Cơ sở bún khô của chị Tình
Ngày cập nhật 22/10/2012

 Những ai đã từng tiếp xúc với chị Bùi Thị Tình, Chi hội Kim Đôi, xã Quảng Thành, thì có lẽ đều có cùng ấn tượng sâu sắc về một nghị lực phi thường. Từ hai bàn tay trắng, chỉ trong một thời gian ngắn, chị đã biến những đồng vốn vay ưu đãi ít ỏi thành một sự nghiệp vững chắc. Làm chủ một cơ sở bún khô với lợi nhuận hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Nhưng cũng chính cái hình dáng nhỏ bé, khắc khổ của bà chủ đã phần nào gợi nhớ đến quãng thời gian cơ hàn có lẽ là vẫn chưa xa…

 Vừa điều hành nhân công tại cơ sở làm bún vừa tiếp chuyện chúng tôi, chị Tình không giấu được vui mừng khi tâm sự những ngày này, cơ sở của chị làm không đủ hàng để bán, các mối nhận đặt hàng ngày càng nhiều. Khoác tay chỉ về dây chuyền máy móc mới toanh đang vận hành, chị Tình cho biết nhờ có dây chuyền này nên năng suất tăng lên đáng kể, sản phẩm làm ra có chất lượng ổn định hơn. Sắp đến, ngoài bún khô, cơ sở mở rộng sản xuất các sản phẩm khác như mỳ, mỳ lát, phở khô…Hiện nay, cơ sở của chị đang tạo việc làm ổn định cho khoảng 20 lao động nữ với thu nhập bình quân một tháng là 2,4 triệu đồng. Đây là một mức thu nhập khá cao tại khu vực nông thôn. Chị Tình tâm sự: “Có có được cơ ngơi như ngày hôm nay, em rất biết ơn đến các nguồn vốn ưu đãi thông qua Hội Phụ nữ xã. Sau khi có vay được 20 triệu từ vốn giải quyết việc Ngân hàng Chính sách xã hội, em đã dốc hết vào cơ sở làm bún này. Đối với một người phụ nữ nghèo như em, số tiền ấy không phải là nhỏ. Nhưng với quá trình tìm hiểu và được sự động viên của các chị em trong Hội Phụ nữ xã cũng như chị em ở Chi hội Kim Đôi, em quyết tâm gầy dựng cơ sở sản xuất của mình”

Quê gốc Nghệ An nhưng theo chồng về lập nghiệp tại làng Kim Đôi, xã Quảng Thành; thời gian đầu ở “đất khách quê người” quả là gian nan đối với chị Tình. Toàn bộ thu nhập của gia đình chỉ trông vào mảnh ruộng nhỏ nên “làm đủ ăn là mừng lắm rồi”-chị Tình bộc bạch. Thấm thoắt hơn 10 năm lập gia đình, chị Tình trở thành người mẹ với 3 ba người con và vẫn với một câu hỏi: “làm gì để có thêm thu nhập ngoài mảnh ruộng nhỏ”.  Câu trả lời lại chính là nghề truyền thống ở quê chị: nghề làm bún khô.
 
Khởi đầu với quy mô gia đình, dần dà, với sự chịu thương chịu khó, sản phẩm bún khô của chị Tình dần đã được biết đến nhiều hơn. Ngoài những mối hàng quen thuộc, chị Tình nhờ sự giúp đỡ của Hội Phụ nữ xã trong việc xây dựng thương hiệu, quảng bá, giới thiệu sản phẩm. Đặc biệt, sau khi tham gia gian hàng của Hội Phụ nữ xã tại lễ hội “Sóng nước Tam Giang”, các sản phẩm của cở sở đã được biết đến nhiều hơn, không chỉ trong tỉnh mà còn lan ra các tỉnh khác.“ Những ngày này, cơ sở của em đang hoạt động hết công suất để kịp hàng giao cho các đầu mối ở Hà Nội”, chị Tình cho biết thêm.
 
Trao đổi với chúng tôi, chị Nguyễn Thị Quý, Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Kim Đôi cho biết: “Ngoài việc làm kinh tế giỏi, chị Tình còn là Hội viên tiêu biểu, luôn tích cực tham gia vào các phong trào của Chi hội phát động, đặc biệt là cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không 3 sạch, xây dựng nông thôn mới; bên cạnh đó, chị còn là một tấm gương trong việc xây dựng, chăm sóc gia đình, nuôi dạy con cái…”
Một tin vui đến với cơ sở chị Tình là sắp đến UBND xã sẽ tạo điều kiện cấp đất để chị mở rộng sản xuất. Chia tay chị Tình trong nhịp điệu của những dây chuyền sản xuất, chúng tôi tin rằng đối với chị Nguyễn Thị Tình, mọi thứ mới chỉ bắt đầu…
 
              Nguyễn Thị Dạ Thảo
Chủ tịch Hội LHPN xã Quảng Thành
Tin mới
Xem tin theo ngày