Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2019
Ngày cập nhật 02/05/2019

Hàng loạt chính sách mới như: Học sinh lớp 1 được học kỹ năng phòng chống xâm hại; Hỗ trợ 100% học phí khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh; Cách xác định thời điểm sử dụng nhà ở cũ… sẽ có hiệu lực từ tháng 5/2019.

HỖ TRỢ TỚI 100% HỌC PHÍ KHÓA ĐÀO TẠO QUẢN TRỊ KINH DOANH

Ngày 29/3/2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành Thông tư 05/2019/TTBKHĐT có hiệu lực từ ngày 12/5/2019 hướng dẫn hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Theo đó, ngân sách Nhà nước sẽ hỗ trợ 100% học phí khóa đào tạo khởi sự kinh doanh, quản trị kinh doanh đối với các đối tượng sau: Học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa có trụ sở tại địa phương có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn; học viên của doanh nghiệp nhỏ và vừa do phụ nữ làm chủ.

Nếu không có điều kiện tham gia đào tạo trực tiếp, học viên có thể tham gia chương trình đào tạo trực tuyến, thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Người lao động hoặc cán bộ quản lý của doanh nghiệp nhỏ và vừa sẽ được cung cấp tài khoản để tham gia học tập tại Hệ thống đào tạo trực tuyến trên nền tảng Web hoặc trên thiêt bị di động thông minh.

CÁCH XÁC ĐỊNH THỜI ĐIỂM SỬ DỤNG NHÀ Ở CŨ

Nghị định 30/2019/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 99/2015/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở đã bổ sung hướng dẫn cụ thể việc xác định thời điểm bố trí sử dụng nhà ở cũ thuộc sở hữu Nhà nước.

Cụ thể:

- Trường hợp người đang thực tế sử dụng nhà ở, có hợp đồng thuê nhà và có tên trong hợp đồng này:

+ Nếu thời điểm bố trí nhà ở được ghi trong hợp đồng thuê nhà, xác định theo thời điểm ghi trong hợp đồng;

+ Nếu trong hợp đồng không ghi thì xác định theo thời điểm ký hợp đồng đó;

+ Hợp đồng thuộc diện ký lại hoặc gia hạn hợp đồng thuê nhà, thời điểm bố trí sử dụng được xác định theo thời điểm nêu tại hợp đồng ký kết đầu tiên...

- Trường hợp đang thực tế sử dụng nhà ở, không có hợp đồng thuê nhà nhưng có tên trong văn bản bố trí sử dụng thì thời điểm sử dụng nhà ở được xác định theo thời điểm ghi trong văn bản đó. Nếu văn bản không ghi thời điểm thì xác định theo thời điểm ban hành...

Nghị định này có hiệu lực từ ngày 5/5/2019.

XUẤT TRÌNH CHỨNG MINH NHÂN DÂN KHI YÊU CẦU CUNG CẤP THÔNG TIN ĐO ĐẠC

Từ ngày 1/5/2019, cá nhân yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ phải xuất trình chứng minh nhân dân (CMND) hoặc thẻ căn cước công dân hoặc hộ chiếu. Ngoài ra phải xuất trình thêm giấy giới thiệu hoặc công văn của cơ quan, tổ chức khi đại diện cơ quan, tổ chức đến yêu cầu cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ.

Khi nhận đủ hồ sơ, cơ quan, tổ chức được giao cung cấp thông tin, dữ liệu, sản phẩm đo đạc và bản đồ có trách nhiệm cung cấp ngay trong ngày làm việc hoặc theo thời gian thống nhất với bên yêu cầu cung cấp. Từ chối phải trả lời bằng văn bản lý do không cung cấp. Đây là một trong những quy định đáng chú ý được nêu tại Nghị định 27/2019/NĐCP hướng dẫn Luật Đo đạc và bản đồ được Chính phủ ban hành ngày 13/3/2019.

CỘNG ĐIỂM ƯU TIÊN CHO THÍ SINH CÓ BẰNG TRUNG CẤP NGHỀ

Thông tư 03/2019/TT-BGDĐT sửa đổi Quy chế thi THPT quốc gia nêu rõ, học sinh THPT, học viên giáo dục thường xuyên có giấy chứng nhận nghề, bằng tốt nghiệp trung cấp nghề trong thời gian học THPT thì được cộng điểm ưu tiên khi xét tốt nghiệp THPT:

- Cộng 2 điểm nếu xếp loại giỏi với Giấy chứng nhận nghề, loại xuất sắc và giỏi đối với bằng trung cấp.

- Cộng 1,5 điểm nếu xếp loại khá với Giấy chứng nhận nghề, loại khá và trung bình khá với bằng trung cấp.

- Cộng 1 điểm nếu xếp loại trung bình.

Thông tư có hiệu lực từ ngày 3/5/2019.

HỌC SINH LỚP 1 ĐƯỢC HỌC KỸ NĂNG PHÒNG CHỐNG XÂM HẠI

Theo Danh mục thiết bị dạy học tối thiểu lớp 1 mới được ban hành tại Thông tư 05/2019/TT-BGDĐT, yêu cầu phải có Bộ tranh về phòng tránh bị xâm hại, giúp học sinh hình thành năng lực tìm tòi khám phá kiến thức thông qua quan sát, vận dụng vào thực tế cuộc sống.

Bộ tranh gồm 2 tờ tranh minh họa về phòng tránh bị xâm hại:

- 1 tranh minh họa quy tắc bảo vệ cơ thể bé trai và bé gái phải có dòng chữ “Hãy nhớ! Không để ai sờ, động chạm vào cơ thể được đồ lót che kín. Trừ khi học sinh cần được bác sỹ thăm khám”.

- 01 tranh minh họa 03 bước phòng tránh xâm hại thông qua hình ảnh như bỏ chạy để thoát khỏi tình huống nguy hiểm hoặc kể lại với người thân... về những gì đã xảy ra với mình.

Thông tư này được ban hành ngày 5/4/2019, có hiệu lực từ ngày 21/5/2019.

 

QUY TẮC ỨNG XỬ TRONG TRƯỜNG MẦM NON, PHỔ THÔNG

Ngày 12/4/2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ra Thông tư 06/2019/TTBGDĐT quy định Quy tắc ứng xử trong cơ sở giáo dục mầm non, cơ sở giáo dục phổ thông, cơ sở giáo dục thường xuyên.

Một số nội dung đáng chú ý của Bộ Quy tắc ứng xử này như sau:

- Không sử dụng trang phục gây phản cảm;

- Không hút thuốc, sử dụng đồ uống có cồn, chất cấm trong cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật; không tham gia tệ nạn xã hội;

- Không sử dụng mạng xã hội để phát tán, tuyên truyền, bình luận những thông tin hoặc hình ảnh trái thuần phong mỹ tục, trái đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước hoặc làm ảnh hưởng xấu đến môi trường giáo dục;

- Không làm tổn hại đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của bản thân, người khác và uy tín của tập thể.

Thông tư này có hiệu lực từ ngày 28/5/2019.

TẠM ĐÌNH CHỈ TƯ CÁCH LUẬT SƯ NẾU “TRỐN” BỒI DƯỠNG NGHIỆP VỤ

Từ ngày 5/5/2019, việc tham gia bồi dưỡng bắt buộc về chuyên môn, nghiệp vụ của luật sư được thực hiện theo Thông tư 02/2019/TT-BTP ngày 15/3/2019. Theo đó, thời gian tham gia bồi dưỡng tối thiểu là 8 giờ/năm. Luật sư được tính quy đổi thời gian tham gia bồi dưỡng khi: Viết bài nghiên cứu pháp luật được đăng trên các tạp chí chuyên ngành luật trong hoặc ngoài nước; viết sách được xuất bản về đạo đức, ứng xử nghề nghiệp...

Trong trường hợp luật sư có hành vi vi phạm nghĩa vụ tham gia bồi dưỡng thì tùy theo tính chất mức độ vi phạm sẽ bị kỷ luật: Khiển trách; Cảnh cáo; Tạm đình chỉ tư cách thành viên Đoàn Luật sư 6-12 tháng.

TỐ CÁO SAI SỰ THẬT, CÔNG CHỨC CÓ THỂ BỊ XỬ LÝ HÌNH SỰ

Nghị định 31/2019/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp tổ chức thi hành Luật Tố cáo đã được Chính phủ ban hành ngày 10/4/2019, có hiệu lực từ ngày 28/5/2019. Một trong những nội dung đáng chú ý của Nghị định này là quy định các biện pháp xử lý đối với người tố cáo là cán bộ, công chức, viên chức. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức tùy theo tính chất, mức độ, vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu có một trong các hành vi sau:

- Biết rõ việc tố cáo là không đúng sự thật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần hoặc biết vụ việc đã được giải quyết đúng chính sách, pháp luật nhưng vẫn tố cáo nhiều lần mà không có bằng chứng chứng minh nội dung tố cáo;

- Cưỡng ép, lôi kéo, kích động, dụ dỗ, mua chuộc người khác tố cáo sai sự thật;

- Sử dụng họ tên của người khác để tố cáo gây mất đoàn kết nội bộ hoặc ảnh hưởng đến uy tín, hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, đơn vị.

 

Theo phunuvietnam.vn

 

Tin mới
Xem tin theo ngày