Việt Nam thúc đẩy bình đẳng giới trong suốt quá trình phát triển
Ngày cập nhật 18/07/2022

Chiều 23/6, tại Bangkok (Thái Lan), Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân đã dẫn đầu đoàn đại biểu Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu năm 2022 với chủ đề: “Phụ nữ: Tạo cơ hội trong thực trạng mới".

Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, hội nghị năm nay thu hút sự tham gia của hơn 600 đại biểu đến từ 52 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó có Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha, nhiều quan chức cấp bộ trưởng, thứ trưởng, hàng trăm nữ lãnh đạo doanh nghiệp và đại diện các tổ chức phụ nữ ở các khu vực trên thế giới.

Tại lễ khai mạc, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha và Chủ tịch Hội nghị Irene Natividad đều nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thúc đẩy bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội; cho rằng đây là yếu tố có ý nghĩa ngày càng thiết thực trong bối cảnh nhiều thách thức và biến động như hiện nay.
 
Thủ tướng Thái Lan, với tư cách nước chủ nhà hội nghị năm nay, đánh giá cao vai trò và những đóng góp tích cực của Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu trong tiến trình này, đặc biệt trong việc tìm kiếm các giải pháp nhằm khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ và tăng cường giao lưu, kết nối giữa các nữ chính khách, doanh nhân vì sự phát triển và tiến bộ xã hội.
 
Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân phát biểu tại Lễ Khai mạc Hội nghị Thượng đỉnh Phụ nữ Toàn cầu năm 2022. Ảnh: Ngọc Quang/TTXVN
 
Là 1 trong 3 diễn giả chính tại lễ khai mạc, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân nhận định thế giới đang phải đối mặt với những bất ổn chưa từng có do tác động kép từ đại dịch COVID-19 và các cuộc khủng hoảng, xung đột gây ra, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi, sinh kế của phụ nữ ở nhiều quốc gia, khu vực; song những khó khăn, thách thức này hoàn toàn có thể được chuyển hóa thành cơ hội trong điều kiện thế giới hậu đại dịch đang chuyển đổi nhanh chóng để phục hồi và vươn lên, với nhiều xu hướng tích cực về phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm, chuyển đổi số, tăng cường quan hệ đối tác công tư, bảo đảm an sinh xã hội, cải cách giáo dục.
 
Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch nước đã đề xuất 4 nhóm giải pháp quan trọng nhằm tận dụng tiềm năng và vai trò của phụ nữ trong quá trình hoạch định chính sách phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, bao gồm:
 
Thứ nhất, tăng cường hơn nữa sự tham gia của phụ nữ trong quá trình xây dựng và triển khai các chính sách phát triển.
 
Thứ hai, nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ thông qua xây dựng các cơ chế, chính sách khuyến khích phụ nữ khởi nghiệp, tiếp cận vốn và tri thức số.
 
Thứ ba, đẩy mạnh các sáng kiến lồng ghép giới và trao quyền cho phụ nữ trong ứng phó với các thách thức như biến đổi khí hậu, thiên tai và bảo đảm sinh kế bền vững.
 
Thứ tư, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực nữ nhằm phát huy tiềm năng, thế mạnh và tinh thần làm chủ của phụ nữ, đồng thời đặt trọng tâm vào xây dựng chiến lược đào tạo đối với trẻ em gái để trở thành nguồn nhân lực ưu tú cho tương lai.
 
Phó Chủ tịch nước khẳng định chính sách nhất quán và xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam là thúc đẩy bình đẳng giới theo từng giai đoạn phát triển đất nước.
 
Trước tác động sâu rộng của đại dịch COVID-19, Việt Nam đã có nhiều chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn, trong đó ưu tiên phụ nữ và trẻ em gái, với ba gói hỗ trợ có tổng trị giá khoảng 5,5 tỷ USD.
 
Phó Chủ tịch nước thông báo những thành quả nổi bật của phụ nữ Việt Nam trong các lĩnh vực chính trị, kinh tế và xã hội, trong đó nữ đại biểu Quốc hội đạt 30%, tỷ lệ các bộ, cơ quan ngang bộ có lãnh đạo chủ chốt là nữ đạt 50%, tỷ lệ doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ đạt 29,8%.
 
Trong khuôn khổ hợp tác quốc tế, Việt Nam đã đề xuất, chủ trì xây dựng nhiều sáng kiến về bình đẳng giới trong khuôn khổ Hội đồng Nhân quyền và Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc; duy trì sự tham gia của phụ nữ Việt Nam trong sứ mệnh gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc luôn ở tỷ lệ cao hơn mức khuyến khích của Liên hợp quốc; đạt nhiều tiến bộ trong thực hiện các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDG), trong đó có các mục tiêu về thúc đẩy bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái.
 
Phó Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam đang tập trung triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, trong đó có nhiều chính sách ưu tiên, hỗ trợ phụ nữ và trẻ em gái; đồng thời tích cực hoàn thiện chính sách, pháp luật để tạo thuận lợi hơn nữa cho phụ nữ trong lĩnh vực kinh tế, phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ vào các lĩnh vực tạo ra giá trị gia tăng cao như khoa học-công nghệ, kỹ thuật, nông nghiệp chất lượng cao.
 
Cùng ngày, đoàn đại biểu Việt Nam gồm lãnh đạo một số bộ, ngành đã tham gia, đóng góp tích cực tại các hoạt động của hội nghị, trong đó có phiên thảo luận bàn tròn cấp bộ trưởng về xây dựng quan hệ đối tác công-tư trong việc tăng cường cơ hội kinh tế cho phụ nữ.
 
Trong hai ngày tiếp theo của hội nghị, đoàn Việt Nam sẽ tham gia thảo luận về nhiều chủ đề được cộng đồng quốc tế quan tâm hiện nay như xu hướng mới nổi trong phát triển, công tác quản lý trước thách thức của tình hình mới, tận dụng công nghệ để mở rộng kinh doanh quốc tế, phát huy thành quả của công nghệ trong hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, bảo vệ các hoạt động thương mại trong kỷ nguyên số, duy trì lực lượng lao động đa thế hệ…
 
Được thành lập và hoạt động từ năm 1990, Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu là một diễn đàn quốc tế lớn về bình đẳng giới.
 
Hội nghị là nơi quy tụ các chính khách và doanh nhân từ khắp mọi nơi trên thế giới đến để trao đổi và thúc đẩy các sáng kiến nhằm khuyến khích sự đóng góp và tăng cường vai trò của phụ nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế.
 
Việt Nam luôn tham dự Hội nghị Thượng đỉnh phụ nữ toàn cầu ở cấp cao do Phó Chủ tịch nước làm Trưởng đoàn và có nhiều đóng góp thực chất.
 
Năm 2008, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội nghị tại Hà Nội với chủ đề “Phụ nữ và châu Á - Động lực của nền kinh tế toàn cầu”.
 
Nguồn: TTXVN/Vietnam+

 

Tin mới
Xem tin theo ngày