Cảm lạnh vì sức đề kháng kém
Theo BS Lê Quang Hào, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, triệu chứng của cảm lạnh phổ biến nhất là ho và sổ mũi. Trẻ em do sức đề kháng kém nên rất dễ bị nhiễm lạnh dẫn đến viêm họng, viêm phế quản và viêm phổi. Việc phòng tránh cảm lạnh cho trẻ bao giờ cũng là biện pháp tốt nhất giúp trẻ tránh bị cảm, đồng thời đảm bảo sức khỏe để trẻ phát triển được tốt hơn.
Nguyên nhân căn bản của việc nhiễm cảm lạnh đầu tiên là do sức đề kháng kém. Đó là lý do vì sao với trẻ nhỏ, người lớn cứ ra gió lạnh thì dễ dẫn đến ho và sốt. Chính vì thế để tránh cảm lạnh cho trẻ nhỏ và chính người lớn cần tăng cường sức đề kháng bằng việc ăn uống đủ chất, tập thể dục đều đặn và giữ cho cơ thể đủ ấm khi ra ngoài.
Các biện pháp dân gian chặn đứng cảm lạnh
Cũng theo BS Lê Quang Hào, có rất nhiều biện pháp dân gian để phòng tránh cảm lạnh, ho, sổ mũi hiệu quả, trong đó có 6 biện pháp mà nhiều người đã áp dụng thành công sau:
Ngâm chân bằng nước gừng vào mỗi buổi tối:
Lấy gừng già (50g) rửa sạch, giã hoặc xay nhỏ cho vào 1 lít nước và khoảng 20g muối hạt đun lên. Khi sôi vặn nhỏ lửa khoảng 5 phút thì tắt bếp. Đợi khi nồi nước gừng vừa đủ ấm thì bạn lấy ra để ngâm chân. Việc ngâm chân bằng nước gừng muối rất tốt cho cả người đang khỏe mạnh và người đang bị cảm lạnh, ho, sổ mũi. Không chỉ có tác dụng đối với trẻ em mà còn có tác dụng đối với người lớn. Ngâm nước gừng muối ấm mỗi tối trước khi đi ngủ còn giúp cho bạn có giấc ngủ ngon, sự tuần hoàn lưu thông máu huyết trong cơ thể tốt hơn, thậm chí còn chữa được bệnh hôi chân hoặc ra nhiều mồ hôi chân.
Theo lương y Bùi Hồng Minh, Phó Chủ tịch Hội Đông y Ba Đình thì gừng có tính vị cay, tính nóng có tác dụng tán phong hàn, trị ho, giải cảm, chữa viêm họng. Tuy nhiên, việc ngâm nước gừng ấm và mát xa bàn chân chỉ có tác dụng phòng và hỗ trợ trị ho và sổ mũi chứ không có tác dụng điều trị khi trẻ đang mắc cảm.
Nuốt tỏi sống:
Để phòng cảm lạnh, mỗi ngày nên ăn 3 -4 nhánh tỏi sống. Ngay cả khi bắt đầu phát hiện mình có dấu hiệu bị cảm lạnh, nhiều người ăn tỏi sống và đã chặn đứng ngay cơn cảm lạnh. Đây cũng là biện pháp dân gian nhiều người đã áp dụng và thành công. Tuy nhiên việc ăn tỏi sống chỉ có tác dụng khi bắt đầu bị cảm. Còn lúc đã bị nhiễm cảm rồi thì không có tác dụng.
Phương pháp này không nên áp dụng đối với trẻ nhỏ, vì tỏi rất nóng có thể làm bỏng da và niêm mạc của trẻ.
Mật ong chứa nhiều khoáng chất, vitamin và kháng viêm. Việc kết hợp mật ong với nước ấm để uống được ví là tốt hơn cả uống nhân sâm vì nó có hiệu quả cao nhất trong việc tiêu diệt vi khuẩn, bổ sung enzyme, vitamin và khoáng chất cho cơ thể.
Trẻ em từ 2 tuổi trở lên là có thể dùng loại nước này uống được hàng ngày.
Uống nước ấm được pha với mật ong cũng giúp cho giấc ngủ được sâu hơn. Mà giấc ngủ sâu rất tốt cho sức khỏe của bạn.
Uống nước ấm thường xuyên, tránh mất nước:
Để giúp cơ thể đảm bảo đủ nước, hàng ngày cứ mỗi giờ bạn nên uống một cốc nước ấm. Có thể thay một cốc nước ấm bằng một cốc nước chanh hoặc nước cam mỗi ngày sẽ tăng sức đề kháng cho cơ thể.
Nhỏ nước muối sinh lý hàng ngày, đặc biệt tốt trước khi đi ngủ và lúc ngủ dậy:
Phương pháp này đặc biệt cần thiết đối với trẻ nhỏ. Việc nhỏ mũi hàng ngày cho trẻ sẽ giúp lạnh sạch và thông mũi, tránh được lượng vi khuẩn xâm nhập từ môi trường bên ngoài như khói, bụi, gió lạnh…
Khi trẻ đã bị nhiễm lạnh, có dấu hiệu hắt hơi sổ mũi thì nên tăng số lần nhỏ mũi lên để làm sạch khoang mũi của bé. Mỗi ngày ít nhất nhỏ 3 – 4, thậm chí là 6-7 lần sẽ giúp trẻ nhanh khỏi cảm. Chảy mũi nhiều càng nên nhỏ, nhưng phải hút sạch nước mũi mới nhỏ. Bởi nếu không sẽ khiến nước mũi chảy ngược vào sâu trong khoang mũi, khiến con viêm mũi nặng hơn. Nhiều người thấy trẻ chảy nước mũi nhiều lại ngưng không nhỏ mũi sẽ khiến con viêm mũi lâu hết hơn, viêm nhiễm có nguy cơ nặng hơn.
Ngoài ra, cần súc miệng bằng nước muối trước khi đi ngủ và vào mỗi buổi sáng không chỉ ngăn ngừa việc nhiễm virus cảm mà còn phòng tránh được bệnh răng miệng một cách hữu hiệu. Biện pháp này an toàn và hữu ích với tất cả mọi lứa tuổi.
Ngân Khánh