Nêu cao tinh thần trách nhiệm
Khi theo chân ông Trần Quyết Thắng, Phó Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Vang về địa bàn xã Phú Hải, gặp chị Đặng Thị Hồng, Phan Thị Thủy, Phan Thị Hương (chị Hương nhiều năm qua là Tổ trưởng tổ TK&VV, nay mới đảm nhiệm cương vị mới – Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Phú Hải), được biết những trường hợp “gay cấn”, tôi mới hiểu vất vả mà những tổ trưởng tổ TK&VV phải “đương đầu”. Từ đó hiểu về trách nhiệm mà họ đã, đang và sẽ còn gánh vác.
Ấn tượng nhất là trường hợp bà H. làm nghề buôn bán cá. Một thời gian sau khi được vay vốn chính sách, bà H. thường vắng mặt tại địa phương. Chị Phan Thị Hương và Phan Thị Thủy “ngược xuôi” tìm hiểu mới được biết, do công việc buôn bán tại Phú Diên gặp khó khăn, bà H. đến chợ đầu mối Phú Hậu (TP. Huế) tìm cơ hội làm ăn mới. Mỗi ngày, bà H. rời nhà lúc 3 giờ sáng và trở về nhà lúc khuya muộn, dẫn đến trở ngại trong tiếp cận, gặp gỡ. Chị Hương cùng chị Thủy không ít lần vài chục km đi về, tìm gặp bà H. tại chợ đầu mối Phú Hậu, khuyên nhủ, vận động, đôn đốc việc trả nợ gốc, lãi. “Bà H. cam kết và thực hiện nghiêm túc nghĩa vụ của người vay” - chị Hương chia sẻ.
Người dân trên địa bàn Phú Hải cũng đã quá quen thuộc hình ảnh chị Đặng Thị Hồng, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Cự Lại Trung tận tụy “chạy lui chạy tới”, rà soát đối tượng vay vốn; giúp cho trưởng thôn bình xét mức vay chính xác, phối hợp với Hội Phụ nữ xã kiểm tra việc người vay sử dụng vốn có đúng mục đích không? Bằng tinh thần trách nhiệm như thế, suốt 15 năm chị Hồng đảm nhiệm cương vị tổ trưởng tổ TK&VV, các tổ viên vay vốn đều thực hiện tốt việc trả nợ; tổ chưa bao giờ bị nợ xấu.
Những đóng góp
Chúng tôi cũng đã từng gặp những tổ trưởng Tổ TK&VV luôn nêu cao tinh thần trách nhiệm như thế ở Phú Diên, Vinh Thanh, Phú Gia, Vinh Hà… Đặc biệt, những địa bàn có tổ viên vay vốn là người từng lầm lỡ, trách nhiệm của tổ trưởng tổ TK&VV càng phải cao hơn. Chị Nguyễn Thị Như Ý, Tổ trưởng Tổ TK&VV thôn Phường Tư, xã Vinh Hà bộc bạch những lời tự đáy lòng, chị đã từng không khỏi lo lắng đối với trường hợp anh Đ., một người từng phải chấp hành hình phạt 7 năm tù, được vay 70 triệu đồng để phát triển kinh tế.
Lo thì lo, nhưng cao hơn hết vẫn là trách nhiệm, cùng chung tay hỗ trợ những người từng lầm lỡ, sớm ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng; tạo điều kiện để họ đoạn tuyệt với sai lầm trước đây, trở thành người có ích cho xã hội. Đó cũng là ý nghĩa nhân văn của chính sách tín dụng của Đảng và Nhà nước, mà những “cánh tay nối dài” của NHCSXH cần phải hết lòng thực hiện.
Mô hình sản xuất hàng may mặc phát triển hiệu quả từ nguồn vốn chính sách
Thường xuyên đồng hành, giám sát, đồng thời động viên, khích lệ, niềm vui của người tổ trưởng tổ TK&VV càng tròn đầy khi anh Đ. chăm chỉ chí thú cùng vợ làm ăn. Xưởng sản xuất hàng may mặc gia công của vợ chồng anh Đ. ngày càng phát triển, không những phát triển kinh tế cho gia đình, mà còn tạo công ăn việc làm cho 16 lao động trên địa bàn.
Theo ông Hoàng Minh Tứ, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Phú Vang: Bằng tinh thần trách nhiệm, sự sâu sát thực tế, cơ sở, thấu hiểu từng hoàn cảnh đối tượng chính sách trên địa bàn, những tổ trưởng tổ TK&VV đã đóng góp hiệu quả trong việc bình xét từ cơ sở; đồng vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách kịp thời, tạo niềm tin trong Nhân dân. Họ cũng là những người có đóng góp không nhỏ trong kiểm tra, giám sát quá trình sử dụng vốn vay, đôn đốc người vay trả nợ gốc, lãi theo thỏa thuận, thông báo kịp thời cho NHCSXH nơi cho vay về các trường hợp sử dụng vốn vay bị rủi ro do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan, để có biện pháp xử lý “tháo gỡ” kịp thời, thích hợp.
Đội ngũ ban quản lý tổ TK&VV trên địa bàn huyện là bộ phận quan trọng, góp phần làm cho người dân và các hộ vay vốn hiểu hơn về NHCSXH, có ý thức, trách nhiệm hơn đối với khoản vay của mình và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn; sử dụng vốn đúng mục đích, tạo thói quen dành dụm gửi tiền tiết kiệm. Nhờ thế, nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững và nhiều mô hình làm ăn hiệu quả được nhân rộng.
Quỳnh Anh – Quyết Thắng