Tìm kiếm tin tức
Đơn vị hỗ trợ
Liên kết website
Thống kê truy cập
Truy cập tổng 5.893.657
Truy cập hiện tại 627
KHAO KHÁT GIỮ GÌN LOÀI SEN CỔ ĐẤT CỐ ĐÔ
Ngày cập nhật 11/06/2020
Chị Phạm Thị Diệu Huyền

Khởi động dự án Mộc Truly Hue’s, trồng sen trắng trên mặt ao với diện tích lớn, nhiều người cho rằng chị Phạm Thị Diệu Huyền (sinh năm 1985) đang “mạo hiểm”.

Tuy nhiên, sau một thời gian ngắn bước vào dự án, người con gái xứ Huế đã chứng minh mình mạo hiểm thành công. Không chỉ cho ra những sản phẩm đặc sắc từ sen trắng, Diệu Huyền còn góp phần làm đẹp thêm diện mạo của thành phố du lịch nổi tiếng này với những hồ sen trắng đan xen giữa lòng cố đô.

Chị Phạm Thị Diệu Huyền - người đau đáu muốn giữ gìn và phát triển sen Huế

Chia sẻ về ý tưởng trồng sen Huế, chị Diệu Huyền cho biết, Huế là thành phố du lịch gắn với quà tặng và đặc sản, nhưng hiện nay sản phẩm quà tặng của Huế chưa đáp ứng được nhu cầu của khách du lịch. Bên cạnh đó, có nhiều sản phẩm mạo danh hoặc giả làm nhái sản phẩm sen Huế. Huế có rất nhiều đặc sản, nhưng có rất nhiều các sản phẩm ngày ngày càng bị mai một và thất truyền. Có sản phẩm thì không được làm bài bản chuyên nghiệp, không có bao bì, gắn nhãn mác vệ sinh an toàn thực phẩm… Chính vì những lí do đó mà Diệu Huyền muốn khởi nghiệp với đặc sản của kinh thành Huế là sen trắng.

Nâng tầm giá trị cây sen Huế

Không chỉ có thế, ý tưởng khởi nghiệp còn xuất phát từ sự yêu thích đặc biệt đối với loài hoa sen trắng cổ mà hiện nay đang được trồng quá ít và có nguy cơ mai một, mất dần. "Tôi muốn có nhiều sen trắng sáng sớm ngát hương ở cố đô và muốn nâng tầm giá trị cây sen trắng bằng những sản phẩm đặc sắc. Đây là dự án tâm huyết của tôi, tôi muốn làm một cái gì đó giúp Huế ngày càng phát triển và du khách cũng biết đến Huế nhiều hơn", chị Diệu Huyền tâm sự.

Miệt mài tìm hiểu, nghiên cứu và đi vào thực tế, Diệu Huyền đã thuyết phục được gia đình, ban quản lý trung tâm để thực hiện bằng được dự án

Để bắt đầu trồng sen, Diệu Huyền phải tìm hết các tư liệu về việc trồng sen, cách thức trồng sen cũng như những khó khăn, bệnh tật của sen trong việc nuôi trồng. Tiếp đến, chị gặp các nông dân trồng sen lâu năm, các nghệ nhân trồng sen để học tập và kết hợp trong việc tìm giống, nuôi trồng và chăm sóc. Tâm huyết với sen, chị đã xin Ban quản lý Trung tâm bảo tồn di tích Huế để được trồng sen bên trong lăng, trong thành hào từ giữa cửa Nhà Đồ đến cầu Dã Viên, đồng thời thuê thêm các hồ của người dân để trồng sen.

Khi bắt tay vào làm, việc đầu tiên là dọn bèo, Diệu Huyền và các công nhân đã mất nửa tháng cho công đoạn này.

Chị Huyền cho biết, việc dọn hồ, làm sạch mặt hồ là mất nhiều công sức nhất, phải triển khai mất 6 tháng để nạo vét, đưa nước sạch vào hồ, loại bỏ mọi ô nhiễm. Công đoạn này lúc ban đầu gặp nhiều trắc trở và nguồn vốn bỏ ra tương đối lớn. Thế nhưng, với niềm yêu thích mãnh liệt với sen, chị đã hoàn thành được khối công việc đồ sộ này để bước vào giai đoạn trồng sen trắng, vừa làm đẹp cảnh quan du lịch thành phố, vừa làm ra nhưng ản phẩm có giá trị kinh tế cao.

Bán sen vào buổi sáng sớm

"Đã là khởi nghiệp thì chắc chắn sẽ gặp phải khó khăn. Đây là một dự án hết sức tâm huyết đối với tôi nên tôi dồn cả sức lực và tâm trí của mình để phát triển sản phẩm. Có nhiều lúc tôi gặp phải khó khăn, công việc quá nhiều, một là bỏ hai là theo! Theo phải có người giúp. Thú thật là tôi cũng đã có lúc định rời bỏ công việc khó khăn này, nhưng ông xã đã hiểu được tâm huyết của vợ, hy sinh cả công việc để cùng tôi phát triển sen Huế. Với nỗ lực của hai vợ chồng, hiện nay chúng tôi đã có khoảng 10 hecta trồng sen và sản xuất ra các sản phẩm: Hạt sen tươi, hạt sen khô, trà ướp xổi, trà hoa sen sấy, trà lá sen… Nếu những sản phẩm trên hoàn thiện tất cả thì Mộc sẽ tiếp tục phát triển thêm một số sản phẩm về sen khác", vị giám đốc thế hệ 8X tự hào cho biết.

Để du khách lạc vào hồn Huế với sen

Chị Diệu Huyền cũng khẳng định rằng, dự án không chỉ với mục đích kinh tế mà còn với mong muốn bảo tồn và phát triển giống sen Huế, giúp Huế lưu giữ những sản vật cổ không bị thất truyền và hơn thế nữa là đưa sen Huế đến mọi miền tổ quốc, để mọi người được thưởng thức sản vật mang vị thơm, ngọt, bùi này. Chính vì vậy, dự án Mộc Truly Hue's là một trong những dự án được tỉnh Thừa Thiên – Huế đánh giá cao và được sự giúp đỡ của các sở, ban ngành trong quá trình tiến hành dự án. Chị cũng mong muốn trong tương lai sẽ đưa những sản phẩm của sen Huế đi đến mọi miền tổ quốc và xuất khẩu ra nước ngoài.

Diệu Huyền ướp trà sen tại hồ từ sáng sớm

Để có thể đưa những sản phẩm của Mộc đi xa hơn, chị Diệu Huyền đã không quản ngày đêm mày mò sáng tạo, đưa chất liệu màu sắc, mô-tip của văn hóa Huế vào họa tiết, mẫu mã bao bì sản phẩm. Chị cho biết, ngoài thưởng thức sản phẩm, chị muốn giới thiệu với du khách những câu chuyện về văn hóa, đặc biệt là về loài sen trắng đặc sản của thành phố Huế.

Các sản phẩm hoa sen sấy

Tại cuộc thi Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Thừa Thiên Huế năm 2019, Mộc Truly Hue's do chị Nguyễn Thị Diệu Huyền sáng lập và điều hành đã vinh dự nhận được Giải A do Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên - Huế trao tặng. Giải thưởng là nguồn động viên lớn đối với những nỗ lực của Diệu Huyền, nhưng còn một giải thưởng tinh thần lớn hơn nữa là mỗi sáng thức dậy chị lại được thưởng thức mùi hương sen phảng phất trong cái dịu dàng trầm lắng của mảnh đất cố đô, sản vật do chính chị chung tay phục dựng và bảo tồn.

 

 

Các sản phẩm của Mộc Truly Hue's gồm có: Trà hoa sen sấy lạnh; Trà hoa sen ướp xổi; Trà Tâm Sen; Trà lá Sen; Hạt Sen tươi... mè xửng, kẹo cau, kẹo kéo, mứt gừng, mứt nghệ...

Công ty TNHH Mộc Truly Huế số 2 Đoàn Thị Điểm, Phường Thuận Thành, TP Huế

website: http://moctrulyhue.com/; SĐT: 0902419151

 
https://phunuvietnam.vn/

 

Tin mới
Xem tin theo ngày