|
|
| | |
|
|
|
Trĩu nặng đời... ve chai Ngày cập nhật 11/08/2023
Đằng sau lớp khẩu trang dày cộp là gương mặt đen nhẻm của nhiều phụ nữ làm nghề mua bán ve chai. Họ phải đối mặt với nắng gió và cả hiểm nguy rình rập khi suốt ngày bươn chải với nghề.
Dầm mưa & dãi nắng
Giữa trưa hè nắng nóng, tôi bắt gặp người phụ nữ làm nghề mua ve chai đang nghỉ trưa ở đường Xuân 68. Lân la hỏi chuyện, mới biết bà là Trần Thị Xuân Hằng ở khu vực 4, phường Hương Sơ (TP. Huế). Nhẩm tính tuổi mình qua các ngón tay, bà bảo, tui sinh năm 1964, có thâm niên trong nghề buôn bán ve chai hơn 40 năm. Lấy chồng từ năm 19 tuổi, chồng bà làm ruộng, thu nhập bấp bênh. Bà chọn nghề mua ve chai để khởi nghiệp. Chỉ cần có trong túi tầm 1 triệu đồng là có thể tự tin rao “Ai ve chai không?” khắp xóm làng.
Những ngày mới vào nghề, đẩy xe mua phế liệu, bà bảo, vừa ngại vừa mắc cỡ, đêm về đau nhức tay chân, thường xuyên bị cảm, sốt vì dầm mưa, dãi nắng. Có lúc bà “cụt vốn” khi chưa biết phân loại phế liệu và mua nhầm giá… Nhưng bao nhiêu năm qua, bà vẫn không dám nghỉ mua ve chai ngày nào vì cả nhà đều trông chờ vào khoản thu nhập của bà. Công nhận, bà Hằng cũng chịu khó đầu tư phương tiện làm ăn. Mới đầu, bà “tậu” đôi quang gánh, sau này đổi qua xe ba gác, rồi xích lô, nhưng rốt cuộc xe đạp vẫn là sự lựa chọn cuối cùng của bà, vì hang cùng, ngõ hẻm nào cũng dễ dàng vào được.
Tuổi đời ít hơn bà Hằng, nhưng bà Trần Thị Thúy ở phường Thủy Châu (TX. Hương Thủy), ngấp nghé tuổi 50, cũng đã có tuổi nghề hơn 30 năm. Bà cười buồn kể: Mẹ tui cũng làm nghề mua bán ve chai nên 18 tuổi tui đã nối nghiệp. Hễ ra đường là khoác lên mình bộ áo quần bảo hộ, găng tay dày cộp, bịt mặt suốt ngày để phù hợp với nghề. Đôi khi không nghĩ mình là phụ nữ vì chẳng bao giờ dùng son phấn nên chật vật mãi mới lấy được chồng. Chừ ở cái tuổi này rồi, đám cưới, đám kỵ ở quê cũng nhiều. Mỗi lần có người mời là thót tim, ít khi tui đi lắm. Bởi, phải sửa soạn áo quần, trang điểm mà mình thì cả năm không sắm nổi bộ đồ mới.
Những người thu mua ve chai thường ở tuổi trung niên, nhưng cũng có những người đã lên chức bà nội, bà ngoại. Mỗi người là một câu chuyện nghe mà cứ mủi lòng. Mỗi ngày, họ đi khắp nơi mua ve chai tầm 30 - 40 cây số. Theo cách lý giải của các chị, phải đi nhiều thì may ra mới mua được nhiều hàng chứ không được đứng một chỗ, vì đâu phải ngày nào người ta cũng có phế liệu bán cho mình.Lo nhất vẫn là mùa mưa, gia chủ ngại dọn đồ đạc trong nhà, nghề ve chai lại ế ẩm... Giờ nghỉ trưa của các chị kéo dài tầm chục phút để ăn trưa với suất cơm 15.000 đồng/người và ngả lưng trên chính chiếc xe chở hàng hoặc gốc cây nào đó để tránh nắng.
Bươn chải với nghề mua bán ve chai. Ảnh: Lê Thị Hồng Nhung |
Hiểm nguy rình rập
Chiếc xe ba gác vừa là nơi chở phế liệu lại vừa là chiếc giường nghỉ ngơi của các bà, các chị. Như chị Huệ, chị Hạnh, những người thường đậu xe ở khu vực Trường An hàng ngày vẫn phải đem con đi cùng trên những chiếc xe thu mua phế liệu. Các cháu còn quá nhỏ mà phải rong ruổi theo những bước mưu sinh với nắng mưa nhọc nhằn cùng mẹ. Đôi khi, những món đồ phế liệu trở thành món đồ chơi mới trong tay các cháu. Đa phần những người làm nghề này, thường có thu nhập thấp, làm ngày nào ăn ngày đó. Một ngày, họ lời từ 50.000 đồng đến 200.000 đồng, nhưng cũng có ngày không có đồng mô. Đồng nghĩa với việc không có thu nhập để trang trải. Lao động quần quật cả ngày nhưng tôi khá bất ngờ khi nhiều chị tiết lộ, một tháng thu nhập không quá 5 triệu đồng. Thế nên, ngày nào mua được nhiều hàng, các chị tự thưởng bằng cách về sớm để chơi với con.
Từ quê lên phố mưu sinh, chị Đỗ Mỹ Anh khá căng thẳng khi đạp xe chở phế liệu trên đường đông đúc. Chị rùng mình nhớ lại: “Lúc đó chị chở tầm 30kg mà ngã lên ngã xuống. Khi qua đường trên xe đạp lỉnh kỉnh ve chai, không thể giơ tay xin đường. Ve chai cồng kềnh, nên thường bị đụng xe, may mà không thiệt mạng”. Chưa kể, nhiều lần chị bị chảy máu tay chân do vướng phải sắt, mảnh thủy tinh nhọn. Đi mua ve chai từ thời con gái, chị Anh gặp đủ loại người, kể cả từng bị một ông già quấy rối. Chị rút kinh nghiệm: “Mỗi khi đàn ông kêu vào nhà dọn dẹp lon bia, tôi yêu cầu họ đưa ra sân chứ không vô nhà nhặt, phải lo thân mình thôi”. Chưa có chính sách bảo vệ cho những người thu mua ve chai. Với nhiều chị, đây là một nghề phù hợp với mình, bởi dừng hành nghề là không có thu nhập, không có một khoản lương hưu để có thể yên tâm an dưỡng, nghỉ ngơi khi quá sức.
“Ráo mồ hôi là hết tiền, cứ ốm đau là chịu chết, o ơi”, tôi ám ảnh khi nghe các chị thốt lên, bởi họ là lao động chính trong nhà. Tôi hỏi, mong ước với nghề nghiệp của mình, bà Nguyễn Thị Mè, ở phường An Hòa chia sẻ, tôi muốn được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, được bảo vệ quyền lợi khi hành nghề, hay đơn giản chỉ là nhận được sự tôn trọng, sự công nhận từ phía xã hội. Chia sẻ, nỗi buồn lớn nhất của người thu gom ve chai là sự tủi hổ khi chịu ánh nhìn không mấy thiện cảm từ bà con làng xóm… Nỗi xót xa khi bị chèn ép, bắt nạt của gia chủ khi nghi ngờ mất tài sản mà có sự xuất hiện của người mua ve chai.
“Thời đại công nghệ số, mua ve chai cũng cần phải cập nhật, kết nối với gia chủ, nhưng chúng tôi nghèo đến nỗi ít ai có điện thoại thông mình, sang lắm thì ngang điện thoại “cục gạch” nên không kết nối được nhiều đơn hàng, bà Hằng ngậm ngùi.
Mỗi người một hoàn cảnh và những vất vả, cơ cực khác nhau, nhưng với họ vẫn chắt chiu niềm tin, hy vọng, bằng sức lao động chân chính của bản thân để nuôi sống gia đình, lo cho con học hành đến nơi, đến chốn. Tôi biết được điều này khi nghe câu chuyện của chị Thúy, cô con gái của chị đã nhận được học bổng và đang du học ở Trung Quốc… Khuôn mặt của người mẹ nghèo sáng bừng lên khi kể về con và đó cũng chính là lẽ sống của nhiều phụ nữ dù gồng mình để mưu sinh mà vẫn không bỏ cuộc.
THU HUẾ
Tin mới
|
|
|
|