cực hội nhập quốc tế. 

Festival Huế 2018 còn gắn kết với các sự kiện chính trị, lịch sử văn hóa của Thừa Thiên Huế và quốc gia trong năm 2018: Kỷ niệm 50 năm Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân (1968 - 2018); Kỷ niệm 230 năm sự kiện Nguyễn Huệ lên ngôi Hoàng đế tại Núi Bân (1788 - 2018); 25 năm quần thể Di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới (1993 - 2018); 15 năm Âm nhạc Cung đình Huế được UNESCO công nhận là kiệt tác văn hóa phi vật thể của nhân loại (2003 - 2018).

Festival Huế 2018 được tổ chức với qui mô quốc gia và quốc tế, qui tụ những chương trình nghệ thuật đặc sắc, đại diện và mang dấu ấn của những vùng văn hoá khác nhau trên thế giới, trong đó, tập trung văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đặc biệt là di sản văn hóa Huế. Hiện nay, Cố đô Huế có 5 Di sản Thế giới được UNESCO công nhận đó là: Quần thể Di tích Cố đô Huế - 1993, Nhã nhạc Cung đình Huế - 2003, Mộc bản triều Nguyễn - 2010, Châu bản triều Nguyễn - 2014, Thơ văn trên kiến trúc Cung đình Huế - 2016. Mới đây, Thừa Thiên Huế cùng 11 tỉnh, thành khác là chủ sở hữu một di sản vừa mới được UNESCO công nhận là nghệ thuật Bài Chòi. Ngoài ra, Thừa Thiên Huế còn có hai di sản phi vật thể cấp quốc gia là Ca Huế và Dệt Dèng (A Lưới). Đây là nguồn tài nguyên văn hóa đa dạng, đặc trưng để giới thiệu với công chúng và bạn bè quốc tế về Festival Huế 2018 với nhiều nét đặc sắc, mới lạ và hấp dẫn.

Điểm mới của Festival Huế năm 2018 là có thêm chương trình “Văn hiến Kinh kỳ” do Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế thực hiện. Đây là chương trình được dàn dựng công phu, hoành tráng có chiều sâu được nâng cao từ chương trình “Đại Nội về đêm” nhằm tôn vinh 5 Di sản Văn hóa thế giới và kỷ niệm 25 năm quần thể di tích Cố đô Huế được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới.

Nhìn chung, các chương trình nghệ thuật tại Festival Huế lần này đều mang nhiều nét mới lạ, đặc sắc, thu hút du khách với ấn tượng sâu lắng, đậm đà. Đặc điểm có ý nghĩa lớn tại Festival Huế 2018 là sẽ có sự tham gia đông đảo các tầng lớp nhân dân, các hiệp hội, cơ quan, nhân tố đảm bảo cho các lễ hội, sản phẩm du lịch tồn tại và phát triển bền vững. Các hoạt động cộng đồng liên tục được diễn ra trong thời gian từ ngày 28/4 đến 02/5/2018.

Ngoài ra, tại địa bàn thành phố Huế, hạt nhân của Festival, đã chủ động “làm mới”, quảng bá giới thiệu các loại hình, sản phẩm du lịch tới đông đảo người dân, khách tham quan và bạn bè quốc tế, qua đó tăng tương tác giữa sản phẩm và du khách như hình thành các khu dịch vụ, ẩm thực kết hợp với các hoạt động nghệ thuật cộng đồng ở một số khu vực trên đường Lê Lợi, khu chợ đêm, phát triển tour, sản phẩm du lịch nhà vườn Huế, du lịch homestay,... Đặc biệt phố đi bộ Chu Văn An - Phạm Ngũ Lão - Võ Thị Sáu đi vào hoạt động cuối tháng 9/2017 đã tạo điểm nhấn trong bức tranh du lịch của thành phố.

Thành phố Huế luôn cố gắng đáp ứng các nhu cầu giải trí của du khách như bổ sung các loại hình dịch vụ mang tính văn hóa nghệ thuật tại các điểm đến để thu hút khách nhất là các hoạt động giải trí về đêm. Thời gian qua,
Phố đêm phần nào phát huy là điểm đến thu hút khách lưu trú tại Huế. 

Thành phố sẽ phát triển không gian đi bộ qua bờ Bắc (tạo nơi đây thành khu đi bộ dọc 2 bờ sông Hương), Trung tâm trưng bày hàng thủ công mỹ nghệ được thiết kế thành không gian giới thiệu hàng thủ công mỹ nghệ của Huế, Việt Nam và các thành phố kết nghĩa với Huế. Bên cạnh đó, địa phương đầu tư, xã hội hóa làm mới sản phẩm ca Huế, du lịch thuyền trên sông Hương phù hợp với con người và không gian Huế.

 Đặc biệt, với những dịch vụ trên sông Hương, quy hoạch 2 bờ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài muốn đầu tư thuyền trên sông, hợp tác với Trung tâm văn hóa khai thác địa điểm này.

Festival Huế 2018 sẽ được tổ chức với nhiều chương trình nghệ thuật đặc sắc, mang dấu ấn của các vùng miền văn hóa tiêu biểu của Việt Nam cũng như nhiều nước trên thế giới đang chờ đón du khách gần xa khám phá và trải nghiệm.

 

BAN TUYÊN GIÁO TỈNH UỶ

 

Tin mới
Xem tin theo ngày