Người phụ nữ bán bánh mì miệt mài giúp đỡ sinh viên nghèo
Ngày cập nhật 21/12/2022

Hơn 10 năm nay, sinh viên các trường đại học ở Huế không còn xa lạ với cô Hoàng Kim Khẩn (59 tuổi) bán bánh mì dạo ở phường Thuận Lộc, TP Huế. Với tấm lòng thương yêu học sinh, sinh viên nghèo, cô Khẩn đã giúp các em viết thư xin học bổng với tổng số tiền hơn 1 tỉ đồng.

“Chắp cánh" cho tân sinh viên 

Tôi tìm đến nhà cô Hoàng Kim Khẩn ở tổ 13, phường Thuận Lộc, TP Huế đúng lúc cô đang rà soát lại hồ sơ lần cuối để gửi xin cấp học bổng cho những tân sinh viên mồ côi, con nhà nghèo.

Cô rành rọt: “Tiêu chí đợt này căng như dây đàn vì Chương trình Phát triển sinh viên VietHope (VietHope Student Development Program - VSDP) hỗ trợ toàn diện và đồng hành cùng các em trong suốt những năm đại học (ĐH). Đối tượng VietHope hướng đến là các bạn sinh viên năm nhất hệ ĐH chính quy của các trường ĐH đối tác tại Việt Nam. Khoản hỗ trợ dự kiến tương đương 1.000 USD/sinh viên (bao gồm hỗ trợ tài chính và phát triển kỹ năng) cho 80 sinh viên trong suốt 4 năm. Cả nước có 7 trường được chọn xét, Huế có 3 trường là ĐH Nông Lâm, ĐH Kinh tế và ĐH Khoa học. Ngoài ra, theo đúng tiêu chí, chỉ ưu tiên những học sinh đã từng học tại 2 trường là THPT chuyên Quốc học Huế và Phan Đăng Lưu (TP Huế)”. Trong khi, số sinh viên tìm đến nhờ tư vấn viết thư xin học bổng thì rất đông. “Đứa nào cũng học giỏi mà gia đình khổ quá. Thương quá con ơi!” - cô Khẩn trầm tư.

Cô Khẩn tư vấn cách viết thư “săn học bổng” cho các bạn tân sinh viên

Bức thư cô Khẩn viết xin học bổng đầu tiên chính là thư viết giúp cậu con trai Huỳnh Kim Tuấn. Năm 2012, Kim Tuấn đậu vào Trường ĐH Kinh tế - ĐH Huế đúng thời điểm cha bị tai nạn lao động, hỏng mắt, một mình cô Khẩn với xe bánh mì, bánh canh dạo, không đủ lo 4 miệng ăn nên chẳng thể lo nổi học phí ĐH cho 2 đứa con. Trong lúc cô dự định để 1 đứa nghỉ học đi làm phụ mẹ thì 1 người bạn ở TPHCM gửi cho đường link để liên hệ xin học bổng. “Như người chết đuối vớ được cọc, cô viết liền mạch 5 trang giấy với nhiều cảm xúc… Thế là, con cô may mắn nhận được học bổng 5 triệu đồng từ chương trình “Tiếp sức đến trường” - cô Khẩn xúc động.

Đến nay, 2 đứa con cô Khẩn đã ra trường, có việc làm ổn định. Các em đã trở thành những cộng tác viên đắc lực giúp mẹ tìm kiếm nguồn học bổng giúp sinh viên nghèo.

Một tấm lòng kết nối bao tấm lòng

Từ ngày chồng mất, ngôi nhà tình nghĩa của cô Khẩn trở thành địa chỉ lui tới của những sinh viên nghèo. Cứ mỗi dịp nhận giấy báo trúng tuyển ĐH, các bạn lại đến nhờ cô tư vấn viết thư xin học bổng. Không nhớ đã viết bao nhiêu lá thư giúp tân sinh viên tìm học bổng, nhưng cô Khẩn chắc chắn rằng các bạn đều là con nhà nghèo, mồ côi, nhưng học rất giỏi. Cô nói: “Làm cái việc này cần phải có tâm. Nếu không chu đáo, sai nội dung thì tội lắm. Đứa nào cũng cực khổ, học giỏi, nhưng chưa biết kể lại câu chuyện của mình. Tôi hướng dẫn là nhiều em có cảm xúc, viết rất hay, dự tuyển các học bổng đều được ngay”.

Hằng ngày cô Khẩn vẫn giúp học sinh sinh viên nghèo viết thư săn học bổng

Mỗi ngày, sau giờ đi bán bánh mì và chăm lo công việc của Hội LHPN phường Thuận Lộc phân công, cô Khẩn thường dành 2 tiếng để vào các trang thông tin trên mạng, đặc biệt là những trang hiếu học, để tìm học bổng giúp học sinh, sinh viên. Cô tâm niệm, tất cả các bạn trẻ nghèo khó đều như con mình, nên giúp được gì là cô giúp hết mình với mong mỏi bạn nào cũng được cấp học bổng. Với nhiều bạn trẻ, cô Khẩn là người gieo duyên lành giúp đường đến trường của các em bớt gập ghềnh.

Nhìn lại 12 năm gắn bó với việc tìm kiếm và viết đơn xin học bổng cho học sinh, sinh viên nghèo, cô Khẩn thừa nhận: do chưa có kinh nghiệm nên 2 năm đầu thành công không nhiều. 10 năm nay, năm nào cô cũng viết thư giúp các em xin được từ 10-15 học bổng, trong đó có nhiều học bổng toàn phần. Cụ thể, năm 2015, cô giúp sinh viên viết 5 thư thì 4 thư được trao với tổng số tiền 20 triệu đồng. Năm 2016, có 5 thư gửi đi thì 3 thư được trao với tổng số tiền 21 triệu đồng. Năm 2017, có 2 thư được trao với số tiền 14 triệu đồng. Những năm gần đây, do tiếng lành đồn xa, sinh viên đến nhờ cậy cô nhiều, nên mỗi năm cô giúp từ 10-15 em và tỉ lệ thường đạt 100%. Riêng năm 2022, cô giúp xin được gần 30 suất với tổng số tiền gần 400 triệu đồng.

“Trong trái tim của nhiều bạn sinh viên nghèo, cô Khẩn không phải là người bán bánh mì bình thường mà như là một cô giáo trong truyện cổ tích” - Nguyễn Khoa Hạnh Đoan - sinh viên năm 2 Trường ĐH Nông Lâm Huế - nói. Cha Hạnh Đoan bị tai nạn lao động, phải nằm một chỗ, trong khi mẹ em - lao động chính trong gia đình có 4 nhân khẩu - lại đau ốm liên miên, gánh hàng rong của mẹ vì thế càng thêm nặng trĩu khi Hạnh Đoan trúng tuyển ĐH. Trước hoàn cảnh khó khăn, Hạnh Đoan định nghỉ học để đi làm giúp mẹ thì cô Khẩn hay tin, giúp em viết đơn gửi chương trình “Tiếp sức đến trường” và em đã nhận được suất học bổng 10 triệu đồng. “Năm nay em chưa biết xoay xở vào đâu nên lại đến nhờ cô tìm mạnh thường quân” - giọng Đoan trầm buồn.

Bạn Hà Khánh Diệu - sinh viên năm nhất Trường ĐH Ngoại thương - cũng nhờ cô Khẩn mà nhận được học bổng “Tiếp sức đến trường” để tiếp tục chuyện học hành. “Cô Khẩn không phải là giáo viên nhưng trong tim con thì cô là một cô giáo tuyệt vời. Con xin gửi lời tri ân sâu sắc và cảm ơn đến cô - người đã luôn tận tâm, nhiệt tình giúp đỡ chúng con. Con mong cô luôn mạnh khỏe, hạnh phúc, tràn ngập niềm vui trong cuộc sống” - Khánh Diệu gửi đến cô Khẩn những lời chân thành.

Cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từng viết: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Đất Huế nghèo nhưng hiếu học, nên rất cần những tấm lòng, và cô Khẩn là một tấm lòng kết nối bao tấm lòng. Những tấm lòng ấy chỉ mong các bạn học sinh, sinh viên sẽ thành công để sau này tiếp tục giúp đỡ những học sinh, sinh viên nghèo khác. 

https://www.phunuonline.com.vn/

 

 

 

Tin mới
Xem tin theo ngày