Thông điệp nữ quyền từ "cuộc chiến giày cao gót"
Ngày cập nhật 11/06/2018

Câu chuyện về cô gái Nicola Thorp (27 tuổi) bị sa thải ngay trong ngày đầu đến làm việc tại công ty tài chính PricewaterhouseCoopers (London, Anh) vì đi giày đế bằng mà không đi giày cao gót đã dấy lên một "cuộc chiến giày cao gót" tại nước này.

Vụ việc cũng châm ngòi cho cuộc chiến pháp lý đòi điều chỉnh luật Lao động tại nước Anh.
 
Từ bản kiến nghị của cô gái dũng cảm…
 
Chuyện xảy ra vào tháng 12/2015. Nicola Thorp là nhân viên của công ty cung ứng việc làm Portico được cử tới làm việc tại công ty tài chính PricewaterhouseCoopers (PwC). Cô làm ở bộ phận lễ tân với công việc di chuyển liên tục 9 tiếng mỗi ngày để dẫn khách hàng từ cửa công ty đến các phòng họp.
 
Vì phải đi lại nhiều nên trong ngày đi làm đầu tiên, cô chọn mang đôi giày đế bằng màu đen kết hợp với đồng phục công ty. Tuy nhiên, quản lý của cô nói rằng, quy định của công ty là nhân viên lễ tân phải mang giày cao gót từ 5 cm đến 10 cm và yêu cầu Thorp nhanh chóng ra ngoài mua một đôi giày cao gót để thay nếu muốn tiếp tục công việc. 

Khi Thorp từ chối và nói với người quản lý rằng hãy cho cô một lý do tại sao đi giày đế bằng lại ảnh hưởng đến công việc. Thậm chí cô còn hỏi tại sao các đồng nghiệp nam không bị buộc đi giày cao gót và khẳng định mình có thể làm tốt công việc đó mà không nhất thiết phải đi giày cao gót. Thorp đã bị công ty sa thải và không được trả tiền cho buổi thử việc.

 
Sau đó, Thorp về nhà, kể cho bạn bè nghe câu chuyện của mình rồi đăng tải vụ việc lên mạng xã hội. Từ đây, cô phát hiện không chỉ bản thân gặp phải chuyện này mà còn nhiều phụ nữ khác trên thế giới cũng gặp những tình huống tương tự. Sự việc xảy ra vào cuối năm 2015 nhưng chỉ được biết đến rộng rãi từ tháng 5/2016. Thorp quyết định lập một chiến dịch kêu gọi phụ nữ cùng đứng lên phản đối, yêu cầu các công ty cân nhắc thay đổi lại luật, không bắt buộc nữ nhân viên phải đi giày cao gót tới nơi làm việc nữa. 

Cô làm một bản kiến nghị với tựa đề “Hãy gán tội danh bất hợp pháp cho các công ty buộc phụ nữ phải mang giày cao gót đi làm” nhằm yêu cầu Quốc hội Anh đưa ra luật khiến các công ty không thể sa thải lao động nữ chỉ vì lý do không đi giày cao gót, rồi thu thập chữ ký của những người ủng hộ chiến dịch.

 
Ban đầu Thorp nghĩ rằng chẳng mấy ai để ý đến việc này nhưng ngược lại, câu chuyện của cô nhanh chóng thu hút sự quan tâm của dư luận. Chỉ sau một đêm đã có 4.000 chữ ký, rồi lên 6.000 và sau đó đã vượt quá con số 100.000 chữ ký. Người dùng Twitter tại Anh đã mở 1 chiến dịch “giày bệt” với việc đăng những bức ảnh đi giày bệt hay giày thể thao để ủng hộ Nicola Thorp. Đến lúc này, vấn đề không đơn giản chỉ là việc có đi giày cao gót hay không mà nó thực sự liên quan đến quyền của phụ nữ.
 
… đến chiến thắng về pháp lý
 
Qua đấu tranh của Thorp, công ty cũ của cô đã thay đổi các quy định về trang phục, cho phép nhân viên được chọn loại giày mà họ thích khi đi làm. Ngày 11/5/2016, ông Simon Pratt, Giám đốc điều hành Công ty Portico, cho biết: “Tất cả nhân viên nữ của chúng tôi có thể tùy chọn mang giày cao gót hay giày đế bằng khi đi làm. Quy định này có hiệu lực ngay lập tức”.
Nicola Thorp xuất hiện ở các diễn đàn lập chiến dịch kêu gọi phụ nữ cùng đứng lên yêu cầu các công ty thay đổi luật, không bắt buộc nhân viên phải đi dày cao gót tới nơi làm việc
Theo luật sư Rebecca Tuck ở nước Anh, các công ty có quyền ra quy định trang phục cho nam, nữ nhân viên. Tuy nhiên nếu trang phục đó không thoải mái, gây cản trở công việc, ảnh hưởng sức khỏe của nhân viên thì đó là vấn đề pháp lý cần thay đổi.

Các đại biểu tại Đại hội Công đoàn thường niên tổ chức ở Brighton đã bỏ phiếu thông qua việc sửa đổi luật pháp để “cho phép phụ nữ không bị bắt buộc phải mang giày cao gót tại nơi làm việc”. Các đại biểu ủng hộ bản kiến nghị nói rằng, trong các ngành sản xuất, xây dựng và nhiều nơi làm việc khác, một đôi giày thích hợp là phải đảm bảo an toàn và thoải mái. Hiệp hội các bác sĩ chuyên khoa điều trị các bệnh ở chân cũng ủng hộ bản kiến nghị và kêu gọi các công đoàn cần chỉ rõ cho giới chủ cũng như người lao động về sự nguy hiểm khi mang giày không phù hợp tại nơi làm việc. Bên cạnh đó, cần thay đổi những quy định để không bắt buộc phụ nữ phải mang giày cao gót tại nơi làm việc.
Chiến dịch chống giày cao gót lan rộng khắp nước Anh
Bà O'Grady, Tổng thư ký Liên đoàn lao động Vương quốc Anh, cho rằng cần có quan điểm đồng thuận về quy định trang phục chứ không phải là các quy định phân biệt giới tính lỗi thời. “Thật vô lý khi đã là năm 2016 mà vẫn có nhiều ông chủ yêu cầu nhân viên nữ mang giày cao gót và trang điểm ở nơi làm việc. Nhân viên có quyền được lựa chọn, mà không phải là điều kiện của công việc”, bà O’Grady khẳng định. 

Còn bà Sam Smethers, Giám đốc điều hành của Hiệp hội về bình đẳng giới và quyền của phụ nữ, hoan nghênh việc thông qua bản kiến nghị của Liên đoàn lao động Vương quốc Anh. Bà cho rằng, theo các quy định luật pháp hiện tại, phụ nữ không nên bị đối xử thiếu công bằng do các quy định về trang phục.

 

Hương Nhung 

 

 

 

Tin mới
Xem tin theo ngày