Tôi quen biết Từ Nguyễn từ khi chị còn là một cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Hương Thủy. Tôi cũng biết chị đã từng là Cô giáo dạy văn. Nhưng khi chị chuyển sang làm công tác Hội phụ nữ, trong mắt tôi, lúc ấy chị là một cán bộ Hội năng nổ, nhiệt tình, đầy tâm huyết, nói là làm và làm việc có phần hơi nguyên tắc. Tôi cũng không biết chị làm thơ từ lúc nào, chỉ biết vào năm 2009 khi chị tặng tôi tập thơ đầu tay có tựa đề “Như một nỗi đời riêng”, lúc đó chị đã chuyển sang công tác tại Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hương Thủy. Cầm tập thơ trên tay, mới đọc lướt qua tôi không khỏi ngỡ ngàng, hóa ra đằng sau con người có dáng vẻ hơi nam tính, cứng cỏi ấy lại là một tâm hồn thơ đằm thắm, dịu dàng, rất phụ nữ!
Càng ngạc nhiên hơn, khi trong Đêm thơ Nguyên tiêu 2012 do Liên hiệp các Hội Văn học, Nghệ thuật tỉnh tổ chức tại Nghinh Lương Đình, chị đã đọc bài thơ “ Bên anh- em là mùa xuân” chị vừa sáng tác cuối đông 2011. Tôi có đùa chị, già rồi mà sao viết thơ tình lãng mạn và hay thế. Chị đùa lại: gừng càng già càng cay! Tôi chợt nghĩ, hóa ra càng trải nghiệm nhiều qua cuộc sống thì thơ tình càng mãnh liệt, nồng nàn và có phần lắng đọng, chứ tâm hồn và tình cảm thì chẳng hề già cỗi theo năm tháng và tuổi tác, điều đó đúng với thơ của Từ Nguyễn. Tuy nhiên, cũng không phải vì quá từng trải mà thơ chị mất đi sự trong trẻo, thanh khiết - cái vốn có của tình yêu, bởi trong thơ chị tôi vẫn đọc được nhiều vần điệu còn tươi trẻ lắm, trẻ hơn cái tuổi của chị nhiều:
“ Lá không úa vàng vì tình xanh đang gần lắm
...Con tim rung ngân cất lời tươi trẻ...”
Cũng như bài thơ “Một tiếng yêu mềm” hay “Giọt tình”, ở “Bên anh - em là mùa xuân” nhịp điệu thơ cất lên rất khiêm nhường, nhẹ nhàng, từ tốn; thứ âm thanh không ồn ào mà thoảng nhẹ, như một tiếng vọng cất lên từ trong sâu thẳm tâm hồn, từ trái tim ấp ủ yêu thương.
“Anh có nghe từ đất trời
Lời thì thầm
Rót từng giọt trong, vui
Là tình yêu dậy lên từ hương cỏ
Câu nồng nàn lao xao của gió...”
Trong khung cảnh ấm áp của mùa xuân, khi cây cỏ đâm chồi nảy lộc, vạn vật như bừng lên một sức sống mới sau một mùa đông dài lạnh lẽo. Lòng người như cũng muốn giao hòa cùng trời đất, tràn ngập cảm xúc yêu thương, cũng " bật lên" tiếng nói của tình yêu, dù tiếng nói ấy còn e ấp, “thì thầm, lao xao như gió thoảng”. Tình yêu ấy là có thực nhưng lại rất lung linh, huyền ảo, Anh phải lắng nghe bằng con tim thì mới cảm nhận được! Lời thơ của chị tha thiết quá, như tình cảm của người phụ nữ khi yêu. Rất đằm thắm, dịu dàng và rất nữ tính.
“Lắng nghe nhé anh
Điều em muốn ngỏ
Khe khẽ thôi mà tha thiết lắm đó, anh!”
Người phụ nữ khi muốn thổ lộ, bày tỏ tình cảm của mình họ không muốn nói thẳng, nói một cách trực diện mà thường ví von, nói gần nói xa. Người phụ nữ trong thơ của Từ Nguyễn cũng đã “ mượn” hoa cỏ mùa xuân để bày tỏ, thổ lộ lòng mình.
“Em sẽ không tìm trong ký ức mùa thu buồn
Chút mưa qua chiều...
Em biết rồi: chỉ thêm long lanh màu nắng
Lá không úa vàng vì tình xanh đang gần lắm
Mình bên nhau
Mùa yêu thương về
say đắm...
miên man...”
Mùa xuân đang về, những rét buốt, lạnh lẽo của mùa đông cũng đã qua đi, cũng như tình yêu em giành cho Anh không bao giờ úa vàng như chiếc lá mùa thu, cũng không già cỗi, khô cằn như chiếc lá mùa đông mà là chồi non, lộc biếc đầy sức sống khi xuân về! Tôi nghĩ, ý chủ đạo của bài thơ là ở chỗ đó,,nếu được ở bên anh, được gần anh “ được yêu anh và được anh yêu” thì... em mãi mãi là mùa xuân của cuộc đời!
Như lời một bài tình ca nổi tiếng:
“Khi chiếc lá xa cành
Lá không còn màu xanh
Mà sao em xa anh
Đời vẫn xanh vời vợi
Có gì đâu em ơi
Tình yêu là sự sống...”
Với Từ Nguyễn, tình yêu em dành cho anh không bao giờ già, có thể tuổi tác của em thì ngày càng lớn “ lá không úa vàng vì tình xanh đang gần lắm”, đọc câu thơ này tôi liên tưởng đến lời bài hát “Hoa cau vườn trầu” cũng ví “Một lá trầu xanh, thắm tình em chẳng phai màu"... Không biết tôi có chủ quan, nhưng đọc một số bài thơ của Từ Nguyễn tôi có cảm giác, người đàn ông trong thơ chị có chút gì đó hơi “hờ hững”, “ vô tình”? Hay người phụ nữ trong thơ chị tuy có phần e ấp, kín đáo nhưng yêu rất mãnh liệt, sợ anh không “ thấu hiểu hết lòng em” hay sao mà, trong suốt bài thơ, từ khổ đầu cho đến khổ cuối, chị cứ luôn tha thiết mời gọi: “Lắng nghe nhé Anh”, “Anh có nghe!”, “Xin hãy nghe!”... Dù không nói ra, nhưng qua cách thể hiện với những âm điệu, từ ngữ đó, tôi còn đọc được ở đây tính cách hiền thục, dịu dàng, nết na của người phụ nữ Huế với những tiếng thưa, dạ, chi rứa... nghe đến nao lòng!
Như tựa đề của bài thơ “ Bên anh, em là mùa xuân” người phụ nữ trong bài thơ chị, dù tuổi tác có già theo qui luật tự nhiên của đời thường, nhưng khi trong lòng tràn ngập một tình yêu đôi lứa, tình cảm vợ chồng thì họ vẫn mãi mãi trẻ trung như mùa xuân, điều đó đã được Từ Nguyễn chủ ý khi dùng những từ “Lá không úa vàng vì tình xanh đang gần lắm” hay “Con tim rung ngân cất lời tươi trẻ”, “ Nụ biếc bên cành và em mãi bên anh”. Tất cả vẫn rất non trẻ, tinh khôi, như những chồi non, lộc biếc của mùa xuân vừa chớm nụ.
“Xin hãy nghe từ lời tình
Muôn dịu dàng
Kết ngàn hạt lung linh
Con tim rung ngân cất lời tươi trẻ
Đêm động lòng nghiêng chao rất nhẹ
Lắng nghe nhé anh
Mùa xuân vừa ghé
Nụ biếc bên cành và em mãi bên anh!”
Lấy “Tình xuân” để nói “Tình người” đó cũng là cách thể hiện riêng của Từ Nguyễn. Dù chị không phải là cây viết chuyên nghiệp, không dùng những hình tượng đắt giá, từ ngữ bóng bẩy khi nói về tình yêu. Nhưng “ Bên anh - em là mùa xuân” của Từ Nguyễn cũng cho ta một cách cảm nhận riêng về tình yêu thật nhẹ nhàng, đằm thắm nhưng cũng da diết lắm. Bài thơ cũng đã phác họa một bức tranh về mùa xuân với đầy đủ nhịp điệu, âm thanh, màu sắc và hương thơm nồng nàn của hoa cỏ mùa xuân đó thôi!
Hồng Vân - PCT- Hội LHPN tỉnh TT.Huế
( Xuân Nhâm Thìn )