Nhận thức đúng ý nghĩa chiến lược và tầm quan trọng của biển, đảo đối với việc phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh của đất nước, đồng thời hưởng ứng phong trào toàn dân “Hướng về biên giới, biển đảo”, dưới sự chỉ đạo của Trung ương Hội LHPN Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh. Hằng năm, Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch hướng dẫn cho Hội LHPN các huyện, thị, thành phố tổ chức thực hiện các hoạt động về quốc phòng, an ninh, về công tác biên giới hải đảo, xây dựng các mô hình điểm.
Tổ chức ký kết chương trình phối hợp với Công an, Quân sự, Biên phòng tỉnh về “Vận động phụ nữ tham gia xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo” giai đoạn 2012 - 2017 và 2017 - 2022; “Quản lý, giáo dục con em trong gia đình không phạm tội và tệ nạn xã hội”; “Phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc”,… Chỉ đạo 100% Hội LHPN các huyện, thị tuyến biên giới, bờ biển tổ chức ký chương trình phối hợp với các đồn biên phòng và các đơn vị quân đội đóng trên địa bàn về nhiệm vụ bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo…
Đ/c Ngô Thị Ánh Tuyết - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh trao quà cho phụ nữ khó khăn
Xác định công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ về bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới, biển đảo là khâu mũi nhọn cần tập trung. Hội LHPN tỉnh đã chú trọng phối hợp chặt chẽ với các ngành, địa phương để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động giáo dục nhân dân và phụ nữ vùng biên giới về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác quốc phòng, an ninh. Qua đó, góp phần nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, ý thức trách nhiệm của hội viên, phụ nữ trong chấp hành đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và địa phương, góp phần củng cố lòng tin của nhân dân đối với Đảng.
Bên cạnh đó, để công tác giảm nghèo có hiệu quả, Hội đã tập trung vào các hoạt động như: tập huấn kiến thức trong chăn nuôi trồng trọt, giới thiệu hội viên, phụ nữ vay vốn từ Ngân hàng CSXH phát triển kinh tế gia đình để ổn định cuộc sống góp phần quan trọng trong chương trình xóa đói, giảm nghèo trên địa bàn tỉnh.
Ngoài ra, Hội cũng đã vận động các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân giúp đỡ, hỗ trợ kinh phí xây dựng, sửa chữa trường học, sách vở cho các cháu có hoàn cảnh khó khăn được đi học; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp quyên góp được hơn 300 triệu đồng gửi đến quỹ “Vì Trường Sa thân yêu” và xây dựng công trình tại đảo Sơn Chà; phối hợp với đồn Biên phòng Nhâm xây dựng mô hình “Dê giống cho phụ nữ nghèo nơi biên giới” trị giá hơn 100 triệu đồng đến nay đã phát huy có hiệu quả.
Hàng năm, Hội LHPN tỉnh phối hợp với các cơ quan, ban, ngành, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức thăm hỏi tặng quà cho bà con nhân dân các huyện giáp ranh vào dịp Lễ tết cổ truyền Bun - phi - may; khởi công xây dựng trường học kết hợp nhà sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại bản Xê Sáp, huyện Kà Lừm, tỉnh SeKong; hỗ trợ xây dựng 02 ngôi nhà hữu nghị, trị giá 40 triệu đồng cho người dân bản Sê Sáp và bản KaLô, huyện Kà Lừm, tỉnh Sê Kông; tặng quà cho phụ nữ và trẻ em vùng biên giới với trị giá gần 150 triệu đồng; khám và chữa bệnh miễn phí cho nhân dân bản KaLô, Sê Sáp, Cô Tài (Lào)... Đặc biệt, thực hiện Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” giai đoạn 2018 - 2020 do Trung ương Hội LHPN Việt Nam phát động, Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tổ chức Ngày Hội “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương” năm 2018 với các hoạt động sôi nổi có ý nghĩa thiết thực như: Trao tặng 02 Mái ấm tình thương; 70 suất quà cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn; khám và cấp thuốc miễn phí cho người dân, hội viên phụ nữ nghèo tại 03 xã biên giới Hồng Vân, Hồng Thái, Hương Nguyên; Phát động ra quân làm vệ sinh môi trường; Tuần hành và truyền thông lưu động; Truyền thông về phòng, chống mua bán người, về xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch tại xã Hồng Vân, Hồng Thái và Hương Nguyên.
Hội LHPN tỉnh phối hợp Bệnh viện Quân y 268 khám bệnh miễn phí cho hội viên phụ nữ
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện vẫn còn tồn tại một số hạn chế như: Công tác tuyên truyền có lúc còn mang tính thời điểm. Phụ nữ vùng biên giới, dân tộc trình độ văn hóa và đời sống còn thấp, hiểu biết về pháp luật và tiếp cận thông tin còn nhiều hạn chế; Nguồn vốn đầu tư cho khu vực này có tập trung ưu tiên nhưng còn ít. Việc đào tạo nghề cho chị em phụ nữ vùng miền núi đa số còn giản đơn, chưa đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động trong giai đoạn hiện nay; Kinh phí để thực hiện cho công tác phối hợp còn hạn chế, chủ yếu phụ thuộc vào nguồn lực do Hội vận động nên chưa tổ chức được nhiều hoạt động và còn ở quy mô nhỏ...
Để phát huy tốt hơn nữa vai trò của phụ nữ tham gia bảo vệ an ninh biên giới, biển đảo; trong thời gian tới Hội LHPN tỉnh tiếp tục thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: Tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp đặc biệt là phụ nữ ở vùng biên giới, biển đảo. Tranh thủ các chương trình, dự án về giảm nghèo, dạy nghề cho phụ nữ dân tộc thiểu số, từng bước chuyển đổi nghề nghiệp, tạo công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho chị em phụ nữ và phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới. Triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp hoạt động “Vận động phụ nữ tham gia chương trình xây dựng và bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới, biển đảo” giai đoạn 2017 - 2022 và Chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương giai đoạn 2018 - 2020” giữa Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng…
Ngô Thị Ánh Tuyết
PCT Hội LHPN tỉnh