Chị Phan Thị Gấm (phải) tặng quà gia đình chính sách có hoàn cảnh khó khăn
Những ngày qua, chị Phan Thị Gấm (60 tuổi), tranh thủ thời gian vận động người dân trở về từ vùng dịch đi khai báo y tế kịp thời. Chị còn đến từng hộ gia đình sắp có tiệc cưới hỏi, thôi nôi để vận động họ tổ chức đơn giản, hạn chế tập trung đông người...
Chị Gấm nhớ lại ngày đầu làm công tác hội: “Năm 1999, khi được hội viên tin tưởng bầu làm chi hội trưởng, ngoài sự năng động, nhiệt tình, tôi không có chút kiến thức nào về công tác hội. Phong trào phụ nữ thôn Thanh Phước lúc đó cũng rất mờ nhạt, tỷ lệ tập hợp hội viên chỉ đạt khoảng 50%. Mỗi lần tổ chức sinh hoạt phải đi “năn nỉ” từng người”.
Ban ngày, chị Gấm là một nông dân thực thụ, cặm cụi sản xuất chăn nuôi, chăm lo cuộc sống gia đình. Đêm về, cơm nước xong, khi mọi người nghỉ ngơi cũng là lúc chị bắt đầu công việc của cán bộ hội. Chị rảo bước khắp thôn, gõ cửa từng nhà, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chị em để có cách vận động, tập hợp hiệu quả. Nhiều lúc tranh thủ chị em đi làm đồng về, chị lại “rỉ tai” truyền đạt những cái hay, cái lợi khi vào hội như: được chia sẻ khó khăn, được nâng cao kiến thức về xã hội, được vay vốn làm ăn... Đối với những hội viên đau ốm, chị Gấm lặn lội đến thăm hỏi. Thời gian rảnh rỗi, chị chịu khó đọc thêm tài liệu sách báo để có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công tác hội.
Theo chị Gấm, vận động chị em đi sinh hoạt đã khó nhưng để chị em tập trung lắng nghe các nội dung sinh hoạt càng khó hơn. Vì vậy, chị đã cụ thể hóa các phong trào hội bằng những câu chuyện, những tình huống sát sườn để hội viên cùng nhau thảo luận, tìm giải pháp trong cách nuôi dạy con, xử lý tình huống khi xảy ra xung đột giữa vợ chồng, giữa mẹ chồng nàng dâu hay cách sử dụng vốn vay hiệu quả....
Xen kẽ giữa buổi sinh hoạt là những tiết mục văn nghệ sôi nổi. Với hình thức sinh hoạt này, chị Gấm đã tạo cho hội viên cảm giác đang nghe chuyện của mình, đang nói về những tình huống họ gặp phải chứ không phải là những nội dung khô khan trong nghị quyết. “Từ khi sinh hoạt hội theo hình thức mới, chị em ai cũng mong đến kỳ sinh hoạt để có cơ hội giao lưu, học hỏi và xả stress sau những ngày tất bật với việc đồng áng”, chị Trần Thị Loan, một hội viên tâm sự.
Đối với các hội viên khó khăn về kinh tế, chị Gấm tìm cách gỡ khó bằng cách giới thiệu vốn vay từ các kênh, giúp ngày công, con giống... Những gia đình không may rơi vào hoàn cảnh “cơm chẳng lành canh chẳng ngọt”, chị Gấm thường xuyên qua lại tỉ tê cả chồng lẫn vợ để giảng hòa. Mấy năm gần đây, đời sống của chị em được nâng lên, chị Gấm mạnh dạn đứng ra tổ chức những chuyến tham quan du lịch trong và ngoài tỉnh, giúp chị em có cơ hội giao lưu và mở rộng hiểu biết.
Bằng lời nói giản dị, mộc mạc, hành động luôn vì cái chung, chị Gấm đã tạo được niềm tin trong lòng hội viên, số phụ nữ tham gia sinh hoạt hội ngày càng đông, đạt tỷ lệ trên 80%. “Nếu trước đây mỗi lần tổ chức sinh hoạt phải đi vận động từng người thì nay chỉ cần gửi giấy mời là các chị chủ động tham gia”, chị Gấm tự tin. Đó cũng là điều dễ hiểu khi thực hiện việc đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; các phong trào, các cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, “Tiết kiệm tự nguyện tại chỗ”, “Tiết kiệm vì phụ nữ nghèo”, Ngày Chủ nhật xanh..., Chi hội phụ nữ thôn Thanh Phước luôn dẫn đầu trong toàn xã.
Chị Phan Thị Gấm nhiều lần được Tỉnh hội, Thị hội và UBND xã Hương Phong tặng bằng khen, giấy khen trong các phong trào. Năm 2019, Chi hội phụ nữ thôn Thanh Phước được Tỉnh ủy tặng Bằng khen về việc thực hiện có hiệu quả Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học Bác.
Bài, ảnh: Hải Thuận