Suốt quãng đường từ trung tâm thị xã đến vườn chị Hà, tôi đã được cán bộ Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) phường Phú Bài giới thiệu và khen ngợi về mô hình kinh tế của chị Hà nên ít nhiều tôi cũng đã mường tượng về quy mô rộng lớn của mô hình VAC. Nhưng khi đến nơi, tôi đã thực sự “choáng ngợp”, bởi diện tích rộng cùng màu xanh bạt ngàn của vườn ươm, cây ăn quả chi chít trái...
Đang hướng dẫn cho nhân công ươm cây giống, chị Hà đón chúng tôi và dẫn đi giới thiệu mô hình của mình. “Tốt nghiệp chuyên ngành sư phạm, theo chồng vào đây nên tôi phải bắt đầu lại từ đầu. Cũng chẳng có ý định làm “nông dân” đâu, nhưng không có công việc ổn định nên vợ chồng tôi bàn với nhau thuê đất để khởi nghiệp. Qua tìm hiểu, tôi nhận thấy việc phát triển rừng kinh tế ngày càng mạnh, do đó nhu cầu cây giống trên địa bàn và các vùng lân cận rất lớn nhưng nguồn cung tại địa phương không đủ. Vì vậy, tôi đã tìm tòi kỹ thuật ươm, chiết cây giống keo, tràm. Bắt đầu học hỏi từ kỹ thuật làm đất, chọn giống và ươm cây keo. Sau khi định hình được mọi quy trình, kỹ thuật về làm đất, chọn giống, gieo ươm… vợ chồng tôi bắt tay làm đất, lên luống, che lưới chống nắng, lắp đặt hệ thống tưới tiêu nước rồi hợp đồng đặt mua giống cây keo để gieo. Không quá nặng nhọc, nhưng làm vườn ươm, tôi phải tỉ mỉ từng khâu, từ kỹ thuật từ cắt hom cây, giâm cây và tưới nước bằng hệ thống phun sao cho cây đủ mát, đất đủ thấm; chủ động phòng trừ sâu bệnh cho cây. Cũng không phải là thành công từ những lứa đầu, nhưng sự đón nhận của thị trường là động lực để tôi luôn cố gắng và có những thành quả như hôm nay”, chị Hà bộc bạch.
Năm 2015, chị Hà khởi nghiệp từ mô hình ươm cây giống, sau hơn 2 năm vừa làm vừa đúc kết kinh nghiệm và có chút lãi từ vườn ươm, chị Hà lại mày mò tìm hiểu thêm về điều kiện thổ nhưỡng để xây dựng mô hình VAC trên mảnh đất còn lại.
Bắt đầu từ những giống cây nhanh thu hoạch như ổi, cam, chanh... sau đó chị Hà trồng thêm bưởi da xanh, hồng xiêm, na... Đến nay, diện tích hơn 3ha vườn cây ăn quả của chị Hà đã cho thu hoạch ổn định.
Theo chị Hà, trồng cây ăn quả quan trọng nhất là khâu chọn giống, không những cây giống phải khỏe mạnh, mà giống cây phải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của vùng. Qua quá trình trồng và chăm sóc, chị Hà nhận thấy những loại cây có múi như chanh, cam, bưởi rất thích hợp với vùng có khí hậu khá khắc nghiệt như phường Phú Bài.
Dẫn chúng tôi đi giới thiệu những “quả ngọt” mà mình vun xới bấy lâu, nhưng chị Hà phải “cắt ngang” cuộc trò chuyện cả chục lần để nghe điện thoại của thương lái. Bởi, từ cây ổi, cho đến cây chanh, mít... hay đàn gà, heo, bò... chị Hà đều trồng trọt, chăn nuôi đúng quy trình, không sử dụng các hóa chất độc hại nên sản phẩm đầu ra của chị luôn đắt hàng, cung không đủ cầu.
Có hướng đi đúng, áp dụng hiệu quả tiến bộ kỹ thuật, mô hình kinh tế của chị Hà đã đem lại lợi nhuận cao, trừ chi phí mỗi năm chị Hà thu lãi hơn 300 triệu đồng.
Bà Võ Thị Thảo Nguyên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phú Bài cho biết: Dù bận rộn với công việc của trang trại nhưng chị Hà vẫn tích cực tham gia các hoạt động phụ nữ địa phương. Không những là một điển hình trong phát triển kinh tế, tấm gương cho các hội viên noi theo, chị Hà sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm khởi nghiệp, phát triển kinh tế mà mình có. Mô hình kinh tế của chị Hà giải quyết việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động địa phương, chủ yếu là các hội viên phụ nữ.
Hội LHPN phường Phú Bài