Bông hoa giữa núi rừng
Ngày cập nhật 22/10/2012

 Ngôi nhà gỗ mái tôn rợp mát bóng cây của chị nằm sát bên con đường nhỏ thuộc xã Hồng Thượng, huyện A Lưới. Với chúng tôi, những người bạn đồng nghiệp của chị thì nó quen thuộc và gần gũi biết bao. Không tiện nghi, không sang trọng nhưng gọn gàng và ngăn nắp. Đặc biệt là sự đón tiếp niềm nở của chủ nhân khiến chúng tôi lâu lâu không vào thì thấy nhớ. 

               Tôi được biết, chị sinh ra trong một gia đình nghèo ở ngôi làng nhỏ thuộc huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Năm 1985, sau khi tốt nghiệp Trường Trung cấp Sư phạm Đông Hà, chị tình nguyện đem cái chữ đến cho con em vùng cao A Lưới, Thừa Thiên Huế. Chị kể rằng: Ngày ấy A Lưới còn nghèo lắm, buồn lắm. Mỗi buổi chiều, khi mặt trời xuống núi, nhìn những cánh rừng bạt ngàn chuyển sang màu tím thẫm, nỗi nhớ nhà cồn cào không tả xiết. Những đêm bên ngọn đèn dầu leo lét nằm nghe tiếng cú kêu là những hàng nước mắt lăn dài ướt gối. Đến bây giờ, chị cũng không hiểu hết có sức mạnh nào đã níu kéo chị vượt qua những nỗi buồn và sự thiếu thốn của ngày ấy. Phải chăng là tình thương của chị dành cho những em nhỏ đang cần cái chữ, là tình thương của những người dân nghèo dành cho chị?

      Ngày tháng trôi qua, chị miệt mài bên trang giáo án. Như người lái đò tận tuỵ, chị đưa hết lớp đàn em này đến lớp đàn em khác qua sông. Có học sinh của chị bây giờ là những cán bộ huyện năng nổ và thành đạt. Cũng không phải ngẫu nhiên mà những học sinh khi rời mái trường vẫn nhớ mãi về cô Nguyễn Thị Tuyết Lan, Trường Tiểu học Sơn Thuỷ. Không chỉ là một giáo viên dạy giỏi của huyện chị còn là một chủ tịch Công đoàn của trường trong nhiều nhiệm kì, chị luôn được mọi người tin yêu và tín nhiệm. Chu toàn trong công việc ở trường, ở lớp, chị cũng hết mực yêu thương chồng con và luôn chăm lo xây dựng gia đình. Đồng hành với chị trong những lúc khó khăn vất vả là người chồng hiền lành và hết mực yêu thương vợ con. Chồng chị có đôi chân không được khoẻ như những người bình thường khác, công việc của anh không ổn định vì thế thu nhập của gia đình chủ yếu dựa vào đồng lương giáo viên của chị, chị phải chăn nuôi thêm heo, gà để nuôi các con ăn học. Cuộc sống vất vả là thế nhưng chưa bao giờ tôi nghe anh, chị than phiền, vẫn vui tươi, vẫn chịu thương chịu khó. Có lần chị tâm sự: Mua một cái áo cho mình chị phải đắn đo suy nghĩ chứ mua một quyển sách hay cho con thì chị sẵn lòng. Tôi hiểu được những lời tâm sự ấy khi hay tin anh chị quyết định gửi các con về quê để học tiếp khi các cháu vừa học xong bậc Tiểu học. Lại tiếp nối những tháng ngày vất vả khi mỗi tuần chị phải lặn lội vượt  hơn trăm cây số về thăm con. Những hôm trời nắng đường còn dễ đi chứ những hôm trời mưa thì thật khổ. Mùa mưa miền Trung tầm tã và dai dẳng, chị lầm lũi trên con đường đèo quanh co…
 
      Ý thức được sự vất vả và không phụ lòng cha mẹ, cả 3 người con của chị đều chăm ngoan, học giỏi. Các cháu tự bảo ban nhau khi vắng cha mẹ khiến chị cũng yên tâm công tác. Niềm vui trào dâng khi hai cháu lớn lần lượt đỗ vào các trường đại học. Con trai đầu của chị, cháu Nguyễn Anh Thư đang học năm thứ thứ tư Trường Đại học Ngoại ngữ, Huế. Cháu thứ hai Nguyễn Thị Mỹ Duyên là sinh viên năm thứ hai Trường Đại học Kinh tế, Huế. Cháu út hiện đang học phổ thông. 
 
      Những ngày hè, căn nhà nhỏ của chị đầy ắp tiếng cười. Nhìn vào ánh mắt của chị tôi cảm nhận được niềm hạnh phúc vô bờ. Những lo toan vất vả của anh chị đã được đền đáp xứng đáng khi nhìn các con đang ngày một khôn lớn và thành đạt. Chị là bông hoa lan nhẹ nhàng tỏa hương giữa núi rừng Trường Sơn, là tấm gương sáng cho mỗi chúng tôi noi theo.

             Trịnh Thị Tuyết
Giáo viên Trường Tiểu học Kim Đồng - A Lưới
 
Tin mới
Xem tin theo ngày