Làm giàu từ ngành nghề truyền thống
Ngày cập nhật 28/05/2020

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình nông dân, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, từ khi 13 tuổi chị Bùi Thị Sáu, ở thôn Ô Sa, xã Quảng Vinh đã biết phụ giúp cha mẹ làm bún, từ công cụ sản xuất thủ công lạc hậu, hàng ngày sản xuất ra từ 20 đến 25 kg thu nhập cũng đủ trang trãi chi phí hàng ngày cho gia đình thời ấy. Đến khi lấy chồng và hôm nay nghề Bún là nghề chính của gia đình chị, phát triển mạnh nhất là 10 năm trở lại đây, khi đời sống kinh tế của nhân dân nâng cao nhu cầu của người tiêu dùng ngày càng lớn, để đáp ứng thị trường tiêu thụ, vừa phải đảm bảo về vấn đề vệ sinh thực phẩm, chị đã bàn với chồng vay một số vốn để đầu tư mua sắm máy móc, mở rộng nhà xưỡng, tìm tòi trang bị công cụ sản xuất bằng mô tơ điện cải thiện được một phần sức lao động, tăng năng suất và hiệu quả kinh tế.

 

Được sự giúp đỡ của Hội LHPN xã đã hổ trợ vốn vay, với sự quan tâm của chính quyền địa phương cùng với sự phát triển tiến bộ của khoa học kỷ thuật, gia đình chị đã đầu tư mua sắm dây chuyền sản xuất bún, mở rộng nhà xưởng khang trang đảm bảo vệ sinh, với công nghệ này riêng gia đình chị hàng ngày sản xuất trên 1000 kg trong đó cho gia đình chị là 350 kg, cho 7 lao động khác trong thôn là 700 kg. Với số lượng đó thu nhập hàng ngày của gia đình chị là 400 - 500 ngàn đồng. Thị trường ngày càng được mở rộng trong huyện và các huyện lân cận, với số lượng bún sản xuất lớn chất phế thải càng nhiều, gia đình chị đã mở rộng chuồng trại chăn nuôi lợn để tận dụng phế phẩm, gia đình chị thả nuôi lợn thịt, xuất chuồng bình quân hàng năm 30 lợn thịt. Từ 2 nguồn này tổng thu nhập của gia đình chị trên 130 - 150 triệu đồng/ năm.

Chính từ nguồn thu đó, ngoài việc chi tiêu hàng ngày, gia đình chị đã tích cóp xây dựng được nhà cửa khang trang, mua sắm tiện nghi sinh hoạt đầy đủ, đầu tư cho con học hành, tham gia các hoạt động xã hội, của chi hội Phụ nữ, của Câu lạc bộ làng nghề, đồng thời hưởng ứng ủng hộ các cuộc vận động của địa phương phát động và đóng góp quỹ xây dựng nông thôn mới để xây dựng các công trình phục vụ dân sinh. Năm 2018 chị đã tham gia vào tổ hợp tác sản xuất kinh doanh bún bánh Ô Sa và được sự bảo lãnh của Hội LHPN xã, gia đình chị đã được cấp nhãn hiệu tập thể Bún, bánh Ô Sa. Hiện nay gia đình chi đã sử dụng nhãn hiệu để quảng bá sản phẩm bún Ô Sa. Đồng thời chị đã tham gia trưng bày và bán sản phẩm bún Ô Sa tại các phiên Hội chợ kết nối tiêu thụ sản phẩm do huyện và Hội LHPN huyện, tỉnh tổ chức.

Chị tâm sự là một người hội viên phụ nữ và cũng là một người con lớn lên trên ngành nghề truyền thống của làng, được các thế hệ cha ông truyền nghề lại, một nghề mà đã nuôi sống bao thế hệ trong thôn từ bao đời nay, chị quyết không làm mất lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm của làng nghề Bún Ô Sa. Chị luôn nhắc nhỡ động viên nhau bảo vệ môi trường đặc biệt là việc xử lý nước thải và vệ sinh nhà xưởng. Mặt khác, luôn tìm tòi học hỏi đổi mới công nghệ sản xuất nhằm không ngừng nâng cao số lượng, chất lượng, đáp ứng thị trường tiêu thụ và thị hiếu người tiêu dùng để duy trì và phát triển nghề bún bánh xứng đáng với danh hiệu làng nghề đã được UBND tỉnh công nhận.

Hồ Thị Lý - Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Vinh

 

 

Tin mới
Xem tin theo ngày