Năng động và sáng tạo
Ngày cập nhật 22/10/2024

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đã và đang xây dựng hình ảnh và phẩm chất người phụ nữ đáp ứng yêu cầu thời đại mới: Có tri thức, đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội và đất nước.

 Hội viên phụ nữ giới thiệu các sản phẩm khởi nghiệp

Từ sự thay đổi bản thân

Nhận thấy nghề truyền thống làm hương trầm, các sản phẩm về trầm hương của gia đình có thể phát triển và hội nhập, chị Nguyễn Thị Kim Lang (hội viên phụ nữ phường Phường Đúc, TP. Huế) đã “số hóa” những sản phẩm của gia đình. Với những kiến thức học hỏi được, chị Kim Lang đã mạnh dạn đưa sản phẩm lên các trang thương mại điện tử (TMĐT). Ngoài nguồn thu từ cửa hàng, những đơn hàng là các sản phẩm như chuỗi hạt, tượng... của gia đình trên các sàn TMĐT tăng lên đáng kể, cùng những phản hồi, đánh giá tích cực của khách hàng.

“Nhờ thường xuyên tham gia hoạt động của Hội LHPN các cấp, tôi mới mạnh dạn vươn ra thị trường lớn hơn. Trong xu hướng hiện nay, kinh doanh mà không nắm bắt thị hiếu, không năng động là thua. Công ty của tôi đang mở rộng, đa dạng các sản phẩm về trầm để đáp ứng nhu cầu của khách hàng ở nhiều lứa tuổi khác nhau”, chị Kim Lang chia sẻ.

Sự năng động, sáng tạo của chị Đỗ Ngọc Quỳnh Châu đã góp phần mang thương hiệu sen Thừa Thiên Huế đi muôn nơi. Chị Quỳnh Châu là Phó Giám đốc Hợp tác xã Sen Huế Bách Liên Ngự, đóng trên địa bàn huyện Phong Điền. Hợp tác xã đang kinh doanh 13 sản phẩm từ sen, như: Trà tim sen, củ sen khô, hạt sen khô, bột củ sen... Sen do hợp tác xã thu mua ở vùng nguyên liệu được sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ, VietGAP với diện tích trên 50ha ở địa bàn huyện Phong Điền.

“Ngoài chất lượng sản phẩm thì hình thức đóng gói rất quan trọng. Do đó, chúng tôi lựa chọn những mẫu mã bắt mắt, nhưng không quá cầu kỳ để phù hợp với số đông khách hàng. Việc chăm sóc khách hàng cũng là điều cần thiết. Bởi những đánh giá của khách về chất lượng sản phẩm trên các sàn TMĐT rất quan trọng. Muốn kinh doanh được trên các sàn TMĐT thì buộc chúng ta phải biết thay đổi tư duy, sáng tạo; thay đổi theo hướng tích cực thì mỗi người phụ nữ phải trang bị cho mình nhiều kiến thức”, chị Châu nói.

Chị Đặng Thị Hồng (Quảng An, Quảng Điền) đã mạnh dạn khởi nghiệp với thương hiệu mì rau củ sạch Hồng Toàn. Điều chị hướng đến là dòng thực phẩm sạch, an toàn từ rau, củ, quả sạch có sẵn ở địa phương. Sau thời gian “bôn ba” đi tìm thị trường, giờ đây, sản phẩm của chị cũng đã dần chinh phục được người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

“Từ một người “mù” công nghệ, nay tôi có thể mạnh dạn đứng trước bao nhiêu người để livestream bán hàng, biết cách làm những video ngắn... để quảng bá sản phẩm. Dù chưa là gì so với những phụ nữ thành đạt, nhưng đó cũng là sự nỗ lực, cố gắng vươn lên của bản thân”, chị Hồng bộc bạch.

Nâng cao vị thế phụ nữ

Không chỉ sáng tạo, học hỏi trong kinh doanh, phát triển kinh tế gia đình, mà vẻ đẹp tri thức cũng là điều mà chị em phụ nữ đã và đang hướng đến. Cùng với việc “giữ lửa” tổ ấm, nhiều phụ nữ đã tự tin khẳng định vị thế của mình, cống hiến tâm sức cho cộng đồng và xã hội bằng sự năng động. Chính sự độc lập, tự chủ đã giúp người phụ nữ để lại dấu ấn với những giá trị riêng.

Từ những phong trào, mô hình thiết thực như “Mẹ đỡ đầu”, gia đình “5 không, 3 sạch” hay Đề án 939 về phụ nữ khởi nghiệp là nơi để các chị học hỏi, trau dồi kiến thức, khả năng cũng như thể hiện được những ưu điểm của mình.

Đặc biệt, việc ứng dụng công nghệ số trong việc giới thiệu các sản phẩm của các mô hình khởi nghiệp được các cấp hội triển khai rộng rãi. Hội LHPN tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn nâng cao nhận thức về chuyển đổi số, kinh doanh online, ứng dụng nền tảng số để quảng bá, giới thiệu sản phẩm, tham gia sàn TMĐT. Đến nay đã có hàng trăm sản phẩm của hội viên, phụ nữ Thừa Thiên Huế được giới thiệu trên không gian mạng. Đây là những minh chứng rõ nét nhất cho sự hội nhập thời đại, tinh thần khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ trên nền tảng số, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội chung của toàn tỉnh.

Bà Trần Thị Kim Loan, TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Các chương trình, đề án khởi nghiệp đã tạo được sức lan tỏa mạnh mẽ tinh thần khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo trong hội viên. Với các ý tưởng đề án có tính ứng dụng cao, sau khi triển khai, kết nối thành công đã tạo việc làm, tăng thu nhập cải thiện cuộc sống của hội viên phụ nữ. Đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh đã có 991 phụ nữ khởi nghiệp và khởi sự kinh doanh; tổ chức hội đã đồng hành, hỗ trợ thành lập mới 14 doanh nghiệp nữ và 4 hợp tác xã do phụ nữ làm chủ...

Từ phong trào phụ nữ khởi nghiệp, ngày càng có nhiều chị em vươn lên khẳng định mình trên các lĩnh vực, nhất là làm chủ kinh tế. Việc không ngừng học hỏi, nỗ lực tích lũy kiến thức đã giúp chị em có những hiểu biết về mọi mặt, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kinh doanh, phục vụ đời sống hằng ngày. Việc ứng dụng, chuyển đổi số và TMĐT đã giúp hội viên thay đổi tư duy, phương thức bán hàng từ trực tiếp sang livestream, quảng bá sản phẩm, kết nối qua các kênh của phụ nữ... để sản phẩm của mình vươn xa.

Khởi nghiệp, phát triển kinh tế là con đường để phụ nữ vươn lên, phát huy khả năng của mình; đồng thời, tạo cho mình một chỗ đứng trong gia đình, xã hội. Khi phụ nữ có chỗ đứng và tiếng nói, sẽ thực mục tiêu bình đẳng giới, xóa bỏ mọi rào cản về định kiến giới...

Bài, ảnh: THANH THẢO
Tin mới
Xem tin theo ngày