|
|
| | |
|
|
|
KHÔNG CHẤP NHẬN SỐ PHẬN! Ngày cập nhật 15/11/2024
Quan điểm đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, khép kín chu trình sản xuất, gắn với nỗ lực của bản thân nhằm nâng cao giá trị và hiệu quả kinh tế... đó là cách nghĩ và làm của gia đình anh Nguyễn Đổi - chị Phan Thị Lý ở thôn Thanh Hương Đông, xã Điền Hương, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Ảnh: Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình anh Nguyễn Đổi ở xã Điền Hương
Chúng tôi đến thăm gia trại anh Nguyễn Đổi tại thôn Thanh Hương Đông, xã Điền Hương, nghe anh kể chuyện mà cứ như được viết từ một doanh nhân thành đạt nào. Gia đình anh trước đây là hộ cận nghèo, không có ruộng đất, lại đông con, một mình anh phải nuôi 06 miệng ăn, bản thân lại không có nghề nghiệp ổn định... nhưng không bằng lòng với số phận, anh kể: “Sau khi gia đình tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) huyện Phong Điền cho vay 70 triệu đồng, tôi đã đầu tư xây chuồng trại, mua 02 con Bò, 100 Vịt (ngang), 04 mẹ Lợn nái, 100 Gà lai chọi... để vừa nuôi, vừa nhân giống khép kín chu trình sản xuất. Anh xác định không thể cùng một lúc làm lớn ngay được, xác định mục tiêu lấy ngắn nuôi dài... nên thời gian rảnh anh tranh thủ nghiên cứu kỹ thuật về chăn nuôi, nhận làm thêm bất kỳ công việc gì, “cứ có việc làm, có thêm thu nhập là tôi nhận lời””. Và trời đã không phụ lòng người, từ Bò đến Lợn đến Gà, Vịt... bất kỳ con gì, cây gì qua tay anh đều đã cho kết quả tốt. Bò của anh cũng đã phát triển đều đều mỗi năm 02 con, đàn Gà, Vịt đến nay đã phát triển gần 400 con... cho thu nhập ổn định gần 150 triệu đồng/năm. Đến nay anh đã thoát cận nghèo, xây được nhà kiên cố và lo cho các con anh ăn học đàng hoàng.
Ảnh: Mô hình anh Đổi - chị Lý
Chị Trần Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN xã Điền Hương cho chúng tôi biết thêm “Thông qua nguồn vốn nhận ủy thác từ NHCSXH huyện, Hội LHPN xã đã giúp cho nhiều hộ gia đình có điều kiện để thoát nghèo bền vững, ổn định cuộc sống...gia đình anh Đổi – chị Lý là một minh chứng. Điền Hương là xã nghèo nên từ trong ý thức, người dân luôn có những cố gắng, nổ lực để vương lên. Với chủ trương phát triển mô hình kinh tế gia trại trên vùng đất hoang hóa trong những năm trở lại đây thông qua nguồn vốn các chương trình tín dụng ưu đãi từ NHCSXH nhiều hộ gia đình đã có sự chuyển mình tích cực nhờ vào việc đa dạng hoá cây trồng, vật nuôi, khép kín chu trình sản xuất, gắn với nỗ lực của bản thân như gia đình anh Đổi – chị Lý hay gia đình anh Châu – chị Nghị ở thôn Thanh Hương Lâm... Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục quan tâm, tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất để nhiều hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn tiếp cận được nguồn vốn nhận ủy thác từ NHCSXH huyện để phát triển về kinh tế - xã hội”.
Phải khẳng định, hiệu quả kinh tế đem lại khi phát triển kinh tế theo mô hình kinh tế gia trại là rất khả quan, nhưng để thành công thực sự là rất khó, nhất là thiếu vốn, thiếu quy trình sản xuất, công tác phòng chống dịch bệnh vật nuôi, sâu bệnh cây trồng và đầu ra sản phẩm. Người làm kinh tế gia trại ngoài sự quyết tâm, lòng đam mê thì cần phải nắm vững kiến thức, học hỏi nhiều kinh nghiệm và có kế hoạch, chiến lược phát triển gia trại cụ thể. Nhất là việc dự tính dự báo, lựa chọn thời điểm, xác định đối tượng trồng trọt, chăn nuôi phù hợp...thì mới yên tâm để đầu tư phát triển sản xuất và đạt được hiệu quả kinh tế cao./.
Tin, bài Lê Hiền NHCSXH
Tin mới
|
|
|
|